BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khúc tâm tình với những chốn quê

Cập nhật ngày: 11/08/2011 - 11:23

Nhà thơ Vũ Miên Thảo

Tôi từng gặp Vũ Miên Thảo (tên thật là Võ Tấn Lộc) khi anh còn làm việc ở Hội Chữ thập đỏ huyện Hoà Thành. Còn trước đó, tôi biết anh có cái tên khác để làm thơ là Vũ Mậu Tý. Ngỡ anh là bạn đồng niên ai dè anh sinh vào cái năm miền Bắc có tới mấy triệu người chết đói: 1945. Gần đây, anh xuất hiện trên văn đàn suốt dọc triền đất Nam bộ này với cái tên Vũ Miên Thảo. Rồi cái tên ấy được đứng ở một tập thơ riêng: DÒNG SÔNG VÀ NỖI NHỚ. Tập thơ giống như một trang nhật ký đời anh về những vùng đất mà anh đã đi qua. Tây Ninh nơi anh sống, An Giang nơi anh sinh ra, Đồng Tháp nơi anh đến và thêm một chút nỗi niềm riêng, rồi Đà Lạt, Tiền Giang… tất cả hiện ra trong thơ anh bằng lối viết của người có nghề sau gần nửa thế kỷ say sưa với việc làm thơ.

Nói ngay một điều: những người làm thơ như Vũ Miên Thảo ở tỉnh lẻ hiện nay không hiếm. Nhưng do ranh giới địa lý, họ ở cách xa những trung tâm văn hoá, họ chưa tự tin khi bước đến văn đàn, rồi còn do cảnh sống chẳng mấy sung túc không thể bỏ tiền ra in thơ và cuối cùng họ sợ thơ mình lọt thỏm trong cả rừng thơ rậm rạp nên dù có say mê, dù có ham muốn thì cũng đành làm thơ xong cất đi, hoặc chỉ mang đọc cho bạn bè nghe. Mới đây khi văn học mạng hình thành, họ tự lập những blog riêng để tải thơ mình lên đấy giới thiệu cùng bạn bè. Cứ như Vũ Miên Thảo, nếu điều kiện cho phép anh không để đến bây giờ khi tuổi ngoài sáu mươi mới ra tập thơ đầu. Cũng xin nói thêm: Dòng sông và nỗi nhớ của anh nếu không có sự tài trợ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thì cũng không ra nổi.

Xin cùng Vũ Miên Thảo đến vùng đất nơi anh đang sống: Tây Ninh. Nhắc đến Tây Ninh, không thể không nhắc đến sông Vàm Cỏ Đông mềm như dải lụa xanh, quanh năm hiền hoà chảy. Không thể không nhắc đến núi Bà Đen, ngọn núi như cái nón khổng lồ trồi lên giữa những cánh đồng xanh mướt. Người làm thơ ở Tây Ninh chí ít một lần thế nào cũng phải nhắc đến hai cái tên quen thuộc ấy. Có một lần Vũ Miên Thảo thức cùng dòng sông Vàm Cỏ Đông. Có phải lạ chốn, lạ nơi mà giấc ngủ chập chờn, nỗi nhớ cứ cồn lên, người thơ trăn trở lật mình khắp phía, phía nào cũng nhớ và thương. Phía núi thì nhớ tiếng gọi đò ơi của tình yêu đôi lứa, đứa bờ Đông, đứa bờ Tây. Bên bồi thì nhớ đến nao lòng phố xá xa xăm. Bên rừng, thì hồn chìm theo tiếng suối để lắng nghe trăm lời ru về nguồn cội, phía em thì dịu dàng tha thiết đến mông lung. Còn nghiêng về bên lở thì: “nồng nàn hương lúa, hương hoa/ giữa khuya nghe lời ca cổ/ tình quê thấm vào thịt da” (Thức cùng sông Vàm). Vũ Miên Thảo từ những chuyến đi của mình mà vẽ nên vóc hình của một vùng quê chân chất, giản dị mà chan chứa tình người. Có ai đến Tây Ninh, ngồi dưới rặng tầm vông, dưới ánh trăng ngà cùng với những người nông dân chân chất để có một cuộc chơi mới hiểu hết được chất trữ tình của miền quê nhiều gian nan khổ ải này. Nghèo thì nghèo thật, nhưng dám đánh đổi cả đời mình cho cuộc chiến giành độc lập tự do. Vì nghèo mà lăn lưng ra với ruộng với đồng, gom nhặt từng củ khoai hạt lúa để tạo dựng cuộc đời. Ban ngày lam lũ là vậy, chỉ có ban đêm mới có thời gian ngồi lại với nhau trong bữa tiệc ngoài đồng. Này cá lóc nướng trui cuốn lá bằng lăng, ngó sen đồng. Này ốc lượm ngoài đầm, rượu nếp lội vài ba cây số mới mua được mang về “giọt nghiêng, giọt đổ”. Bữa tiệc ngoài đồng ngai ngái hương khói đốt đồng và cái ly là vỏ ốc chuyền tay trong tiếng cười nghiêng ngả: “Cá trui, già lửa thơm hương nếp/ vỏ ốc làm ly tay chuyền tay/ có gì hơn được trong trời đất…” trời đất ấy là: “chòi đưng nửa mái thơm hương lúa/ rượu bạn mừng – ly lạ, ly quen” (Rượu đồng).

Đọc thơ Vũ Miên Thảo cho ta có được cảm giác thanh thản, tinh khiết và trong sáng. Bởi đi tới cùng mạch cảm xúc của Vũ Miên Thảo sẽ chỉ thấy ngổn ngang kỷ niệm mà lại toàn những kỷ niệm êm ái của những con người chân quê, chân chất. Thấy một vùng chiến khu: “Hang động cũ con tắc kè vẫn gọi/ hoàng hôn nhắc nhở bữa cơm chiều/… hai nắng, ba sương ân tình mẹ gởi/ cơm chiến hào thôi thúc bước hành quân”. Mỗi một nơi Vũ Miên Thảo đến là một nét yêu thương riêng. Mộc mạc thôi những con chữ mà đau đáu nỗi niềm. Bưng hoang Trà Cao (Trảng Bàng), thấy ở đây một bưng hoang thức dậy trước sức mạnh của con người. Và lãng mạn ở ngay thị xã Tây Ninh: “Hun hút phố đêm/ lối về chếch bóng/ hương xuân/ chưa ấm nồng môi nhạt/ anh vẫn còn/ một nhánh phong lan”. Vóc dáng Tây Ninh thấm đậm trong dòng sông và nỗi nhớ Vũ Miên Thảo. Tình quê dào dạt hiện ra trong từng bài.

Không chỉ có thế, những vùng quê khác anh tới, cũng chan chứa tình cảm trong thơ. Trong một lần về chợ trên sông. Thì có ai lạ gì cái chợ này. Nào thức khuya trên những chiếc ghe. Là những cô gái tóc dài xinh xắn, những ăm ắp trái cây. Chẳng có gì lạ cả. Bỗng nhiên: “bất ngờ gặp ở chợ trên sông/ một em/ một dầm/ một xuồng lướt sóng/ xin chào ngã ba sông/ chào bình minh thơ mộng/ ngược sóng chúng tôi về/ dầm hai mái song song” (Chợ bên sông). Đừng nghĩ lan man đến chuyện về chợ trên sông mà bén duyên chồng vợ, mà chỉ nghĩ rằng sau một phiên chợ đêm con người đã gần nhau hơn, đã gắn bó nhau rồi cũng đủ thấy cái tình không chỉ của chợ mà có cả tình của người thơ trong đó.

Rồi cái lần anh về Bảy Chúc (An Giang), quê anh. Bỗng nhiên anh thấy mình là người có lỗi. Vào đúng cái đêm giao thừa, ngồi trên xe thấy nhấp nhá loang loáng những cánh đồng, những vườn cây mà anh nôn nao. Anh thấy những kênh sáng, kênh đào, con rạch chuyển động như máu trong tim chuyển động không ngừng. Chắc chắn, lúc đó anh nôn nao lắm, háo hức lắm và cũng rưng rưng. Khi ra đi tóc còn xanh, nay trở về tóc đã trắng gần hết mái đầu. Bao nhiêu năm lăn lóc sống trên đất quê người, bao nhiêu yêu thương dồn cho mảnh đất đang sống, chỉ còn chút nhớ nhung cho xứ sở quê mình, khi về sao chẳng xót lòng. Những câu thơ cuối cho bài thơ Tự tình khúc anh buông như một tiếng nấc: “tin chắc năm này- trong những kẻ ly hương/ có con trở về trước nhất/ hơn ba mươi năm/ cách mặt chẳng xa lòng/ Bảy Núi ơi!/ đứa con xa về, xin tạ tội”. Đứa con ấy lại là một người thơ, nên lời tạ tội ấy là lời thật lòng với quê hương xứ sở, với nơi chôn nhúm nhau, cắt cuống rốn của mình.

Gần nửa thế kỷ làm thơ, nếu in được có thể có tới bốn, năm tập thơ, thế mà đến nay Vũ Miên Thảo mới ra được tập thơ đầu, thiệt thòi quá cho một người làm thơ! Dù vậy thì Dòng sông và nỗi nhớ cũng đã tạo ra được tứ thơ riêng, ý thơ riêng và mạch thơ riêng.

NGUYỄN ĐỨC THIỆN