Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kiểm soát thực phẩm: Mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên
Thứ bảy: 06:34 ngày 06/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tập trung công tác nắm tình hình, phân loại tuyến, địa bàn đấu tranh cụ thể, các nhóm mặt hàng liên quan đến ATVSTP từ khâu sản xuất cho đến quá trình vận chuyển, kinh doanh.

Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương và các cấp, ngành, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp, ý thức người dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP do Sở Công Thương chủ trì kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê Sơn Tùng (Công ty TNHH MTV Café Sơn Tùng) tại khu phố Tịnh Phong, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng.

Thực phẩm trước, trong và sau Tết: Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn

Trên địa bàn tỉnh có hơn 13.774 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; trong đó, có hơn 7.000 cơ sở thuộc ngành Công Thương quản lý. Để bảo đảm sức khoẻ cho người dân, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, hằng năm, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh đã ban hành các kế hoạch kiểm tra về điều kiện, chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong dịp tết nguyên đán và lễ hội.

Theo ông Huỳnh Đăng Khoa- Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng đoàn kiểm tra số 3, từ tháng 1 đến tháng 3.2024, Sở đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện kiểm tra ATTP tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng.

Qua kiểm tra 19 cơ sở, đoàn ghi nhận các cơ sở vẫn còn vi phạm VSATTP, như: trong và ngoài khu vực chế biến không bảo đảm vệ sinh; trang phục bảo hộ lao động không đầy đủ, thiếu giá, kệ kê, chứa đựng thực phẩm, khu vực bảo quản; vi phạm nhãn mác hàng hoá...

Trong đó, có 1 cơ sở vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Nông nghiệp nên đoàn chuyển toàn bộ hồ sơ vi phạm của cơ sở đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Đối với các cơ sở còn lại, đoàn đã nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị khắc phục để làm tốt hơn, kết hợp công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.

“Trong dịp tết Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024, đoàn tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh tráng, chao, muối ớt, thực phẩm tổng hợp, thực phẩm đông lạnh, nước đá… và chưa phát hiện trường hợp vi phạm hành chính phải xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, có vài hộ kinh doanh mới thành lập, đang trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý nên chưa hiểu biết nhiều những quy định về an toàn thực phẩm. Đoàn đã nhắc nhở, lưu ý những lỗi sai và hướng dẫn khắc phục. Hiện một số cơ sở kinh doanh đã nhận thức tích cực hơn về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm”- ông Khoa cho biết.

Ông Văn Thế Thiện- Chánh Thanh tra Sở Công Thương kiểm tra mặt hàng bánh tráng tại hộ kinh doanh Thanh Thuý (một cơ sở ở khu phố Lộc Trát, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng).

Chú trọng nguồn gốc xuất xứ

Năm 2023, Sở Công Thương chủ trì tổ chức 3 đợt kiểm tra 39 cơ sở kinh doanh, sản xuất; đã xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở, với tổng số tiền phạt 58 triệu đồng. Trong đó, Sở chuyển hồ sơ của 1 cơ sở vi phạm đến Sở Y tế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định, với số tiền 35 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hết hiệu lực; điều kiện về con người, vệ sinh cơ sở và trang thiết bị dụng cụ; truy xuất nguồn gốc thực phẩm...

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh, thời gian qua, Ban Chỉ đạo tổ chức 107 đoàn kiểm tra tuyến tỉnh (4 đoàn), 9 đoàn tuyến huyện và 94 đoàn tuyến xã, đã kiểm tra 928 cơ sở về việc chấp hành các quy định về ATTP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 893 cơ sở đạt, 35 cơ sở vi phạm, 9 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 63 triệu đồng.

Bác sĩ Vũ Gia Phương- Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của 3 ngành Y tế, Nông nghiệp, Công Thương và các đơn vị liên quan, trong quá trình triển khai công tác kiểm tra ATVSTP trước, trong và sau Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra đều chấp hành tốt quy định về hồ sơ pháp lý, điều kiện sản xuất, kinh doanh, có ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATVSTP.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 40 mẫu thực phẩm để xét nghiệm tại labo nhằm phục vụ công tác kiểm tra đánh giá chất lượng của các sản phẩm, thực phẩm đang lưu hành trên thị trường. Theo đánh giá, tỷ lệ cơ sở vi phạm (3,8%) giảm so với cùng kỳ năm 2023 (18,1%), không có trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Theo ông Huỳnh Đăng Khoa- Phó Giám đốc Sở Công Thương, để công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng ATVSTP đạt hiệu quả cao, ngoài sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nâng cao trách nhiệm, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng.

“Mỗi người tiêu dùng hãy là một giám sát viên, đấu tranh với các hành vi vi phạm ATTP. Người dân không nên sử dụng thực phẩm, đồ uống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ bản thân, gia đình”- ông Khoa nhấn mạnh.

Mặt khác, người dân chủ động trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATVSTP tại các cơ sở chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm trên địa bàn, phần nào cải thiện tình trạng bảo đảm ATVSTP của các cơ sở kinh doanh. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hoá, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm; thận trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để bảo đảm vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương khuyến nghị, để từng bước ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn và tiến tới loại trừ ra khỏi xã hội, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tham mưu, đề xuất bổ sung, sửa đổi những bất cập, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý, bảo đảm ATTP; thường xuyên đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phải thiết thực, hiệu quả để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chung tay bảo đảm ATVSTP.

Tập trung công tác nắm tình hình, phân loại tuyến, địa bàn đấu tranh cụ thể, các nhóm mặt hàng liên quan đến ATVSTP từ khâu sản xuất cho đến quá trình vận chuyển, kinh doanh. Qua đó, phát hiện những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực ATVSTP để chủ động tham mưu biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hiệu quả.

“Để công tác quản lý ATTP đạt hiệu quả cao hơn, cần thiết thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc UBND tỉnh”- ông Khoa cho biết thêm, việc này sẽ giúp phản ứng nhanh hơn trước những diễn biến liên tục về tình hình ATVSTP trong xã hội; nhận diện, phân tích và quản lý mối nguy về ATVSTP một cách có hệ thống và toàn diện. 

Bên cạnh đó, việc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ tập trung nguồn lực giải quyết triệt để, chủ động hơn về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện, việc thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đều nhanh chóng, thông suốt và đủ sức răn đe. 

Ông Khoa kiến nghị, Chính phủ sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất, chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATVSTP từ trung ương tới địa phương; các bộ, ngành cần đồng bộ các văn bản quản lý nhà nước về ATVSTP để hạn chế chồng chéo trong quản lý, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực thi pháp luật; hoàn thiện hành lang pháp lý để có biện pháp quản lý hiệu quả tình hình an toàn thực phẩm.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục