BAOTAYNINH.VN trên Google News

CÔNG TY QUẢN LÝ KÊNH ĐÔNG, KÊNH ĐỨC HOÀ:

Kiến nghị xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi 

Cập nhật ngày: 18/03/2022 - 14:18

BTNO - Ngày 2.3, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (DT-PH) có Công văn số 27 gửi đến UBND thị xã Trảng Bàng về việc xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi kênh Đông, kênh Đức Hoà thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng.

Một nhà dân xây dựng lấn ra tới bờ kênh Đông (thuộc địa bàn phường Lộc Hưng).

Cụ thể, năm 2020, Công ty DT-PH phối hợp với Liên danh Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam và Công ty cổ phần Xây dựng và Chuyển giao công nghệ thuỷ lợi, thực hiện xong khảo sát, cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ kênh Đông, kênh Đức Hoà thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (kênh Đông 659 mốc, kênh Đức Hoà 390 mốc, kèm theo bảng toạ độ mốc) và đang trình duyệt phương án bảo vệ công trình.

Theo số liệu thống kê, hiện nay có 225 trường hợp lấn chiếm phạm vi bảo vệ kênh Đông, kênh Đức Hoà thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng nằm trên địa bàn thị xã Trảng Bàng (có phụ lục danh sách kèm theo). Những trường hợp vi phạm này phần lớn đã tồn tại từ khá lâu, chưa được xử lý dứt điểm, kéo dài. Đây là thực trạng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn công trình, khó khăn cho công tác quản lý, vận hành, công dụng phục vụ của kênh.

Công trình này có phần đang nằm trong vùng phụ cận kênh Đức Hoà (đoạn thuộc địa bàn phường An Tịnh).

Các hành vi vi phạm bao gồm: lấn chiếm đất để xây dựng công trình, công trình tạm, trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, khai thác nước trái phép. Công ty DT-PH đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ để hoàn trả chỉ giới hành lang bảo vệ kênh Đông, kênh Đức Hoà. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân vi phạm đến nay vẫn không chấp hành.

Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vận hành công trình kênh Đông, kênh Đức Hoà nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp nước cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và thành phố Hồ Chí Minh, Công ty DT-PH đề nghị UBND thị xã Trảng Bàng quan tâm, chỉ đạo UBND các xã có tuyến kênh đi qua trên địa bàn căn cứ thẩm quyền xử lý nghiêm, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi hai kênh nêu trên, để hoàn trả mặt bằng cho Công ty DT-PH quản lý.

Một kiểu tự ý khoan lớp bê tông hoá kênh Đức Hoà để đặt ống lấy nước (trong hình tròn)

Đồng thời, chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các quy định của pháp luật liên quan đến công trình thuỷ lợi, đất đai, môi trường... nhằm hạn chế các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Riêng đối với các hộ gia đình, cá nhân khai thác, sử dụng nước từ công trình thuỷ lợi phải đúng mục đích, được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh; thực hiện theo quy định của Nghị định 96/2018/NĐ-CP ngày 30.6.2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thì mới được cấp nước phục vụ sản xuất.

Còn đây là “mô hình” người dân tự khoan lớp bê tông hoá kênh Đức Hoà (đoạn thuộc địa bàn phường An Tịnh) để hạ độ cao bơm nước.

Ngày 15.7.2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND về việc ban hành quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (có hiệu lực từ ngày 25.7.2019). Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Phạm vi vùng phụ cận là phạm vi giáp công trình thuỷ lợi được quy định áp dụng đối với từng loại công trình nhằm bảo vệ an toàn cho công trình.

Theo Điều 3 của Quy định nêu trên (ban hành kèm theo Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND) về phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thuỷ lợi: “Trong phạm vi vùng phụ cận của công trình thuỷ lợi, việc sử dụng đất phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và bảo đảm an toàn công trình; phải có đường quản lý để quan trắc, theo dõi và có mặt bằng để duy tu, sửa chữa và xử lý khi công trình xảy ra sự cố”.

Tại khoản 3, khoản 4 của Điều 3 Quy định trên có quy định cụ thể đối với các loại kênh như sau:

“3. Vùng phụ cận đối với kênh nổi (kênh tưới, tiêu)

a) Đối với kênh có lưu lượng nhỏ hơn 02m3/s

- Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài theo bản vẽ thiết kế của kênh cấp 1, 2 trở ra là 2m.

- Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài theo bản vẽ thiết kế của kênh cấp 3, 4 trở ra là 1m.

b) Đối với kênh có lưu lượng từ 02m3/s đến 10 m3/s

- Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài theo bản vẽ thiết kế của kênh cấp 1 trở ra là 3m.

- Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái ngoài theo bản vẽ thiết kế của kênh cấp 2 trở ra là 2m.

c) Đối với kênh có lưu lượng lớn hơn 10m3/s

Phạm vi vùng phụ cận được tính từ chân mái ngoài theo bản vẽ thiết kế trở ra là 5m.

4. Vùng phụ cận đối với kênh chìm (kênh tưới, tiêu)

a) Đối với kênh có lưu lượng nhỏ hơn 10m3/s, phạm vi vùng phụ cận là 5m tính từ mép trong bờ kênh trở ra phía ngoài kênh.

b) Đối với kênh có lưu lượng từ 10m3/s đến 20m3/s, phạm vi vùng phụ cận là 10m tính từ mép trong bờ kênh trở ra phía ngoài kênh.

c) Đối với kênh có lưu lượng lớn hơn 20m3/s, phạm vi vùng phụ cận là 15m tính từ mép trong bờ kênh trở ra phía ngoài kênh”.

Quốc Sơn