Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tinh giản biên chế:
Kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 108, 113
Thứ sáu: 06:25 ngày 12/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị điều chỉnh đối tượng được xét tinh giản biên chế, có nguyện vọng được nghỉ, đối với nam đủ 55 tuổi và nữ là 50 tuổi nếu đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội hội theo quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức xã trong giờ làm việc.

Như tin đã đưa, ngày 9.4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh về một số vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội. Ngoài những nội dung đã thông tin trên báo chí địa phương và trung ương, trong lĩnh vực này còn nhiều vấn đề cần sớm được tháo gỡ bởi những bất cập.

Một trong những vấn đề có tính thời sự là tinh giản biên chế. Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng, UBND tỉnh Tây Ninh chính thức kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số nội dung trong Nghị định 108 năm 2014 và Nghị định 113 năm 2018 (nghị định này sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 108 liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế). Điều 5 Nghị định 113 quy định về quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giản. Những trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế gồm có:

Thứ nhất, người chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hoá về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Thứ hai, có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Thứ ba, có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Thứ tư, có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Thứ 5, có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật; hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Trong 5 nội dung trên, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ bãi bỏ hoặc điều chỉnh hai nội dung. Một, người có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp. Hai, có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

UBND tỉnh đề nghị Chính phủ sớm bãi bỏ hoặc bổ sung, điều chỉnh “để không gây tâm lý hoang mang hoặc thiệt thòi cho cán bộ, công chức, viên chức, những người có đủ điều kiện và nguyện vọng chính đáng với công sức, tâm huyết phấn đấu trong suốt quá trình công tác nhưng khi muốn nghỉ phải được phân loại đánh giá xếp vào mức hạn chế về năng lực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo Nghị định 108 và 113 thì nam giới từ 55-58 tuổi, nữ từ 50-53 tuổi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. UBND tỉnh kiến nghị điều chỉnh đối tượng được xét tinh giản biên chế, có nguyện vọng được nghỉ, đối với nam đủ 55 tuổi và nữ là 50 tuổi nếu đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội hội theo quy định.

Quy định độ tuổi thì còn có thể xem xét, nghiên cứu nhưng riêng quy định điều kiện để tinh giản biên chế (như vừa trích dẫn) trong Nghị định 108 và 113 là khá hài hước, không khác gì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Trong hai năm 2017-2018, báo Tây Ninh từng đăng một số bài viết chỉ ra sự bất cập nêu trên.

Một mặt, Nhà nước khuyến khích về hưu sớm nhưng mặt khác, để được nghỉ hưu lại phải “có điều kiện”. Có ai cả đời lao động, cống hiến khi chủ động về hưu sớm để góp phần tinh gọn bộ máy, đội ngũ cơ quan lại muốn trong hồ sơ của mình bị phê “không hoàn thành nhiệm vụ” bao giờ? Tinh giản biên chế, thu gọn, sắp xếp lại bộ máy đã và đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhưng, giữa các nghị quyết, nghị định và cả các bộ luật, luật lại có dấu hiệu mâu thuẫn, thiếu thống nhất.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục