Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trước mắt nông dân vẫn có thể sử dụng phân bón hoá học nhưng chỉ sử dụng khi hết sức cần thiết, sử dụng với hàm lượng vừa phải. Nông dân cần chuyển dần thói quen canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học vừa bảo đảm sức khoẻ con người, bảo vệ đất đai và môi trường.
Nhân công phun thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học cho gia đình bà Đàm Thị Thanh Thuý.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 920 ha bưởi da xanh, trong đó có khoảng 700 ha đang cho thu hoạch. Trong quá trình canh tác, đa số người dân vẫn còn lạm dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao. Ðể tìm hướng đi mới trong canh tác cây bưởi da xanh, một số hộ dân đã áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ sinh học, loại bỏ hoàn toàn phân bón hoá học và thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác để làm ra những sản phẩm an toàn đưa tới người tiêu dùng.
Gia đình ông Lâm Hữu Cuộc và bà Ðàm Thị Thanh Thuý (ấp Trường An, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành) lập vườn bưởi da xanh đã được 6 năm, diện tích 1,8 ha. Vườn bưởi này mỗi năm đem lại thu nhập rất lớn cho gia đình ông Cuộc (trên 1 tỷ đồng). So với những hộ trồng bưởi khác, thu nhập từ vườn bưởi của gia đình ông Cuộc cao hơn rất nhiều. Ðể đạt được điều này, bí quyết chính là nằm ở khâu canh tác. Cụ thể, hơn một năm nay, gia đình ông Cuộc đã áp dụng phương pháp hữu cơ sinh học trong sản xuất thay thế cho việc sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu, nhờ vậy mà năng suất và chất lượng trái đều cao hơn so với trước đây.
Chia sẻ về việc áp dụng phương pháp hữu cơ trong canh tác tại vườn bưởi của gia đình, bà Ðàm Thị Thanh Thuý cho biết, phân bón được sử dụng cho vườn bưởi là phân bò, tro cây, bánh dầu với đậu nành xay ra ủ với nấm Trichoderma. Ủ khoảng 45 ngày thì đem ra bón cho cây bưởi. Còn để phòng trừ sâu bệnh cho cây thì gia đình bà tự chế thuốc trừ sâu bằng ớt, tỏi, gừng xay ra ngâm với rượu xịt cho cây trồng.
“Thuốc bảo vệ thực vật tự chế” nhưng rất hiệu quả, bưởi không hề bị sâu bệnh. Trước, mỗi tuần hộ này phun xịt một lần, giờ kéo dài ra 10 ngày. Dùng nguyên liệu tự nhiên để phòng trừ sâu bệnh vừa bảo đảm sức khoẻ cho người làm vườn, bảo vệ môi trường mà lại cho ra thị trường trái cây an toàn, còn người tiêu dùng yên tâm sử dụng bởi bưởi “sạch 100%”. Ðể chống ruồi vàng, hộ bà Thuý sử dụng long não. Từ khi sử dụng "thuốc" sinh học trong canh tác thì bưởi ra trái nhiều hơn, ngon hơn.
Là nông dân có 15 năm kinh nghiệm trồng bưởi da xanh, ông Mai Thành Long (ngụ ấp Phước Bình, xã Suối Ðá, huyện Dương Minh Châu) cho biết, trồng bưởi khó nhất là ở khâu bón phân, cần phải có phân chuồng. Thiếu phân chuồng thì chất lượng trái sẽ không đạt yêu cầu. Do đó, không cần thiết phải sử dụng phân vô cơ, hoá học.
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thành Phụng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Nông nghiệp Việt Nam, là một nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu chăm sóc cây trồng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến khích nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học. Tất nhiên, trước mắt nông dân vẫn có thể sử dụng phân bón hoá học nhưng chỉ sử dụng khi hết sức cần thiết, sử dụng với hàm lượng vừa phải. Nông dân cần chuyển dần thói quen canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học vừa bảo đảm sức khoẻ con người, bảo vệ đất đai và môi trường.
Thực hiện Ðề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cây bưởi da xanh là một trong những loại cây trồng đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến khích nông dân trồng. Với việc áp dụng phương pháp hữu cơ sinh học trong canh tác, người trồng sẽ tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, đặc biệt là hướng tới xuất khẩu ra các thị trường lớn trên thế giới.
Vũ Nguyệt