BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ giữ xe đào đất ở Trảng Bàng:

Kiện Phòng Tài nguyên và Môi trường hay UBND huyện ?

Cập nhật ngày: 19/06/2016 - 12:27

Ông Phạm Văn Minh (còn gọi là Bích, ngụ ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng) thắc mắc, phản ánh việc TAND huyện Trảng Bàng không thụ lý đơn kiện của ông đối với hành vi giữ xe đào đất không đúng quy định của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Trảng Bàng.

Ông Minh trình bày, ngày 3.9.2014, khi ông dừng xe đào đất, sửa chữa tại một garage gần nhà thì bị một cán bộ Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng đi cùng một cán bộ địa chính xã Hưng Thuận đến lập biên bản vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản (hành vi khai thác đất trái phép) và tạm giữ chiếc xe. Tuy nhiên sau khi lập biên bản xong, cán bộ Phòng TN&MT yêu cầu ông Minh đưa xe về UBND xã Hưng Thuận tạm giữ mà không giao cho ông Minh bất cứ biên bản nào. Sau đó, mặc dù ông Minh nhiều lần khiếu nại đến Phòng TN&MT, UBND huyện Trảng Bàng về việc bị giữ phương tiện không đúng quy định và chứng minh ông không hề vi phạm nhưng không được giải quyết.

Ngày 27.11.2014, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính số 02/BB-VPHC ngày 14.11.2014 ra Quyết định số 4337/QĐ-XPHC, xử phạt ông Minh số tiền 21 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản trái quy định (đến ngày 8.1.2015- tức sau đó 42 ngày ông Minh mới nhận được quyết định trên).

Ngày 14.1.2015, ông Minh gửi đơn khiếu nại quyết định xử phạt của UBND huyện. Đến ngày 6.2.2015, các cơ quan chức năng huyện Trảng Bàng làm việc với ông Minh về nội dung khiếu nại và thống nhất trả xe đào đất cho ông, và đến ngày 11.2.2015 thì ông Minh được nhận lại xe. Đến ngày 9.4.2015, UBND huyện Trảng Bàng ra Quyết định số 1165/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi hành Quyết định số 4337/QĐ-XPHC.

Ông Minh cho rằng, việc ông được trả lại xe đào đất và không bị xử phạt vi phạm hành chính là vì thực tế ông không khai thác đất trái phép. Ngành chức năng không hề chứng minh được ông có hành vi vi phạm. Việc tạm giữ xe đã gây thiệt hại về vật chất, tinh thần của ông và gia đình.

Sau khi nhận lại xe, ông phải đem tu bổ các bộ phận, thiết bị hư hỏng trong thời gian bị tạm giữ gần 87 triệu đồng. Đồng thời, ông Minh thống kê thiệt hại thu nhập từ ngày bị giam xe, chi phí sửa xe (hư do giam xe gây ra) với số tiền gần 529 triệu đồng; thiệt hại phát sinh trong quá trình xe bị giữ (các chi phí đi khiếu nại, sửa xe) hơn 30,3 triệu đồng; thiệt hại do mất mát thiết bị trên xe trong quá trình Phòng TN&MT huyện giữ xe nhưng không bảo quản được tài sản tạm giữ gần 19 triệu đồng; tiền công lương tài xế ông Minh vẫn phải trả theo hợp đồng lao động dù không hoạt động khi phương tiện bị giữ là 47,8 triệu đồng… Ông Minh cho rằng, Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất, thiệt hại do quá trình giữ phương tiện làm ăn của ông gây ra với tổng số tiền gần 713 triệu đồng.

Gần đây, ông Minh khởi kiện Phòng TN&MT huyện về việc tạm giữ phương tiện kinh doanh trái quy định, gây thiệt hại cho gia đình ông. Thế nhưng, một cán bộ TAND huyện Trảng Bàng lại đề nghị ông Minh phải khởi kiện UBND huyện thì toà mới thụ lý hồ sơ. Lý do mà cán bộ này đưa ra là: Phòng TN&MT chỉ là cơ quan tham mưu, UBND huyện là cơ quan chịu trách nhiệm về các hoạt động của cơ quan trực thuộc.

Ông Minh thắc mắc: “Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng phải là cơ quan chịu trách nhiệm vì đã gây thiệt hại cho công dân do quá trình thực thi công vụ không đúng quy định chứ sao lại là UBND huyện? Yêu cầu của toà án có đúng quy định của pháp luật hay không?”.

Vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Tân– Giám đốc Công ty Luật Đắc Tâm, thuộc Đoàn Luật sư Tây Ninh phân tích như sau: “Căn cứ vào những gì ông Minh trình bày và hồ sơ do ông Minh cung cấp, theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy quá trình xử lý vụ việc vi phạm hành chính của UBND huyện Trảng Bàng đối với ông Minh là chưa phù hợp với pháp luật”.

Theo luật sư Tân, ông Minh bị Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi ông chưa được giao bất kỳ biên bản xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) nào. Việc này đã vi phạm Điều 58 Luật Xử lý VPHC năm 2012. Quyết định xử phạt VPHC số 4337/QĐ-XPHC ngày 27.11.2014 được ban hành căn cứ vào Biên bản VPHC số 02/BB-VPHC ngày 14.11.2014, nhưng ông Minh cho rằng ông không hề biết biên bản này. Mặt khác, quyết định xử phạt được giao cho ông Minh sau hơn 40 ngày kể từ ngày ban hành là không đúng quy định tại Điều 66, Điều 68, Điều 70 Luật Xử lý VPHC 2012.

Khi ông Minh có đơn khiếu nại Quyết định 4337 thì ngày 9.4.2015, UBND huyện Trảng Bàng có Quyết định số 1165/QĐ-UBND đình chỉ thi hành Quyết định 4337. Luật sư Tân cho rằng Quyết định số 1165 là chưa phù hợp. Bởi lẽ, Quyết định số 4337 do Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Hồng ký theo sự uỷ quyền bằng văn bản của Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng, nhưng Quyết định số 1165 ngày 9.4.2015 cũng do ông Hồ Văn Hồng ký, nhưng là ký thay. Mặt khác, bởi Quyết định số 4337 được ban hành trái pháp luật (vi phạm Điều 58, Điều 66, Điều 68 và 70 Luật Xử lý VPHC 2012) thì phải bị “thu hồi, huỷ bỏ” chứ không phải “đình chỉ thi hành” theo quy định tại khoản 3, Điều 18 Luật Xử lý VPHC năm 2012.

Do đó, theo luật sư Tân, nếu ông Minh không đồng ý với nội dung các quyết định trên, và cho rằng các quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có thể khởi kiện tại toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ bỏ các quyết định này, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) do hậu quả của những hành vi trái pháp luật của cá nhân, tổ chức gây ra cho mình. Còn việc ông Minh đã khởi kiện tại TAND huyện Trảng Bàng, nhưng Toà không nhận đơn với lý do như một cán bộ Toà án giải thích là đúng quy định. Bởi đối tượng khởi kiện trong vụ việc này là các quyết định của Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng.

HOÀNG ĐÌNH BẢO