BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiểm soát chất lượng hàng điện lạnh 

Cập nhật ngày: 09/06/2017 - 14:40

Nếu không kiểm soát chặt chẽ, hàng kém chất lượng, hàng nhái rất dễ lọt vào các kênh phân phối chính thống để đến tay khách hàng. Lúc đó, không chỉ gây thiệt hại đối với người dân mà còn cản trở tốc độ phát triển của nền kinh tế đất nước.


Khách hàng chọn mua sản phẩm điện lạnh tại siêu thị điện máy (Hà Nội). 

Do nền nhiệt độ trong những ngày đầu tháng 6 ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, tiết trời oi bức có thời điểm lên tới 41 đến 42oC đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía bắc. Để chống chọi, nhiều người đã đổ xô đi mua sắm các thiết bị làm mát như điều hòa không khí, quạt phun sương, quạt điều hòa,...

Nhiều cửa hàng, siêu thị điện máy những ngày vừa qua liên tục “cháy hàng”. Lợi dụng hiện tượng khan hiếm, một số cửa hàng đã trà trộn những sản phẩm kém chất lượng, tăng giá vô tội vạ khiến người tiêu dùng bức xúc.

Tấp nập thị trường

Mới đầu giờ sáng, siêu thị Điện máy xanh ở khu vực quận Hà Đông (Hà Nội) đã có khá đông người vào tham quan, mua hàng. Phần lớn khách hàng đều tập trung tìm hiểu và lựa chọn mua sắm những thiết bị điện lạnh, nhất là điều hòa nhiệt độ. Một nhân viên cho biết, chỉ trong một buổi sáng hôm trước, siêu thị đã bán mấy chục chiếc điều hòa, không chỉ “cháy hàng” mà còn “cháy” cả nhân viên lắp đặt.

Tương tự, siêu thị điện máy Media mart nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa) mỗi ngày đón tiếp vài trăm lượt người đến chọn mua sản phẩm làm mát nhằm đối phó diễn biến của thời tiết bất thường.

Anh Nguyễn Khắc Ngọc, trú tại E5 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa cho biết, trong vài ngày qua, do trời nắng gắt đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Mặc dù trước đây nhà anh có lắp đặt một chiếc điều hòa 12 nghìn BTU cho căn phòng ngủ 17 m2, nhưng do trời nắng nóng cho nên cả nhà sáu người đều dồn vào đây ngủ, rất chật chội và bất tiện. Anh đành đi sắm thêm một chiếc điều hòa nữa về dùng. Thế nhưng, đi khắp các siêu thị đều “cháy” người vận chuyển, lắp đặt.

Ở siêu thị nào, các nhân viên bán hàng cũng đều yêu cầu đặt tiền trước, cung cấp địa chỉ rồi hẹn sẽ cố gắng bố trí nhân viên đến lắp đặt trong vòng từ một đến hai ngày. Chị Phạm Thu Hương, thuê nhà trọ tại đường Thanh Bình (quận Hà Đông) rầu rĩ, thời tiết khắc nghiệt quá khiến gia đình chị mấy ngày nay khốn đốn vì oi bức. Lúc đi làm còn đỡ, khi về tới nhà, căn phòng hơn chục mét vuông bốc hơi nóng hầm hập khiến mọi người ngột ngạt, khó thở.

Cực chẳng đã, gia đình chị Hương quyết định đi “tậu” chiếc điều hòa về sử dụng, giá cả tăng vọt đã đành, lại không có người lắp đặt ngay cho nên chị đang lưỡng lự.

Qua tìm hiểu được biết, trong khoảng thời gian hơn một tuần nay, do thời tiết nắng nóng bất thường khiến nhu cầu của người dân đối với mặt hàng điện lạnh tăng cao. Cũng do sự đột biến này khiến các cửa hàng, siêu thị điện máy tăng giá bán nhằm “chặt chém” khách hàng. Đề cập tới vấn đề này, đại diện siêu thị Điện máy xanh Hà Đông khẳng định, một số thương hiệu sản xuất điều hòa nhiệt độ đã tăng giá bán từ 100 đến 200 nghìn đồng/sản phẩm.

Do thiếu hụt nhân viên, cửa hàng khuyến khích và giảm giá bán từ 300 đến 500 nghìn đồng (tùy loại) cho các khách hàng mang sản phẩm về nhà tự lắp đặt. Đối với những khách hàng không có người lắp đặt, cửa hàng sẽ miễn phí công lắp đặt, khách hàng chỉ phải trả tiền các loại vật tư kèm theo.

Đánh giá về mức tiêu thụ trên thị trường, vị đại diện này cũng cho biết, dịp nắng nóng vừa qua khiến lượng khách đến mua hàng tăng cao. Nếu trước kia, một ngày cửa hàng bán hơn 200 sản phẩm thì nay bán hơn 1.000 sản phẩm.

Trong đó, bán chạy nhất là những mặt hàng như quạt điều hòa có mức giá dao động từ bốn triệu đến hơn sáu triệu đồng; quạt làm mát, phun sương từ hai triệu đến hơn ba triệu đồng,...

Theo đại diện siêu thị điện máy Media mart Hà Đông cho biết, cửa hàng vẫn giữ nguyên giá bán từ trước đến nay. Thậm chí, còn có chương trình khuyến khích, ưu đãi cho khách hàng như miễn phí công vận chuyển, lắp đặt. Nếu khách tự vận chuyển, lắp đặt, cửa hàng giảm giá bán kèm theo nhiều phần quà tặng hấp dẫn.

Trước kia, mỗi ngày chỉ có 15 - 20 lượt khách mua sản phẩm thì mấy ngày qua tăng gấp hàng chục lần. Chính vì lượng khách hàng gia tăng như vậy khiến các nhân viên phục vụ chạy đôn đáo mà không đáp ứng được nhu cầu.

Cần nâng cao uy tín, thương hiệu

Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường bán lẻ hàng hóa khiến cuộc đua về giá diễn ra hết sức quyết liệt. Để triệt tiêu đối thủ, nhiều doanh nghiệp (DN), cửa hàng, siêu thị sẵn sàng hạ giá nhằm mục đích thu hút khách hàng. Trong đó, không ít trường hợp cố tình trà trộn, đưa các sản phẩm kém chất lượng vào hệ thống và phân phối tới người tiêu dùng.

Chị Đặng Kiều Thanh, trú tại phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) bức xúc: Do khai trương cửa hàng đúng dịp nắng gắt cho nên tôi quyết định bỏ điều hòa cũ và thay một chiếc điều hòa mới.

Qua tìm hiểu thông tin và mức tiêu thụ điện năng, tôi quyết định mua chiếc điều hòa nhiệt độ của Samsung loại 12 nghìn BTU, với mức giá gần bảy triệu đồng tại một siêu thị điện máy có uy tín trên đường Nguyễn Trãi (Hà Đông) về dùng.

Khi mới lắp đặt, sản phẩm hoạt động khá tốt, tuy nhiên, không rõ nguyên nhân gì mà mấy hôm sau độ mát suy giảm rõ rệt, sau đó ngừng hẳn. Trước sự cố này, tôi có liên hệ đến nhà cung cấp sản phẩm để họ tìm cách khắc phục hoặc đổi trả sản phẩm mới. Đại diện bảo hành hứa hẹn cho người đến xem xét ngay, nhưng càng mong càng mất. Vài ngày liên tục giục giã, đội ngũ nhân viên mới đến tháo máy, kiểm tra kỹ thuật. Cuối cùng họ cho biết lý do máy điều hòa khi lắp đặt bị hở khí ga cho nên không làm mát được.

Tương tự, anh Đoàn Mạnh Cường, trú tại xã Quỳnh Đô (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, khi nghe người bán hàng quảng cáo các ưu việt về sản phẩm như có khả năng làm mát nhanh, tạo i-on; đuổi muỗi, diệt khuẩn, độ bền cao,… anh đã bỏ ra 2,5 triệu đồng mua chiếc quạt phun sương nhãn hiệu Panasonic về nhà. Chỉ hơn một tuần, hệ thống phun sương bị hỏng, mang đến bảo hành, họ trả lời ráo hoảnh: “Lỗi do người sử dụng, các nhân viên đã rất cố gắng nhưng không thể sửa được, rất mong khách hàng thông cảm”. Anh Cường bức xúc: Tôi không thể chấp nhận kiểu làm ăn chụp giật như vậy, chiếc quạt mấy triệu bạc, giờ chẳng khác gì loại quạt thông thường giá vài trăm nghìn đồng.

Theo anh Trần Hữu Tuấn, chủ một DN chuyên cung cấp điều hòa khu vực miền bắc cho biết, để cạnh tranh, một số DN cố tình nhập nhèm, đưa sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc về dán nhãn mác của các thương hiệu có uy tín rồi đem ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính. Nếu các cơ quan chức năng không tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm thì quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng tiếp tục bị xâm phạm và các DN làm ăn chân chính sẽ ngày càng khó cạnh tranh hơn.

Chung quan điểm, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương) Vũ Vinh Phú khẳng định, với những DN, thương hiệu lớn, họ luôn bảo vệ uy tín của mình bằng cách đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu, song không ít cửa hàng, DN nhỏ lẻ làm ăn theo kiểu chụp giật, cố tình gian dối, ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý, nhất là quản lý thị trường. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, hàng kém chất lượng, hàng nhái rất dễ lọt vào các kênh phân phối chính thống để đến tay khách hàng. Lúc đó, không chỉ gây thiệt hại đối với người dân mà còn cản trở tốc độ phát triển của nền kinh tế đất nước.

Nguồn Báo Nhân dân


Liên kết hữu ích