Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tuy nhiên, từ tháng 5.2023 đến nay, trên địa bàn Quân khu 7 vẫn phát hiện 64 vụ việc giả danh, mạo danh cán bộ, nhân viên trong quân đội thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, được người dân trình báo cơ quan chức năng.
Theo Cục Chính trị Quân khu 7, thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong cả nước nói chung và trên địa bàn Quân khu nói riêng có dấu hiệu gia tăng, ngày càng hoạt động tinh vi hơn. Nhiều cơ quan chức năng, báo chí Trung ương và địa phương đã tuyên truyền cho nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa các phương thức, thủ đoạn lừa đảo. Tuy nhiên, từ tháng 5.2023 đến nay, trên địa bàn Quân khu 7 vẫn phát hiện 64 vụ việc giả danh, mạo danh cán bộ, nhân viên trong quân đội thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, được người dân trình báo cơ quan chức năng.
Đối tượng sử dụng Zalo mạo danh là cán bộ quân đội nhắn tin nhờ chủ một quán ăn mua quà giùm. Ảnh: Nhật Quang
Cụ thể, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 23 vụ, Lâm Đồng 21 vụ, Tây Ninh 6 vụ, Bình Thuận 6 vụ, Bình Dương 4 vụ, Bà Rịa - Vũng Tàu 3 vụ, TP. Hồ Chí Minh 1 vụ. Tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng trong 7 vụ, các vụ còn lại người dân cảnh giác, kịp thời phát hiện bất thường nên không bị thiệt hại.
Nguyên nhân của những vụ việc trên là do người dân thiếu cảnh giác, tin tưởng chuyển khoản đặt hàng, giao hàng khi chưa xác thực thông tin. Mặt khác, một phần vì ham lợi nhuận cao, chấp nhận giao dịch với đối tượng lạ, ứng tiền nhập các loại hàng hoá mà cửa hàng của mình không kinh doanh, dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo này đã gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng vũ trang Quân khu 7.
Cục Chính trị Quân khu 7 cho biết, các đối tượng thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội (phổ biến nhất là ứng dụng Zalo và Messenger) có sử dụng hình ảnh mặc quân phục; hình ảnh phản ánh hoạt động thường ngày của bộ đội hoặc tự xưng là cán bộ đang công tác trong quân đội để tạo dựng niềm tin đối với các nạn nhân.
Sau đó, liên hệ với các cơ sở kinh doanh, cơ sở nấu ăn, công ty dịch vụ, cửa hàng vật liệu xây dựng, phân bón, cây trồng của nạn nhân để đặt tiệc, đặt mua các loại sản phẩm. Các đối tượng thực hiện chuyển khoản trước một số tiền cho nạn nhân để đặt cọc, tạo niềm tin và nhờ nạn nhân ứng tiền trước mua giúp một số loại hàng hoá mà cơ sở kinh doanh của nạn nhân không có.
Khi nạn nhân không tìm được nguồn hàng để cung ứng, các đối tượng (hoặc nhóm đối tượng) sẽ giới thiệu nguồn hàng với lợi nhuận hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân, sau đó yêu cầu chuyển khoản đặt cọc. Khi nạn nhân tin tưởng, chuyển tiền cọc thì các đối tượng (hoặc nhóm đối tượng) cắt liên hệ, không giao hàng hoặc giao hàng hoá không đúng, có giá trị thấp hơn so với thoả thuận để chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, các đối tượng (hoặc nhóm đối tượng) tìm hiểu hoàn cảnh gia đình nạn nhân và mạo danh là chỉ huy đơn vị của cán bộ, chiến sĩ liên hệ với gia đình để thông báo con, em của nạn nhân (đang phục vụ tại ngũ) bị tai nạn hoặc vi phạm kỷ luật, cần chuyển khoản một số tiền gấp để điều trị, khắc phục hậu quả, nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Để phòng ngừa và hạn chế tình trạng giả danh, mạo danh cán bộ quân đội thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân trên địa bàn, Cục Chính trị Quân khu 7 đề nghị Ban Tuyên giáo các Tỉnh uỷ, Thành uỷ phối hợp nghiên cứu, theo dõi, nắm tình hình dư luận nhân dân trên địa bàn; những phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhóm đối tượng tội phạm liên quan đến việc giả danh, mạo danh cán bộ quân đội.
Dự báo những diễn biến, xu hướng về các hành vi tội phạm giả danh, mạo danh cán bộ quân đội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có thể xảy ra; tham mưu chỉ đạo tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho nhân dân, phòng, chống các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu chỉ đạo phối hợp tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng xấu. Quản lý chặt chẽ SIM điện thoại; hạn chế SIM rác, sử dụng thông tin của người khác. Chỉ đạo kiểm soát, theo dõi, phát hiện, chặn lọc các tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo.
Các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng giúp nhân dân nhận biết dấu hiệu các đối tượng (nhóm đối tượng) giả danh, mạo danh cán bộ quân đội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; nâng cao cảnh giác, kịp thời liên hệ với các đơn vị quân đội để xác minh khi có dấu hiệu lừa đảo.
Các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ hiểu và nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân. Chú ý những trường hợp dễ gây lộ lọt thông tin như: đăng ký các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội, mua hàng trực tuyến, đăng ký bảo hành hàng hoá, đăng ký cho con nhập học tại các trung tâm tư nhân, đi du lịch, tham gia các chương trình, hoạt động xã hội; nhất là khi bị mất giấy tờ tuỳ thân, điện thoại phải báo cáo với cơ quan chức năng sở tại biết để kịp thời giải quyết.
Thông báo rộng rãi trên nhiều kênh phương tiện về địa chỉ, số điện thoại tiếp công dân để người dân tìm kiếm thông tin, liên hệ xác thực thông tin liên quan, kịp thời phát hiện, trình báo vụ việc, phòng ngừa vi phạm.
Phối hợp với lực lượng Công an, cơ quan chức năng liên quan rà soát, nắm chắc tình hình, nhận diện âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác cho nhân dân. Khi tiếp nhận trình báo, khiếu nại, tố cáo từ phía nạn nhân cần kiểm tra các nội dung liên quan, giải thích cho nạn nhân hiểu rõ bản chất vụ việc. Hướng dẫn nạn nhân trình báo cơ quan Công an giải quyết theo quy định.
Đ.H