BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kiến trúc nhà thờ Hiệp Thạnh

Cập nhật ngày: 14/06/2011 - 11:16

Có mặt từ năm 1956, lại toạ lạc ở một lô đất đẹp mặt tiền quốc lộ 22B nối Tây Ninh với TP.HCM, nhưng nhà thờ Hiệp Thạnh vẫn có vẻ nhỏ bé đìu hiu, thường khi vắng người lui tới. Cũng chẳng sao, bởi ngay từ những năm đầu đấy chỉ là ngôi nhà thờ nhỏ, dành cho giáo dân làm cao su trong đồn điền Vên Vên. Trước năm 1956, đã từng có một nhà nguyện nhỏ ở ngay trong khuôn viên đồn điền. Nay thì công ty cao su Vên Vên đã phát triển thành Công ty cổ phần tầm cỡ tỉnh Tây Ninh. Nước nổi, thuyền lên, cái nhà thờ nhỏ ven quốc lộ ấy đã không còn nữa, nhường chỗ cho một toà kiến trúc mới, mà chỉ mới thoáng trông (nếu ngồi xe hơi chạy vút qua) cũng đã thấy thật khang trang lộng lẫy.

Vậy nên cũng phải một lần đi xe máy, để tạt vào tìm hiểu xem sao! Thì ra ngôi nhà thờ Hiệp Thạnh mới làm lễ đặt viên đá đầu tiên (khởi công) vào ngày 10.3.2007. Đến ngày 20.11. 2010, sau 3 năm 8 tháng mới làm lễ khánh thành. Cả hai lễ quan trọng này đều được Giám mục giáo phận từ Bình Dương qua làm lễ thánh tưng bừng.

Nhà thờ Hiệp Thạnh.

Ngay từ ở cổng vào, nhà thờ đã cho ta một cảm giác là lạ, hay hay và thích thú. Ngay cái tháp chuông thôi, đứng tách hẳn ra bên cũng thấy ngồ ngộ dễ thương sao! Một cây thánh giá bê tông to đùng vút lên cao, một nhánh ngang của thánh giá dài hơn tựa lên một tấm tường cũng lên cao gần như thế. Tấm tường khoét những lỗ tròn hoặc hình ô van làm cho không gian xen kẽ các khối đặc và rỗng. Một quả chuông đồng treo chung chiêng ở giữa trông xinh xinh như một món đồ chơi. Phía trước tháp chuông còn có một ngôi kiến trúc hệt như ngôi đền miếu ta thường thấy ở các xóm ấp Tây Ninh và Nam bộ. Cũng trụ cột tròn có mũ cột và những đường gờ chỉ. Cũng vòm cửa cong thường thấy ở các cửa đền. Đặc biệt là bộ mái, với hai tầng mái ngói men xanh có các đầu cao cong lượn nhẹ. Người ta bảo đấy là đài tượng Thánh Giu Se. Trước bức tượng cũng có bình bông và hoa trái, ai đó thường xuyên chăm sóc.

Nhưng dù sao, cái kiến trúc vừa tả dẫu xinh xẻo mấy, thì cũng không thể có sức thu hút bằng ngôi nhà thờ chính. Thử đếm gạch để tính ra kích thước mặt bằng. Thì ngôi nhà thờ này có bề ngang trên 20m, còn bề dài chỉ hơn 36 mét. Hành lang vòng hai bên ra mặt trước, mỗi bên rộng 3,2 mét, còn phía trước lại được mở rộng thêm phía ngoài hàng cột lên tới hơn 6 mét. Phần không gian thờ tự bên trong vẫn còn là một diện tích rộng với bề ngang 13,6 mét, sâu vào tới 8 nhịp nhà, mỗi nhịp rộng 3,8 mét, trong đó 6 nhịp bố trí chỗ ngồi cho giáo dân, còn 2 nhịp sau cùng làm cung thánh, nơi thực hiện các nghi lễ thờ tự của các vị linh mục làm chủ lễ. Cái không gian bên trong này cho ta một cảm giác rộng thoáng hơn thực tế. Có lẽ đấy là do không gian lớn, liên tục mà không có cột bên trong. Hơn nữa, nhà có trần cao bám sát chiều cao và độ dốc mái. Ánh sáng chan hoà và có phần lung linh huyền ảo, là nhờ vào những ô tranh kính có màu rực rỡ mô tả lịch sử Thiên Chúa được bố trí trên cao. Phần cung thánh cũng được trang trí nơi tượng thờ, phù điêu trong một lõm tường cong, giản dị nhưng thu hút. Nhưng tất cả nội thất kể trên cũng chỉ có ý nghĩa với giáo dân, mỗi tuần tới đây ngắm nguyện. Còn với khách qua đường, thì sức thu hút của ngôi nhà thờ này lại nằm ở ngoài kia, trên kiến trúc các mặt tiền.

Phía trước ngôi nhà chính hai mái dốc của giáo đường là khu vực tiền sảnh có kiến trúc mặt đứng hình ngôi tháp với 3 tầng mái. Tầng thứ nhất với 2 mái ngói dài ở hai bên gợi nên ấn tượng mái nhà dân gian truyền thống. Phần mái tiền sảnh được thiết kế tách rời và cao hơn, với phần đuôi mái xoè ngang tạo cảm giác mời chào thân thiện. Hai tầng tháp bên trên cấu trúc cũng theo lối đền tháp truyền thống dân tộc là “thượng thu, hạ sách”; tầng dưới tạo vòm cong để lộ không gian rỗng, làm nổi bật bức tượng đức “Kitô vua”, tầng trên lại xây tường tạo nên khối đặc. Trên bốn mảng tường của khối đặc gần như lập phương này chỉ đắp thêm phù điêu hình hoa sen trong một ô tròn. Chú ý rằng, các tầng mái của khối tháp tiền sảnh đều thẳng băng, điểm xuyết thêm gờ chỉ giản đơn diềm mái, mà không cần phải uốn cong đầu đao, hoặc gắn thêm bất cứ hoạ tiết trang trí nào. Đặc biệt mái trên cùng lại được tách rời khỏi khối tường vuông nhờ các công - xon. Nhờ thế mà toàn bộ kiến trúc mặt tiền vừa tạo cảm giác gắn kết chắc bền mà vẫn linh hoạt và nhẹ nhõm. Quan trọng hơn là nó đã tạo được một hình ảnh cụ thể về sự kết hợp hài hoà giữa tính dân tộc và tính hiện đại.

TRẦN VŨ