Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiểm soát nguồn xả thải, quản lý chất lượng nước hồ Dầu Tiếng 

Cập nhật ngày: 20/12/2021 - 00:40

BTN - Nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng nước hồ Dầu Tiếng vào 6 tháng mùa khô, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) còn thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt hồ Dầu Tiếng tại 3 vị trí cửa xả ra kênh Tân Hưng, cửa xả ra kênh Tây và cửa xả ra kênh Đông, thời gian lấy mẫu 3 ngày/lần.

Hệ thống xử lý nước thải của một doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Hồ Dầu Tiếng là công trình thuỷ nông nhân tạo lớn nhất nước, nằm ở đầu nguồn sông Sài Gòn đoạn giáp ranh ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Diện tích mặt hồ rộng 27.000 ha (trong đó, tỉnh Tây Ninh là 20.107 ha; Bình Dương 5.927 ha; Bình Phước 965 ha), ứng với mực nước dâng bình thường là 24,4m, dung tích chứa 1,58 tỷ mét khối.

Chất lượng nước hồ dầu tiếng được cải thiện

Tính đến cuối tháng 10.2021, có 42 nguồn nước thải từ 50m3/ngày.đêm trở lên xả thải vào lưu vực hồ Dầu Tiếng với tổng lưu lượng từ 55.000 đến 60.000m3/ngày.đêm. Trong đó, tỉnh Tây Ninh có 38 nguồn thải (25 nhà máy chế biến khoai mì, 9 nhà máy chế biến cao su, 2 trung tâm y tế, 2 cơ sở sản xuất kinh doanh khác với tổng lưu lượng nước thải từ 55.000 - 57.000 m3/ngày.đêm); tỉnh Bình Phước có 5 nguồn thải (3 trang trại nuôi heo, 1 nhà máy chế biến khoai mì, 1 nhà máy chế biến cao su, tổng lưu lượng nước thải từ 2.000 - 3.000 m3/ngày.đêm).

Nhằm bảo vệ nguồn nước, tất cả các nguồn thải xả vào lưu vực hồ Dầu Tiếng trên địa phận tỉnh Tây Ninh bắt buộc phải xử lý đạt cột A quy chuẩn quy định (tuỳ ngành nghề có quy chuẩn khác nhau). Tính đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh không cấp phép cho chủ nguồn thải nào xả thải trực tiếp vào hồ Dầu Tiếng.

Khu vực hồ Dầu Tiếng đã được UBND 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản cát cho 16 doanh nghiệp. Trong đó, Tây Ninh cấp 16 giấy phép (cho 14 doanh nghiệp), Bình Dương 1 và Bình Phước 1. Song song đó, có 40 bến thuỷ nội địa được cấp phép với mục đích xếp dỡ hàng, tập kết cát, trong đó, Tây Ninh có 19 bến, Bình Dương 19, Bình Phước 2.

Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà là đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng (chủ hồ). Kết quả quan trắc tình hình chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng quý III.2021 cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt giới hạn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tổng kết, đánh giá kết quả triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn 2006-2020, sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2008-2020, hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2008-2020 và đề xuất định hướng quản lý môi trường lưu vực sông trong giai đoạn tiếp theo, trong đó, đánh giá khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn (cầu Tha La đến cầu Mới) chưa bị tác động nhiều từ các hoạt động kinh tế - xã hội, chất lượng nước sông còn khá tốt.

Để giám sát chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2977 ngày 7.12.2018 về việc phê duyệt Đề án mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh giai đoạn 2018-2020 (hiện nay đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025). Trong đó, có quan trắc hiện trạng chất lượng nước mặt hồ Dầu Tiếng tại 6 vị trí: bến Cửu Long, cầu Tha La (lắp đặt trạm quan trắc tự động), cửa xả kênh Tân Hưng, kênh Đông, kênh Tây và đập chính, với tần suất lấy mẫu mỗi tháng 1 lần.

Ngoài ra, nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng nước hồ Dầu Tiếng vào 6 tháng mùa khô, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) còn thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt hồ Dầu Tiếng tại 3 vị trí cửa xả ra kênh Tân Hưng, cửa xả ra kênh Tây và cửa xả ra kênh Đông, thời gian lấy mẫu 3 ngày/lần.

Kết quả, hầu hết các thông số phân tích như pH, DO, COD, BOD5, TSS, độ dẫn và độ đục, so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT trong giới hạn cho phép, không có thông số nào vượt ngưỡng quy định, chất lượng nước mặt có chiều hướng tốt hơn so với cùng thời gian các năm trước.

Trung bình chỉ số WQI (chỉ số chất lượng nước) tại các vị trí quan trắc nền - hồ Dầu Tiếng dao động trong khoảng 58-88, chất lượng dao động từ trung bình đến tốt trong giai đoạn 2016-2020, trong đó, cao nhất vào năm 2020 và thấp nhất vào năm 2017.

Trong giai đoạn 2016-2017, chất lượng nước tại các vị trí này suy giảm đáng kể, nước chỉ có thể sử dụng vào mục đích tưới tiêu hoặc các mục đích tương đương khác. Tuy nhiên, giai đoạn 2018-2020, chất lượng nước đã có những chuyển biến rất tích cực. Điển hình là vào năm 2020, nước đã có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Tăng cường quản lý, giám sát chất lượng nước hồ Dầu Tiếng

Những năm qua, Tây Ninh tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề ra nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ, từ công tác quy hoạch, cấp phép đến thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, xả thải; quan trắc giám sát chất lượng nước và xử lý vi phạm trong khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc phạm vi địa phương quản lý.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng đã bắt trên 18 vụ, 51 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát trong phạm vi hồ Dầu Tiếng. Tổng số tiền phạt 696.623.500 đồng, tịch thu tang vật, phương tiện bán đấu giá nộp vào ngân sách tổng cộng 890.000.000 đồng (không kể vi phạm bị xử lý qua thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch).

Bên cạnh đó, Sở TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương, Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các doanh nghiệp có nguồn thải ra thượng nguồn hồ Dầu Tiếng (năm 2021 kiểm tra trên 30 doanh nghiệp, đề nghị UBND tỉnh xử lý 4 doanh nghiệp vi phạm).

Theo Sở TN&MT, trong thời gian tới, để kiểm soát nguồn xả thải, quản lý chất lượng nước hồ Dầu Tiếng, ngành TN&MT sẽ tiếp tục kiểm soát nguồn thải vào môi trường nước mặt; bảo vệ môi trường sông, hồ gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường thuỷ sinh, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước- nhất là kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác cát trên địa bàn, xử lý nghiêm các sai phạm.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất có nguồn thải vào thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, yêu cầu các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 500 m3/ngày đêm lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định trước ngày 31.12.2021, truyền dữ liệu về Sở TN&MT quản lý, từng bước tích hợp dữ liệu vào Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế - xã hội tập trung của tỉnh.

Đối với các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác cát trong phạm vi hồ Dầu Tiếng, phải được gắn logo đồng bộ mang đầy đủ thông tin doanh nghiệp, số của ghe đã được đăng ký, toạ độ khai thác, trên ghe phải có đủ các giấy tờ cho phép hoạt động trong mỏ, được đóng thành tập và có dấu xác nhận của Sở TN&MT về thành phần hồ sơ để thuận tiện cho các cơ quan chức năng khi kiểm soát trên hồ; lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định; lập kế hoạch khai thác không hoạt động vào ban đêm.

Thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản.

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp các tỉnh lân cận thực hiện việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa các tỉnh để bảo đảm tính chủ động, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong công tác thanh tra, kiểm tra trong phạm vi vùng giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng, Bình Phước theo quy chế phối hợp.

Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu tăng cường công tác kiểm tra đối với các nguồn thải nhỏ, có tính chất phân tán, trọng tâm là kiểm soát nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và các nguồn thải phân tán khác; phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sinh sống ven hồ Dầu Tiếng thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật về thuỷ lợi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp và hướng dẫn người dân canh tác, sản xuất nông nghiệp trên đất bán ngập ít gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng nguồn nước, an toàn công trình hồ Dầu Tiếng.

Vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống, làm việc, sản xuất, chăn nuôi trên các lưu vực sông thường xuyên giám sát, phát hiện các nguồn xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước, thông báo đường dây nóng các cấp, các ngành để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vi phạm về bảo vệ môi trường và có cơ chế khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong bảo vệ môi trường.

Trúc Ly