Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khuyến khích xuất khẩu chính ngạch, qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính 

Cập nhật ngày: 14/03/2022 - 00:42

BTN - Đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng kỹ thuật tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới nhằm khai thác tốt lợi thế biên giới.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Xuân Vũ

Trên địa bàn tỉnh có các cửa khẩu quốc tế, chính, phụ trải dài trên toàn tuyến biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hoá.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam); 3 cửa khẩu chính (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân); 2 cửa khẩu phụ có đủ lực lượng chuyên ngành quản lý (Vàm Trảng Trâu, Vạc Sa), 8 cửa khẩu phụ chỉ có lực lượng Biên phòng quản lý và nhiều tuyến đường mòn qua lại biên giới.

Theo Sở Công Thương, năm 2021 vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 3.871,11 triệu USD- tăng 204,26% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 673,13 triệu USD- tăng 9,29%; nhập khẩu 3.198,64 triệu USD- tăng 384,52%.

Mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu Tây Ninh chủ yếu là hàng Việt Nam sản xuất gồm: hàng bách hoá tổng hợp, xi măng, hàng gia dụng (giày da các loại, vali, túi xách), sản phẩm nhựa, quần áo, vỏ, ruột xe, giường gỗ, bột giặt, pin, dầu ăn, mỹ phẩm. Nhìn chung, hàng hoá xuất khẩu sang Campuchia qua các cửa khẩu tại Tây Ninh chưa phong phú, chủ yếu là hàng gia dụng, chất lượng trung bình. Một phần không nhỏ hàng hoá xuất khẩu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành khác; việc sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Campuchia của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu gặp một số khó khăn, hệ thống các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21.11.2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền khu vực cửa khẩu để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh con người, phương tiện, hàng hoá qua lại biên giới nên chưa khai thác hết lợi thế về biên giới của tỉnh.

Thực hiện Hiệp định tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS), ngày 2.6.2009, Tổng cục Hải quan Việt Nam với Tổng cục Hải quan và Thuế gián thu Campuchia có ký bản thoả thuận về triển khai thực hiện bước đầu kiểm tra một lần dừng tại Mộc Bài (Việt Nam) và Bavet (Campuchia). Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện mô hình kiểm tra “Một cửa, một điểm dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Bavet chưa được thực hiện.

Bên cạnh đó, nhu cầu thanh toán thương mại qua biên giới lớn nhưng chưa có ngân hàng nào triển khai tại cửa khẩu để phục vụ cho việc thanh toán của các thương nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, thúc đẩy xuất khẩu theo hình thức thương mại chính ngạch trong thời gian tới, hỗ trợ thương nhân tổ chức giới thiệu, quảng bá và phân phối hàng hoá tại chợ biên giới, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, trung tâm hội chợ, triển lãm... tỉnh Tây Ninh tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với Vương quốc Campuchia để các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường; thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, chính sách pháp luật liên quan về thương mại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, thủ tục hành chính về xuất - nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh người và phương tiện qua lại các cửa khẩu biên giới trên hệ thống website, trang thương mại điện tử, các ấn phẩm, tạp chí... để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân biết, thực hiện.

Cửa khẩu Xa Mát

Đồng thời, tăng cường công tác vận động xúc tiến đầu tư khai thác kinh tế cửa khẩu. Kêu gọi các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các dự án thương mại, hạ tầng kinh tế kỹ thuật và đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, các xã biên giới để khai thác lợi thế biên giới nhằm tạo ra nhiều ngành nghề mới, giải quyết thêm việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống cho dân cư biên giới, góp phần hạn chế khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng kỹ thuật tại cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới nhằm khai thác tốt lợi thế biên giới.

Trên cơ sở phân tích những yếu tố tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ sớm triển khai thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia và cơ chế hải quan một cửa ASEAN tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Bavet theo hiệp định về tạo thuận lợi cho hàng hoá, người và phương tiện qua lại biên giới giữa các nước trong tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS).

Đối với, cửa khẩu Kà Tum tỉnh Tây Ninh được nâng cấp từ cửa khẩu phụ lên cửa khẩu chính theo Quyết định số 1424/QĐ-TTg ngày 1.11.2002 và Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 26.8.2012 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tây Ninh chính thức công bố khai trương cửa khẩu chính vào ngày 2.10.2015. Tuy nhiên, phía Campuchia vẫn chưa công bố cửa khẩu Chăn Mun là cửa khẩu chính nên hoạt động tại cửa khẩu Chăn Mun vẫn là cửa khẩu phụ. Đề nghị Bộ Ngoại giao sớm đàm phán với phía Campuchia đẩy nhanh tiến độ công bố cặp cửa khẩu song phương (Kà Tum, Tây Ninh - Chăn Mun, Tboung Khmum) để góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của khu vực cửa khẩu Kà Tum, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bãi tập kết hàng hoá gần cửa khẩu Xa Mát.

Đối với cặp cửa khẩu phụ Phước Chỉ - Brasat, UBND tỉnh Tây Ninh đã ký ban hành Quyết định số 1616/QĐCT về việc mở các cửa khẩu phụ trên tuyến Tây Ninh, trong đó có cặp cửa khẩu phụ Phước Chỉ (Tây Ninh) - Brasat (Svay Rieng). Tuy nhiên, đến nay, Brasat của tỉnh Svay Rieng vẫn là lối mở.

Do đó, để tiếp tục phát triển hệ thống cửa khẩu phụ Phước Chỉ - Brasat (đường mòn) một cách đồng bộ, thông thương hàng hoá theo nguyện vọng nhân dân hai tỉnh và một số doanh nghiệp của tỉnh đang đầu tư trồng nông sản tại tỉnh Svay Rieng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh. UBND tỉnh đề nghị Bộ Ngoại giao có kiến nghị với phía Campuchia trong cuộc đàm phán hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới đối với lối mở Brasat của Svay Rieng, cần sớm được nâng cấp để tạo sự đồng bộ và hoạt động hiệu quả, khai thác được tiềm năng của cặp cửa khẩu phụ Phước Chỉ - Brasat.

Nhi Trần