Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khủng hoảng Ukraine: Các bên bắt đầu phát đi những tín hiệu lạc quan thận trọng
Thứ năm: 09:59 ngày 10/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nỗ lực ngoại giao dày đặc giữa các nước phương Tây với Nga và Ukraine trong những ngày qua đang bắt đầu mang lại kết quả khi trong ngày 9/2, tất cả các bên đều phát đi các tín hiệu lạc quan thận trọng về việc có thể ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh bùng phát.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đan Mạch, bà Mette Frederiksen tại thủ đô Berlin trong chiều 9/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định, những nỗ lực ngoại giao quyết liệt được thực hiện trong những ngày qua đang mang lại kết quả và mục tiêu mà các nước phương Tây đặt ra là tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng Ukraine có thể đạt được.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Mặc dù vẫn rất thận trọng khi cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói các vấn đề đã được giải quyết, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá, phía Nga đã nhận được thông điệp cứng rắn từ các nước phương Tây và các gói trừng phạt mà phương Tây đe dọa áp dụng đã mang lại sức mạnh răn đe.

“Chúng tôi đều nhất trí rằng sẽ ngay lập tức hành động khi cần thiết. Các lệnh trừng phạt sẵn sàng được áp dụng vào bất cứ thời điểm nào ngay khi có các tình huống diễn biến xấu đi và các gói trừng phạt này rất hiệu quả. Đó là thông điệp mà phía Nga đã nhận được và tôi tin rằng đó là điều mang đến các kết quả hiện nay”.

Trong vài ngày qua, các hoạt động ngoại giao được các nước phương Tây thực hiện dồn dập nhằm ngăn chặn nguy cơ diễn ra một cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Từ nhiều tuần qua, các nước phương Tây cáo buộc Nga có ý định tấn công Ukraine và đe dọa trừng phạt Nga nhưng phía Nga luôn bác bỏ cáo buộc này và cho rằng việc tập trung quân về gần biên giới với Ukraine chỉ có mục đích tự vệ.

Đầu tuần này, đích thân Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến Mỹ hội đàm cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm liên tiếp đến Nga gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và sau đó đến Ukraine. Nguyên thủ ba nước Đức, Pháp và Ba Lan cũng đã cuộc gặp trong tối ngày 08/02 tại Berlin. Kết thúc các cuộc gặp này, các bên đều phát đi tín hiệu lạc quan thận trọng.

Trong ngày 9/2, chính quyền Pháp cũng phát đi thông báo đánh giá chuyến đi của ông Macron đến Nga và Ukraine đã đạt được mục đích khi các bên đồng ý thảo luận các cách thức để tiến tới hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba ngày 09/02 cũng đánh giá “hiện đã xuất hiện những cơ hội thực sự để xuống thang căng thẳng” và tình hình dù vẫn rất nguy hiểm nhưng đang trong tầm kiểm soát. Từ phía Nga, người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov cũng đánh giá việc Ukraine chấp nhận hành động dựa trên thỏa thuận Minsk là một tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh vẫn đang rất lớn, các hoạt động ngoại giao vẫn sẽ được các nước châu Âu đẩy mạnh trong những ngày tới. Trong ngày 10/02, cuộc họp dưới định dạng Normandy ở cấp cố vấn ngoại giao sẽ tiếp tục được nối lại giữa 4 nước Đức, Pháp, Nga và Ukraine tại thủ đô Berlin (Đức). Thủ tướng Đức, Olaf Scholz cũng sẽ tiếp lãnh đạo các nước Baltic trong ngày 10/02, trước khi có chuyến thăm Nga vào ngày 15/02.

Cùng lúc đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đến thăm Ba Lan trong ngày 10/02 rồi hội đàm với Tổng thư ký NATO tại Brussels, còn Ngoại trưởng Anh Liz Truss sẽ đến Nga để hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Nguồn Quang Dũng/VOV-Paris

Tin cùng chuyên mục