Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng công cộng
Thứ ba: 14:28 ngày 28/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động của Chính phủ và kế hoạch của Tỉnh uỷ về về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khai trương Trung tâm Giám sát - Điều hành đô thị thông minh và Cổng thông tin du lịch Tây Ninh. (Ảnh Hồng Thắm)

Mục tiêu chung của kế hoạch này là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá; phát triển kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mục tiêu cụ thể của tỉnh đến năm 2025 là: internet băng thông rộng phủ 100% các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số cho một số ngành như: y tế, giáo dục, du lịch, môi trường, giao thông, xây dựng...

Tỉnh phấn đấu xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) của tỉnh trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước hoặc điểm số trung bình ICT index đạt trên 0,5 điểm; nâng cấp nền tảng chính quyền số trên cơ sở các giải pháp đã có về chính quyền điện tử; triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh đối với thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành theo định hướng của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông về phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng mã định danh điện tử cho công dân (Citizen ID) và một số dịch vụ số trên nền Citizen ID như dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán, xác thực…

Phấn đấu đến năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn tỉnh. Tất cả người dân trên địa bàn tỉnh được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số khoảng 30% GRDP của tỉnh. Năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8%/năm. Hoàn thành cơ bản chính quyền số tỉnh Tây Ninh.

Tỉnh cũng phấn đấu xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) của địa phương duy trì trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước hoặc điểm số trung bình ICT index đạt trên 0,6 điểm; triển khai xây dựng thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành cơ bản đáp ứng yêu cầu của một đô thị thông minh; mở rộng ứng dụng mã định danh điện tử cho công dân trên hầu hết các lĩnh vực đã chuyển đổi số của tỉnh; vận hành tốt Trung tâm Giám sát Điều hành thông minh tập trung của tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2045, Tây Ninh phấn đấu cơ bản trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, có năng suất lao động cao, đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể… phải nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong và ngoài kế hoạch này.

Trong đó, nổi bật  là công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung phương thức tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động; hoàn thiện chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tỉnh;

Xây dựng chính sách ưu tiên phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện sản xuất và triển khai các sản phẩm, dịch vụ phục vụ chuyển đổi số, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của tỉnh; xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả các dự án của đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền số của tỉnh theo chương trình, đề án đã được phê duyệt; triển khai chuyển đổi từ giao thức IPv4 (địa chỉ internet thế hệ 4) sang IPv6 (địa chỉ internet thế hệ thứ 6) cho các hạ tầng và hệ thống thông tin của tỉnh, hoàn thành trong năm 2021.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, công nghệ thông tin, internet nhằm tận dụng triệt để sức mạnh an toàn của số hoá và công nghệ thông tin phục vụ tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cấp cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước hết là hạ tầng năng lượng và giao thông; khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng công cộng;

Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ, nhất là các tỉnh thuộc các nước có ký kết hợp tác với tỉnh Tây Ninh; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư có hiệu quả, chọn lọc các tập đoàn mạnh về công nghệ thông tin, viễn thông trên thế giới và trong nước;

Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp cận các thông tin về thị trường và khách hàng trong chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; tăng cường xúc tiến, kết nối các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp trong tỉnh với các tổ chức nghiên cứu, tập đoàn công nghệ nước ngoài; vận động, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài gắn với công nghệ cao - nhất là trong lĩnh vực công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

HOÀNG THI

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục