Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kịch bản lạm phát bình quân cho cả năm 2019 trong khoảng từ 3,17 - 3,41%
Thứ hai: 18:02 ngày 22/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ dự báo 2 kịch bản lạm phát bình quân cho cả năm 2019 đều nằm trong khoảng từ 3,17 - 3,41%.

Các mặt hàng điều hành giá theo lộ trình còn dư địa xem xét vào quý IV/2019. Nguồn: Internet.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nửa đầu năm chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức thấp nhất trong 3 năm gần đây và không quá chênh lệch so với mức tăng 1,87% của lạm phát cơ bản. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguyên nhân góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp so với dự báo do giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào; giá xăng dầu trong nước giảm trở lại từ cuối tháng 5 đến nay; giá dịch vụ viễn thông tiếp tục giảm…

Mới đây, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đưa ra dự báo về 2 kịch bản lạm phát bình quân cho cả năm 2019. Theo đó, lạm phát bình quân đều nằm trong khoảng từ 3,17 - 3,41%, đây là dư địa để xem xét tiếp tục điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ công do nhà nước còn quản lý. Với kịch bản trên, cho thấy CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018, do vậy các mặt hàng điều hành giá theo lộ trình còn dư địa xem xét vào quý IV/2019.

Theo PGS.,TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, trong những tháng tới, dự báo giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng, đặc biệt là giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại. Từ ngày 01/07/2019 mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng cũng gây áp lực (cả về sức mua thực tế và tâm lý xã hội) làm tăng CPI...

“Ngoài ra, 6 tháng cuối năm 2019 cũng có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như việc xuất khẩu nông sản gặp khó khiến nông sản trong nước khó tiêu thụ; Hệ quả là giá nông sản tiếp tục giảm, sức mua của người nông dân sẽ suy yếu”, ông Minh phân tích.

Ông Minh cho biết thêm, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Trong một vài tháng tới, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với một số vật liệu xây dựng cơ bản ổn định, giá một số dịch vụ vụ y tế, bưu chính viễn thông tiếp tục giảm; diễn biến tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định.

Tuy nhiên, công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại năm 2019 được đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại, các căng thẳng về địa - chính trị thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tác động làm giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu như xăng dầu có biến động phức tạp, khó dự báo.

Bên cạnh đó, áp lực từ các nhân tố thị trường như biến động phức tạp của giá nhiên liệu (xăng dầu, gas), tác động vòng 2 của việc tăng giá điện, rủi ro về thiên tai bão lũ, chỉ số giá tiêu dùng còn chịu tác động từ việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục, tăng tiền lương cơ sở.

Những yếu tố nêu trên ngoài việc tác động trực tiếp lên mặt bằng giá còn có thể tác động đến lạm phát kỳ vọng nếu như không chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá.

Để góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI, theo Ông Minh, cả hệ thống chính trị cùng chủ động, tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát...

Đồng quan điểm, PGS.,TS. Ngô Trí Long, Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá nhận định, để giữ mức CPI bình quân năm 2019 dưới 4%, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau.

Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính, cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Đặc biệt với giá xăng dầu, yêu cầu sử dụng hợp lý quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá tăng cao, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.

Cần theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường quyền sử dụng đất tại các đô thị lớn... bảo đảm nguồn cung, để có biện pháp bình ổn thị trường khi xảy ra biến động bất thường...

Theo Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, từ nay đến cuối năm, có một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá như: biến động của giá xăng dầu thế giới, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường, việc điều chỉnh lương cơ sở, yếu tố rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi…

Mặc dù vậy, cũng có một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: dự báo giá gạo trong nước và thế giới có khả năng giảm do nhu cầu thấp, nguồn cung dồi dào; các mặt hàng vật liệu xây dựng ổn định; giá dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm; tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định…

Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019, hỗ trợ cho tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá nhất là các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng nhạy cảm đến người dân, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường. Nguồn cung cầu thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn được đảm bảo. Cùng với đó là quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Nguồn tapchitaichinh

Tin cùng chuyên mục