Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
9X khởi nghiệp:
Kiên định, sáng tạo và không ngừng học hỏi
Thứ sáu: 22:24 ngày 11/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, Trương Nguyễn Diễm Phương (sinh năm 1992) không ở lại Sài Gòn hoa lệ mà trở về quê hương lập nghiệp. Gần 7 năm khởi nghiệp, giờ đây, chuỗi cửa hàng cà phê – trà sữa YAMA của cô đã gặt hái được những thành công đáng kể, từng bước khẳng định thương hiệu trong lòng giới trẻ Tây Ninh.

Thành công của Diễm Phương (trái) và Hương Kỳ (phải) khiến nhiều người nể phục.

Diễm Phương chia sẻ: “Cũng như nhiều bạn trẻ khi mới ra trường, tôi lo lắng không biết nên làm gì với tấm bằng đại học. Trong đầu lúc đó lại muốn mở một quán cà phê để theo đuổi ước mơ kinh doanh. Thật tình cờ, trong một chuyến đi chơi với lớp, tôi và Kỳ có cơ hội nói chuyện với nhau nhiều hơn, biết được Kỳ cũng chung sở thích với mình nên tôi rủ bạn cùng thực hiện ý tưởng.

Trong lúc chờ cấp bằng tốt nghiệp, tôi đi làm nhân viên cho một quán cà phê ở ngoại thành để học hỏi kinh nghiệm, còn Kỳ là người đã đưa rước tôi trong suốt 2 tháng đó. Tôi với Kỳ giống như hai mặt của một đồng xu vậy, tuy tính cách thì trái ngược hoàn toàn nhưng lại có cùng chí hướng và bổ sung, bù trừ cho nhau, vì vậy chúng tôi mới có thể đi cùng nhau đến bây giờ”.

Người bạn mà Phương nhắc đến chính là Phương Hương Kỳ - đồng sáng lập chuỗi quán cà phê YAMA. “Thú thật, trước khi gặp Phương tôi chưa từng biết đến mảnh đất Tây Ninh vì từ nhỏ tới lớn chỉ ở TP. Hồ Chí Minh. Gia đình tôi lại có công việc kinh doanh riêng nên cũng không muốn con cái đi xa. Thấy tôi và Phương quá đam mê nên cuối cùng ba mẹ đã đồng ý cho chúng tôi mở quán”- Kỳ bộc bạch.

Tiết lộ về lý do chọn Tây Ninh làm nơi khởi nghiệp, đôi bạn này cho biết: “Ở thời điểm đó, hầu như Tây Ninh chưa có mô hình quán cà phê hiện đại và thể loại cà phê pha máy. Trong khi  ở Sài Gòn đã gần như bão hoà. Mặc dù nhận thấy nhu cầu và cơ hội phát triển là rất lớn nhưng chúng tôi đã phải thuyết phục gia đình rất nhiều để có thể vay mượn một ít vốn.

Nếu nói người lớn phản đối thì cũng không phải, chỉ là không ai tin chúng tôi có thể thành công. Nhiều người nói với chúng tôi rằng lấy bằng đại học làm gì để rồi về mở quán, nếu muốn mở quán thì thà ngay từ đầu khỏi phải đi học cho đỡ phí. Nhưng dù sao việc học cũng giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong dự án này”.

Đó là thời điểm cuối năm 2014, khi phong trào khởi nghiệp vẫn chưa được hưởng ứng rộng rãi như ngày nay. Nhưng với quyết tâm và khát khao của những người trẻ, Phương và Kỳ dựng lên một quán cà phê nhỏ mang tên YAMA. Về ý nghĩa tên quán, hai bạn giải thích YAMA là viết tắt của cụm từ You Are My Angel, dịch ra có nghĩa “Bạn là thiên thần của tôi”. Vì vậy, phương châm hoạt động của quán luôn đặt khách hàng lên hàng đầu, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng để ngày càng hoàn thiện hơn.

Ban đầu, quán cà phê YAMA chỉ có vài chiếc bàn nhỏ trên mảnh sân thượng rộng vỏn vẹn 25m2, phía dưới là tiệm uốn tóc Diễm Thuý của mẹ Phương. Dù không gian chật hẹp nhưng quán đã thu hút khá nhiều khách. Chỉ sau hai năm đi vào hoạt động, YAMA đã mở thêm chi nhánh.

Thực đơn của quán khi ấy chủ yếu chỉ có cà phê pha máy và các loại thức uống đá xay nhưng lại được nhiều bạn trẻ yêu thích và truyền miệng giới thiệu cho nhau. Ít ai biết rằng, để có được những ly nước vừa lòng khách hàng, đích thân Phương và Kỳ đã tự tìm hiểu mọi thứ từ máy móc, nguyên liệu đến công thức pha chế mà không có một trường lớp nào hướng dẫn cả.

Kỳ nói: “Về máy móc, chúng tôi tự tìm địa chỉ cửa hàng trên internet, nhưng lúc đó không có nhiều nguồn cung cấp như bây giờ. Lạc đường mấy tiếng đồng hồ trong các ngóc ngách Sài Gòn, chúng tôi thậm chí còn sợ bị bắt cóc.

Còn về nguồn cà phê, chúng tôi phải lặn lội lên tận Cầu Đất (Đà Lạt) để tìm nguồn cà phê uy tín và chất lượng nhất. Những ai sành về cà phê chắc chắn sẽ nhận ra mùi vị đặc trưng của cà phê Cầu Đất. Riêng về công thức chế biến, chúng tôi chỉ nghiên cứu trên mạng và tự sáng tạo thêm”.

Để có được nhiều món "độc lạ" trong thực đơn của quán, Phương và Kỳ không ngừng học hỏi, cập nhật những xu hướng mới, vì vậy khách hàng đến đây luôn có đa dạng sự lựa chọn. “Tuỳ theo thời điểm và ngẫu hứng mà YAMA sẽ cập nhật thêm món mới.

Mỗi món đều gắn liền với những kỷ niệm riêng nên tụi mình không nỡ bỏ đi món nào cả, dù càng nhiều món thì việc sử dụng và bảo quản nguyên liệu càng thêm phần vất vả. Bên cạnh nước uống, YAMA còn phục vụ những món bánh được nướng tại chỗ. Và để có một mẻ bột ưng ý đầu tiên, chúng tôi đã thử nghiệm và làm hỏng mấy trăm quả trứng rồi”- Diễm Phương tiếp lời.

Nhắc đến YAMA, chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến món Bingsu độc đáo mà ít quán nào có. Phương cho hay: “Vì thời tiết Tây Ninh nắng nóng quanh năm nên chúng tôi muốn mang đến những món giải nhiệt cho khách hàng. Thật vui vì nó được nhiều người yêu thích. Có một đôi bạn trẻ hay đến quán chúng tôi ăn Bingsu và sau này họ còn đặt tên cho con là Bingsu luôn”.

Nhớ lại những khó khăn thuở mới bước chân vào con đường kinh doanh, cô gái quê Tây Ninh kể: “Tất cả mọi thứ chúng tôi đều phải tự làm hết. Từ việc thiết kế chiếc logo đầu tiên, trông coi thợ xây dựng cửa hàng, lắp đặt thiết bị, nội thất đến dắt xe cho khách…

Có những lúc không thuê được nhân viên, Kỳ thì đang lo công việc ở nhà, một mình tôi phải xoay xở mọi việc như đón khách, chạy bàn, pha chế, giữ xe... Những ngày lễ tết, YAMA vẫn bán suốt nên nhiều khi khách đông, chúng tôi làm không kịp ăn.

Tới giờ tôi vẫn còn nhớ hình ảnh mẹ mình phải bón từng muỗng cơm để tôi và các bạn nhân viên có sức làm tiếp. Rồi cũng có những hôm tôi mệt quá, đứng khóc ngay tại quầy. Có giai đoạn thì chúng tôi ế đến nỗi muốn dẹp tiệm, hoặc bị lung lay bởi các yếu tố khách quan, nhưng lại tự động viên nhau rồi tiếp tục đứng dậy chinh phục những mục tiêu kế tiếp”.

Hiện tại, chuỗi cà phê YAMA có ba chi nhánh ở Tây Ninh, với tổng cộng gần ba mươi nhân viên. Vì thấu hiểu công việc này nên Phương và Kỳ rất thông cảm, yêu thương nhân viên của mình. “Vốn dĩ là những người thích đi chơi và khám phá, mỗi năm chúng tôi tổ chức cho nhân viên đi du lịch trong nước một lần.

Trước khi có dịch Covid-19, chúng tôi còn thưởng thêm một chuyến đi du lịch nước ngoài đối với các bạn quản lý. Chính vì vậy, có người đã gắn bó với chúng tôi suốt sáu năm nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các bạn nhân viên được học thêm những kỹ năng cần thiết cho công việc.

Với những bạn đã học xong cấp ba, chúng tôi khuyến khích các bạn nên tiếp tục việc học hành. Trải qua những kinh nghiệm tuổi trẻ, chúng tôi hiểu rằng khi các bạn đến một thành phố lớn để học tập sẽ được mở mang rất nhiều, không chỉ là kiến thức mà còn là thế giới quan và cách sống, để từ đó phát triển bản thân và nghề nghiệp”- Phương và Kỳ nhấn mạnh.

Từng ấy thời gian duy trì và phát triển ở Tây Ninh, YAMA là một địa điểm quen thuộc của các bạn học sinh, sinh viên khi muốn tìm một nơi để tự học. Theo lời của hai cô chủ: “Lúc mới mở quán, chúng tôi không quá chú trọng về mảng quảng cáo, mọi thứ có được như ngày hôm nay đều là nhờ sự ủng hộ của những khách quen.

Tuỳ theo từng giai đoạn mà kế hoạch phát triển có thể thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh nhưng chất lượng, sự phong phú và cách phục vụ khách hàng luôn là điểm mấu chốt trong các chiến lược của chúng tôi. Ví như trong tình hình dịch bệnh bùng phát, YAMA đẩy mạnh phương thức mang đi và giao hàng tại nhà.

Điều đáng mừng là hiện tại, các chi nhánh của YAMA đều bán được hàng trăm ly nước mỗi ngày. Mong rằng trong tương lai, chúng tôi sẽ mở thêm nhiều chi nhánh hơn và có thể mở rộng quy mô ra các tỉnh thành khác nữa.

Tất nhiên chúng tôi cũng muốn nhiều người biết tới các món ngon của YAMA nhưng mọi thứ đều cần phải có thời gian và cân nhắc kỹ lưỡng. Cũng có một số người muốn xin nhượng quyền thương hiệu YAMA, nhưng vì sợ không còn giữ được bản sắc văn hoá của YAMA nên chúng tôi đã từ chối”.

Bên cạnh việc đầu tư chuỗi cửa hàng cà phê YAMA, hơn một năm nay, Phương và Kỳ còn lấn sang thời trang với dự án “The Trendy Town”. Đây là một khu phức hợp mua sắm nhỏ, với một số thương hiệu thời trang trong nước có mẫu mã và giá cả phù hợp giới trẻ.

Tuy nhiên, đó lại là một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ với hai cô gái trẻ nên họ không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Với ý chí vững vàng và bản lĩnh được tôi luyện qua nhiều năm, đôi bạn thân ấy vẫn không ngại đối đầu với những thử thách mới.

Đối với Diễm Phương, cô luôn có suy nghĩ rằng: “Lợi nhuận không phải là vấn đề quá quan trọng. Nếu chỉ quan tâm về vật chất, doanh thu thì sẽ không có được những ý tưởng tốt nhất. Quan trọng là trong quá trình thực hiện nó có mang lại hạnh phúc cho mình hay không. Riêng với bản thân tôi thì càng làm tôi càng nhìn thấy rõ chính mình, biết được mình muốn gì và cần gì”.

Như một lời nhắn nhủ cho các bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp, Diễm Phương nói thêm: “Không nên quá đặt nặng về thành tựu, cứ cố gắng làm tốt rồi sẽ được đón nhận. Khi mới bắt đầu, mọi thứ luôn có rất nhiều khó khăn nhưng phải trải qua những gian nan, vất vả ta mới có thể phát triển.

Muốn tiến lên phía trước bắt buộc phải có lòng kiên định và vượt qua những rào cản tâm lý xã hội. Nếu có người còn nghi ngờ, không cần tốn nhiều công sức phân trần, hãy để thời gian chứng minh năng lực của bạn”.

ANH THƯ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục