Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tùy bút:
Khu vườn của nội
Chủ nhật: 08:39 ngày 10/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong khu vườn này chim sóc về ở rất nhiều, vì nội tôi cấm sát sanh, tuyệt đối không một ai trong gia đình được chọc phá, bắn giết chim sóc. Mùa có loại trái cây nào chín thì chúng nó ăn loại đó, mùa vườn không có trái chín thì ba tôi mua chuối về treo trên các nhánh cây cho chúng đến ăn.

Có lẽ cả cái thị trấn này không nhà ai còn khu vườn toàn là cây rừng thực sinh cổ thụ như nhà tôi. Dưới tán cây trong vườn, tôi được bà nội cùng với ba má nuôi dạy khôn lớn nên người. Mỗi gốc cây trong vườn đều gắn với tôi biết bao kỷ niệm.

Đó là chỗ anh em tôi chơi cất nhà bán quán, chỗ má tôi giã sàng lúa rẫy, chỗ ba tôi chẻ củi nấu cơm chiều, chỗ nội tôi trải chiếu ngồi kể chuyện dưới trăng… Tất cả đã trở thành những mảnh ký ức in sâu trong tâm trí tôi, cho dù đã mấy chục năm qua và cuộc sống ngày nay đã bao phần đổi khác.

Năm 1976, gia đình tôi chuyển từ Sài Gòn lên vùng kinh tế mới Tha La 1 để lập nghiệp sinh sống. Nhưng trước đó, bác Bảy tôi đã cùng với các chú Thanh niên xung phong Liên đội Dũng Cảm 1 lên vùng này khai phá rừng hoang, ủi đất, đào giếng, dựng nhà.

Nội tôi nói với bác Bảy: “Vì cuộc sống nên mình phải khai phá rừng, phải làm thiệt hại biết bao cây cỏ, đó là việc làm tổn hại đến hồn thiêng của núi rừng. Nên ít nhiều miếng đất mình lên ở phải chừa lại cây”. Nghe lời nội, bác tôi đã chừa lại những cây mới phát triển sau chiến tranh, coi như gầy lại rừng vườn nhà.

Sau khi giải ngũ TNXP, bác Bảy trở lại Sài Gòn, gia đình tôi vẫn bám trụ lại xứ này cho đến ngày nay. Khu vườn năm xưa chỉ là những cây chồi, nhưng bây giờ đã là những cây to tới mấy người ôm, cao tới vài chục thước.

Đó là những loại cây có mặt ở rừng Tây Ninh xưa như dầu, huỷnh, xay, ngành ngạnh, cò ke, trâm bột, sọ khỉ, trôm rừng, sala… Bên cạnh là các loại cây ăn quả mà ba tôi trồng thêm sau này như me, vú sữa, bơ, mận… Tất cả hợp thành một màu xanh mát mẻ, trong lành.

Trong khu vườn này chim sóc về ở rất nhiều, vì nội tôi cấm sát sanh, tuyệt đối không một ai trong gia đình được chọc phá, bắn giết chim sóc. Mùa có loại trái cây nào chín thì chúng nó ăn loại đó, mùa vườn không có trái chín thì ba tôi mua chuối về treo trên các nhánh cây cho chúng đến ăn.

Gia đình tôi lên vùng kinh tế mới được hai năm thì cô Sáu tôi mất do bạo bệnh. Cô là con gái duy nhất của nội, sợ nội buồn đau nên má tôi kêu tôi qua ngủ chung với bà. Đêm đến, đom đóm bay vào nhà, bà kêu tôi đừng có bắt, bà nói đó là hương hồn của cô tôi về thăm nhà…

Từ đó về sau, tôi chỉ nhìn đám đom đóm sau vườn bay thôi chứ không bắt chúng nữa. Khu vườn đêm đầy ánh đóm sao bỗng trở nên huyền ảo, đó là cái xứ sở thần tiên của tôi mấy mươi năm về trước, nơi đó có biết bao câu chuyện cổ tích ly kỳ, những nàng tiên xinh đẹp giáng trần, những chàng trai hiền lành tốt bụng, dẹp giặc được nhà vua truyền ngôi và được cưới nàng công chúa. Nơi đó cũng là khu vườn của biết bao nỗi nhớ những người thân lần lượt ra đi…

Nội tôi cũng đã về với đất lâu rồi. Trước khi mất, những ngày còn minh mẫn, nội thường dặn con cháu phải giữ gìn khu vườn. Nội nói mỗi cái cây đều là một sinh mệnh, đừng vì sự ích kỷ của mình mà làm tổn hại đến nó. Tình yêu muôn loài muôn vật, tôi được nội dạy từ tấm bé.

Nội ra đi vào một chiều mưa tháng tư, tôi nhìn những giọt nước chảy trên muôn cành lá như chúng đang tiếc thương bà vậy. Tôi nhớ lắm những ngày tôi còn nhỏ, ba má tôi thì suốt ngày bận bịu với đám lúa rẫy, tôi ở nhà với bà.

Nội lúc ấy còn khoẻ lắm, khu vườn luôn sạch sẽ, từ lá rụng cho tới cỏ rác luôn được nội quét dọn. Nội tôi trồng các loại rau, bầu, mướp và thơm, sáng chiều nội quay nước giếng đổ vào các thùng nhỏ cho tôi đi tưới.

Tôi thích lắm công việc đi tưới cây với nội, vì mỗi lần làm là được bà kể cho nghe đủ thứ chuyện. Nào là chuyện thuở dưới quê biển Gò Công, rồi chuyện những năm tháng sống ở Đồng Ông Cộ. Nội tôi là một người đặc biệt, bà chưa bao giờ bước chân tới trường học, bà tự học chữ, nhưng bà viết rất đẹp.

Bà đọc thiên kinh vạn quyển, phải nói là Đông Tây kim cổ gì bà cũng biết. Bà kể cho tôi nghe không biết bao nhiêu là câu chuyện, mà bất cứ câu chuyện nào bà cũng kèm theo một bài học cho tôi.

Tôi nhớ lắm bà dạy tôi từng chút từ cách ăn nói dạ thưa với người lớn tuổi, gặp chú bác hàng xóm phải chào hỏi, không được chọc ghẹo người bị tật nguyền, phải biết giúp đỡ người già, người khốn khổ, nuôi con gì, trồng cây gì cũng phải cho ăn cho uống đàng hoàng…

Phải nói một điều là nội tôi không có nhiều lý luận, mà cũng không có phương pháp gì hiện đại, nhưng những gì nội dạy trong suốt tuổi thơ tôi đều ghi nhớ hết và thực hành cho đến ngày nay vẫn hoàn toàn phù hợp cả.

Ngày nay bất kỳ ai đến nhà tôi cũng đều thích thú với khu vườn cây này. Ba tôi kê một bộ bàn đá dưới tán cây đủng đỉnh để mọi người uống trà. Những chú sóc xù ở đây như không có cảm giác sợ người, chúng đùa giỡn rất vô tư.

Chim chóc thì mùa nào cũng có, đẹp nhất là khi mùa xuân đến, từng đàn vàng anh bay về hót vang; mùa hè thì tu hú kêu vang vọng, chào mào, hoành hoạch thì có mặt líu lo suốt ngày… Thích nhất là những đêm trăng sáng, ánh trăng lọt qua kẽ lá rừng tạo ra một không gian mờ ảo và đẹp đến nao lòng. Trong cái ánh sáng mờ mờ ấy, tôi thường nhớ tới hình bóng của nội tôi. Tôi có cảm giác như bà vẫn còn ở đâu đây với con cháu và vẫn dõi theo tôi trên vạn bước đường đời.

HOÀI CHI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục