Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðể quản lý quỹ đất thu hồi từ các nông lâm trường giao về địa phương quản lý đạt hiệu quả, UBND huyện cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các ngành chức năng huyện, UBND các xã không để xảy ra việc lấn, chiếm đất. Do đó, bất cứ cá nhân, tổ chức nào có hành vi chiếm đất, UBND huyện Tân Châu kiên quyết xử lý đúng quy định pháp luật.
Lãnh đạo UBND huyện Tân Châu cho biết, đối với diện tích đất của Công ty TNHH MTV Cao su 1.5 giao về cho địa phương quản lý, huyện thực hiện theo Quyết định số 2812/QÐ-UBND ngày 31.10.2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Cao su 1.5 Tây Ninh; Quyết định số 293/QÐ-UBND ngày 30.1.2018 của UBND tỉnh giao 2.370.946,9m2 đất cho UBND huyện Tân Châu quản lý, tổ chức thực hiện theo phương án sử dụng quỹ đất bàn giao địa phương sau cổ phần hoá của công ty.
Ðể quản lý quỹ đất thu hồi từ các nông lâm trường giao về địa phương quản lý đạt hiệu quả, UBND huyện cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các ngành chức năng huyện, UBND các xã không để xảy ra việc lấn, chiếm đất. Do đó, bất cứ cá nhân, tổ chức nào có hành vi chiếm đất, UBND huyện Tân Châu kiên quyết xử lý đúng quy định pháp luật.
Gần đây, ngày 17.7.2018, Ban cưỡng chế tiến hành cưỡng chế thi hành Quyết định số 2206/QÐ-CCXP ngày 21.5.2018 của UBND huyện Tân Châu buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Trình Văn Phụng tại Quyết định số 1690/QÐ-XPVPHC ngày 17.4.2018 của UBND huyện Tân Châu.
Theo Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, UBND huyện Tân Châu đã xử phạt ông Phụng với hành vi chiếm đất (chiếm diện tích đất 85.479,4m2, thửa 86, tờ bản đồ 05, đất toạ lạc tại xã Thạnh Ðông, huyện Tân Châu thuộc diện tích đất UBND tỉnh thu hồi của Công ty TNHH MTV 1-5 Tây Ninh- nay là Công ty cổ phần cao su 1-5 Tây Ninh và giao cho UBND huyện Tân Châu quản lý). Ngoài hình thức phạt tiền là 2 triệu đồng, Quyết định 1690 còn buộc ông Phụng phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm (di dời toàn bộ tài sản có trên đất) và trả lại đất đã chiếm.
Lãnh đạo UBND huyện Tân Châu cho biết thêm, sau khi ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với ông Phụng, ngày 20.4.2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Châu đã tống đạt Quyết định số 1690/QÐ-XPVPHC đến ông Phụng nhưng ông không nhận và có ý kiến: vụ việc này ông Phụng đã uỷ quyền cho ông Ðặng Ðình Tỳ, đề nghị các cơ quan liên hệ ông Ðặng Ðình Tỳ. Ông Phụng không ký tên vào biên bản giao nhận (biên bản tống đạt có chữ ký của người chứng kiến).
Ðến ngày 9.5, các cơ quan chuyên môn và UBND xã Tân Ðông kiểm tra việc chấp hành Quyết định số 1690 nhưng ông Phụng không tự nguyện chấp hành theo quy định. Do đó, đến ngày 21.5, UBND huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 2206/QÐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Phụng.
Do tài sản trên diện tích đất mà ông Phụng bao chiếm là mì đang trồng nên trước khi tổ chức cưỡng chế, ngày 2.7, UBND huyện đã tổ chức buổi vận động, thuyết phục ông Phụng tự nguyện thi hành Quyết định số 2206/QÐ-CCXP nhưng ông không đến tham dự, do vậy buổi vận động không thực hiện được.
UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2857/QÐ-UBND về việc thành lập hội đồng định giá - bán đấu giá tài sản sau cưỡng chế (xử lý củ khoai mì trên đất với diện tích 85.479,4m2 thuộc thửa đất 86, tờ bản đồ số 05).
Ngày 16.7.2018, Ban cưỡng chế tiếp tục vận động, thuyết phục ông Phụng lần cuối tự nguyện thi hành Quyết định số 2206. Tuy nhiên, qua buổi làm việc, ông Phụng trình bày đã thu hoạch cây khoai mì trên diện tích khoảng 1,3 ha. Ðối với diện tích còn lại, ông Phụng chỉ đồng ý thu hoạch mì đến hết ngày 31.7.2018 nhưng không đồng ý giao lại đất để UBND huyện Tân Châu quản lý.
Do vậy, buổi làm việc vận động lần cuối không thành, Ban cưỡng chế quyết định tổ chức cưỡng chế.
Trong quá trình cưỡng chế, Ban cưỡng chế đã đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới khu đất khoanh vùng địa điểm cưỡng chế, lập biên bản ghi nhận hiện trạng tài sản trên gồm: diện tích còn lại có cây khoai mì khoảng 5 tháng là 72.479,4m2 (chưa trừ diện tích trồng cây cao su và đường băng cây cao su); trên đất còn có 5.700 cây cao su khoảng 1 tháng tuổi trồng quy cách (3m x 6m) và 1 mái che, không vách, lợp tôn diện tích 2m x 3m.
Ðối với mái che không vách, lợp tôn, đoàn cưỡng chế đã tháo dỡ, lập biên bản bàn giao cho ông Phụng nhưng ông không nhận. Ban cưỡng chế di dời các tài sản về trụ sở UBND xã Tân Ðông và lập biên bản giao UBND xã quản lý theo quy định. Ðối với 5.700 cây cao su khoảng 1 tháng tuổi, ban cưỡng chế nhổ bỏ.
Riêng đối với diện tích cây khoai mì 72.479,4m2 (chưa trừ đường băng cây cao su và diện tích trồng cao su), Ban cưỡng chế lập biên bản giao Hội đồng định giá tài sản theo Quyết định số 2857/QÐ-UBND ngày 9.7.2018 của UBND huyện Tân Châu thực hiện theo quy định. Ðồng thời, Ban cưỡng chế lập biên bản tạm bàn giao toàn bộ diện tích 85.479,4m2 cho UBND xã Tân Ðông quản lý trong thời gian chờ Hội đồng định giá xử lý tài sản.
Sau khi cưỡng chế, việc xử lý tài sản trên đất là khoai mì được UBND huyện Tân Châu thực hiện đúng quy định pháp luật. Số tiền xử lý tài sản khoai mì đã được chuyển vào khoản tiền gửi của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tân Châu.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Châu, khi được UBND tỉnh giao quản lý diện tích đất trên, UBND huyện đã đề nghị ông Phụng không được tiếp tục tác động lên đất, xử lý tài sản trên đất và trả lại đất nhưng ông Phụng không chấp hành. Do vậy, UBND huyện lập biên bản vi phạm hành chính và đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định pháp luật. Ðồng thời, UBND huyện sẽ kiên quyết xử lý những cá nhân có hành vi chiếm đất.
NGHĨA NHÂN