Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TỈNH:
Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong công tác thi hành án
Thứ tư: 21:42 ngày 31/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh vừa có văn bản gửi Ðoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh báo cáo về tình hình “vướng” trong các văn bản quy định pháp luật để thực hiện công tác thi hành án. Ông Thành Văn Trạc- Cục phó Cục THADS tỉnh nhận định, còn nhiều điểm bất cập cần được sửa đổi để công tác thi hành án được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Trước đây, theo Ðiều 51 Luật THADS 2008 nếu rơi vào một trong 4 trường hợp sau thì thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án: một là, không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án; hai là, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình; ba là, tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án, và bốn là, người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được mà đương sự không có thoả thuận khác.

Từ những quy định này đã dẫn đến thực tế là việc trả đơn yêu cầu thi hành án có thể bị áp dụng tuỳ tiện, làm cho quyền lợi của người được thi hành án có thể bị xâm hại. Do đó, Luật THADS sửa đổi đã bãi bỏ điều này. Thay vào đó, một số căn cứ của Ðiều 51 Luật THADS 2008 được chuyển thành việc chưa có điều kiện theo Ðiều 44a Luật THADS sửa đổi. Theo đó, căn cứ kết quả xác minh điều kiện thi hành án, thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án.

Tuy nhiên, nếu áp dụng một số điểm của khoản 1 Ðiều 44a Luật THADS sửa đổi thì trong thực tế sẽ dẫn đến một số bất cập. Cụ thể, tại điểm c khoản 1 Ðiều 44a quy định, “...trong trường hợp chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án…” thì thủ trưởng cơ quan THADS sẽ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; và quyết định này sẽ được đăng tải công khai trên website của cơ quan thi hành án. Ðiều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân theo dõi quá trình tiến hành thủ tục thi hành án của cơ quan thi hành án. Nhưng, tại điểm b khoản 1 Ðiều 48 Luật THADS sửa đổi, một trong những căn cứ để hoãn thi hành án cũng có liên quan đến việc “chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án”, thì thủ trưởng cơ quan THADS sẽ ra quyết định hoãn thi hành án.

Như vậy, chỉ một căn cứ pháp lý “chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án” nhưng lại áp dụng đến 2 thủ tục xử lý của cơ quan thi hành án. Việc “chồng chéo” này rất dễ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan THADS với nhau và có thể sẽ dẫn đến sự tuỳ tiện. Bởi lẽ, hoãn và chưa có điều kiện là hai phạm trù khác nhau. Chúng khác nhau về khái niệm và thủ tục pháp lý. Nếu được áp dụng trường hợp hoãn thì cả người phải thi hành án và được thi hành án đều chủ động được về thời gian do luật định phải có thời hạn xác định. Nhưng nếu đặt ngược lại, làm sao biết được khi nào sẽ xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án để ấn định thời gian hoãn? Do đó, chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án được dùng làm căn cứ để hoãn thi hành án là chưa phù hợp.

Hơn nữa, nếu xác định là chưa có điều kiện có nghĩa là tạm thời ở thời điểm này chưa thể tiến hành thi hành án được, khi nào người bị thi hành án có điều kiện thì cơ quan THADS mới tiến hành các thủ tục để thi hành án, nhưng thời gian bao lâu thì không biết. Ðiều này rõ ràng vô tình có thể làm quyền lợi của người được thi hành án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo Cục THADS tỉnh, việc phân loại án giữa các cơ quan THADS không thống nhất, có thể sẽ dẫn đến việc “lách luật” để chạy theo thành tích. Bởi lẽ, theo biểu mẫu thống kê về công tác thi hành án thì khi phân loại án, trường hợp hoãn thi hành án được xếp vào mục án có điều kiện thi hành. Trong trường hợp này, nếu bị áp lực về chỉ tiêu, đây là chỗ hợp lý để các cơ quan THADS giảm số việc có điều kiện xuống và tăng số việc chưa có điều kiện để tăng tỷ lệ việc thi hành án trên số có điều kiện thi hành.

Một điểm đáng chú ý nữa là tại điểm b khoản 2 Ðiều 44a quy định chưa thi hành án liên quan đến việc vật đặc định không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được. Theo Ðiều 179 Bộ luật Dân sự, vật đặc định là vật phân biệt được với vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định phải giao đúng vật đó. Như vậy có thể hiểu, khi đã xác định đó là vật đặc định có nghĩa là loại không thể dùng vật khác để thay thế. Vì vậy, khi chuyển giao vật đặc định, người có nghĩa vụ phải chuyển giao đúng vật đặc định cho người có quyền như đã thoả thuận.

Ðối chiếu lại với quy định tại điểm b khoản 1 Ðiều 44a cho thấy, quy định này theo hướng ra quyết định “chưa có điều kiện thi hành” nếu rơi vào căn cứ này là nhằm bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án. Tuy nhiên, một khi vật đặc định đã xác định là không còn nhưng cơ quan thi hành án vẫn cứ phải ra quyết định “chưa có điều kiện thi hành án”, dù biết đây là vấn đề sẽ không có thời hạn kết thúc ,và thực chất người được thi hành án cũng có thể sẽ không bao giờ được thi hành quyền này, thì quy định như vậy không còn ý nghĩa nữa, mà trái lại, cơ quan thi hành án vẫn phải mang một việc tồn từ năm này sang năm khác, không có thời hạn kết thúc.

Ðức An

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục