Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kiên quyết ngăn chặn làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai
Thứ hai: 00:01 ngày 03/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dự báo, dịch bệnh Covid-19 sẽ phức tạp và lan rộng nếu chúng ta không khoanh vùng dập dịch quyết liệt và có những giải pháp cụ thể. Thủ tướng yêu cầu cả nước không được lơ là, chủ quan mà cần phải bình tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn chặn có hiệu quả làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai tại Việt Nam.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm (giữa), Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Ngọc (bên trái) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Tây Ninh.

Chiều 2.8, Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19. Cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Ngọc; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng và các thành viên BCĐ cùng tham dự.

Đà Nẵng đang là tâm dịch Covid-19 của cả nước

Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ con người và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ 5-8.7 và từ 16-20.7.

“… Không được lơ là, chủ quan mà cần phải bình tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn chặn có hiệu quả làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai tại Việt Nam”.

Thời gian bùng phát dịch là cao điểm của mùa du lịch và có rất nhiều hành khách từ các địa phương đã đi/đến Đà Nẵng. Theo thống kê, có khoảng 1,4 triệu người đã đến thành phố Đà Nẵng từ 1-29.7, trong đó có khoảng 800.000 người có đi đến khu vực 3 bệnh viện tại Thành phố (khoảng 46.000 trường hợp đến khám, chữa bệnh tại 3 bệnh viện).

Các trường hợp đến Đà Nẵng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Hiện tại, với số liệu về các trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận, có thể nhận định nguồn lây nhiễm chính là tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Đà Nẵng với mức độ lây nhiễm rất cao trong hệ số khoảng từ 6-10 và lây lan ra cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương. Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước, sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng.

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đến trưa 2.8, Đà Nẵng đã có 124 ca dương tính với Covid-19, trong đó 5 ca tử vong đều là người có bệnh nền nặng từ nhiều năm. Có 6 ca nhiễm chưa xác định được có liên quan đến các ca đã phát hiện hay không nên Thành phố và Bộ Y tế rất lo ngại còn có những ổ dịch chưa truy tìm được. Vì vậy, chiến dịch của Đà Nẵng là xét nghiệm, cách ly, truy vết, phong toả nhanh chóng để ngăn dịch đã lây ra trong cộng đồng.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã hết sức khẩn trương, tích cực chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, chi viện nguồn lực chống dịch cho TP. Đà Nẵng về chuyên môn, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã thống nhất với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép thanh toán BHYT với các trường hợp xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện để mở rộng triển khai xét nghiệm; tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm tại 2.429 cơ sở y tế; huy động khoảng 1.000 người bao gồm sinh viên trường y và quân đội hỗ trợ, phục vụ công tác phòng, chống dịch của Đà Nẵng…

Dự kiến chia làm 2 đợt thi  tốt nghiệp THPT

Từ khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được người dân, học sinh đặc biệt quan tâm. Để giải đáp vấn đề này, tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT chia làm 2 đợt. Theo đó, các địa phương không nằm trong nhóm nguy cơ cao sẽ tổ chức kỳ thi đợt 1 (thời gian như kế hoạch đã định), các địa phương có nguy cơ cao sẽ tổ chức thi đợt 2 sau đó.

Bộ trưởng cho biết việc tổ chức 2 đợt thi sẽ rất phức tạp và khó khăn, song Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em học sinh đều được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT đã cơ bản hoàn tất, mục tiêu là bảo đảm kỳ thi an toàn, chất lượng, công bằng và minh bạch.

Phương án tổ chức 2 đợt thi được hầu hết lãnh đạo các tỉnh, thành phố đồng tình. Trong đó có nhiều địa phương quyết định cho học sinh của tỉnh thi trong đợt 1 vì tình hình dịch bệnh tương đối ổn định. Riêng các địa phương có dịch sẽ tiến hành phân loại học sinh theo vùng nguy cơ để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh trên địa bàn. Các thí sinh F1, F2 tại các địa phương khác cũng sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp đợt 2.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị, nếu đến đợt thi thứ 2, Đà Nẵng vẫn chưa hết dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đặc cách tốt nghiệp cho các em học sinh.

Phát biểu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, kỳ thi năm nay diễn ra trong tình hình phòng, chống dịch bệnh; xem đây là cuộc tập trung đông người trong cả nước, nên tinh thần tổ chức là phải bảo đảm công tác phòng dịch. Các ngành chức năng cần rà soát tất cả mọi tình huống, bảo đảm thi là phải an toàn. Việc tổ chức nhiều đợt thi tốt nghiệp THPT là sự động viên của toàn xã hội đối với các em học sinh không may trong mùa dịch; qua đó thể hiện sự nhân văn, quan tâm đến mục đích vào đại học của các em học sinh. Vì thế, không cần thiết phải gây nên cuộc tranh luận trong xã hội là có tổ chức thi hay không thi.

Mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, đến giờ phút này, công tác chống dịch của Việt Nam khá tốt. Dù dịch bệnh tái bùng phát song tất cả các địa phương đều bình tĩnh, quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch- nhất là Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần theo dõi chặt chẽ những người về/đi qua Đà Nẵng; thực hiện nghiêm ngặt tình trạng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; lưu ý người cao tuổi, những người có bệnh lý nền; tăng cường các biện pháp phòng dịch trong cộng đồng…

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến, giải pháp đa dạng, phong phú, cụ thể của các lãnh đạo địa phương, bộ, ngành Trung ương. Thủ tướng Chính phủ biểu dương sự cố gắng của ngành Y tế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã khoanh vùng tích cực với biện pháp mạnh mẽ, nhất là việc chủ động giãn cách xã hội ở những ổ dịch.

Dự báo, dịch bệnh Covid-19 sẽ phức tạp và lan rộng nếu chúng ta không khoanh vùng dập dịch quyết liệt và có những giải pháp cụ thể. Thủ tướng nhắc lại cả nước không được lơ là, chủ quan mà cần phải bình tĩnh, chủ động, kiên quyết ngăn chặn có hiệu quả làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là những vùng có dịch; khởi động hệ thống y tế, sẵn sàng phòng, chống dịch; quản lý chặt chẽ tuyến biên giới và các khu cách ly quân đội; hạn chế, giảm tử vong đối với các bệnh nhân nặng…

“Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch”.

Với tinh thần thần tốc, cương quyết, các địa phương cần dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để ổ dịch; tranh thủ truy vết, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và khám sàng lọc những vùng có liên quan; bằng nhiều biện pháp kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế và cài đặt phần mềm quản lý Bluezone, những trường hợp ho, sốt, khó thở phải được kiểm tra kịp thời. Các địa phương chưa giãn cách xã hội vẫn phải bảo đảm sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy, nhất là tại các trung tâm kinh tế lớn ở các địa phương trong cả nước.

Về kỳ thi THPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương chưa có dịch hoặc dịch bệnh ít nghiêm trọng cần có phương án tổ chức kỳ thi an toàn. Đối với các địa phương có dịch nghiêm trọng bảo đảm kỳ thi, tuyển sinh đại học đúng quy định.

“Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch. Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nâng cao ý thức, giữ gìn sức khoẻ bản thân và cộng đồng; giữ vệ sinh, mang khẩu trang, giữ khoảng cách, ăn uống lành mạnh, rèn luyện sức khoẻ, đặc biệt là những vùng có ổ dịch cần nghiêm túc thực hiện những việc này”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phương châm chống dịch trong tình hình hiện nay.

Lê Thuỳ

Tin cùng chuyên mục