Nghị định 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy
định: Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hoá đáp ứng các
điều kiện quy định tại Khoản 11, Điều 3 Luật Cạnh tranh. Doanh nghiệp chỉ được
tổ chức bán hàng đa cấp sau khi được cấp Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp…
Hàng hoá được kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều
kiện sau đây: Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy
định của pháp luật; đảm bảo rõ ràng, hợp pháp về nguồn gốc, xuất xứ, tính năng,
công dụng của hàng hoá; có nhãn hàng hoá theo đúng quy định của pháp luật.
Kỳ 3: Ai quản lý giá, chất lượng?
Gần đây, tại một số quán cà phê ở Tây Ninh xuất
hiện nhiều “nhóm” kinh doanh đa cấp. Đây là những thành viên trong cùng một
“mạng” gặp mặt để trao đổi công việc “kinh doanh”. Đồng thời, đây cũng là những
buổi “tư vấn khách hàng”, mời gọi nhiều phụ nữ tham gia bán hàng đa cấp: “Chỉ
tranh thủ thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập đáng kể”. Đây là một “mạng”
kinh doanh đa cấp mới cùng các sản phẩm được giới thiệu do Công ty TNHH Amway
Việt Nam (Khu Công nghiệp Amata, Đồng Nai) sản xuất. Tuy nhiên, theo tìm hiểu
của phóng viên, Công ty TNHH Amway Việt Nam đăng ký ngành nghề kinh doanh là:
“Sản xuất hoá chất và các sản phẩm từ hoá chất”; ngành nghề sản xuất là: “Sản
xuất, gia công, pha chế các sản phẩm tiêu dùng bao gồm mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh
gia dụng và thực phẩm chức năng”. Chẳng lẽ, Công ty này còn “kiêm” thêm chức
năng kinh doanh đa cấp?
 |
Thận trọng khi dùng các sản phẩm có
liên quan đến sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em |
Khi tiếp xúc với khách hàng, các nhóm kinh doanh
đa cấp này đều giới thiệu họ là nhân viên của Công ty Amway. Các sản phẩm được
họ kinh doanh đa cấp khá “nhạy cảm”: “Bộ sản phẩm chăm sóc da dành cho bé”, sản
phẩm làm đẹp cho phụ nữ và thực phẩm chức năng. Việc kinh doanh các sản phẩm của
Amway khá đơn giản. Để tham gia kinh doanh đa cấp, khách hàng phải mua các sản
phẩm Amway của “người thuộc Công ty”. Sau đó, khách hàng sẽ được tính “điểm” dựa
trên giá trị sản phẩm. Ví dụ như bộ sản phẩm chăm sóc da dành cho bé (gồm 2 chai
dầu gội- sữa tắm và sữa dưỡng ẩm) được bán cho “nhà phân phối” với giá 230.000
đồng nhưng bán cho khách hàng… 264.000 đồng. Nhà phân phối còn được tính điểm
mỗi bộ sản phẩm này (16,2 điểm) để hưởng hoa hồng, 1 điểm tương đương 15.500
đồng. Từ 600 điểm trở xuống, nhà phân phối sẽ được hưởng 6% hoa hồng; 1.200 điểm
được hưởng 9%; 2.400 điểm được hưởng 12%... từ 10.000 điểm trở lên được hưởng
21%... Ngoài ra còn có hoa hồng lãnh đạo 4%, 0,25% hoa hồng Emerald… Tính theo
mức “chi thưởng” trên, việc kinh doanh đa cấp sản phẩm Amway quả là thu quá
nhiều lợi nhuận, nhiều người ham là phải.
Tuy nhiên, tiếp xúc với phóng viên, một số người
đã từng tiếp xúc với sản phẩm Amway qua hệ thống bán hàng đa cấp cho rằng giá
bán các sản phẩm này quá cao so với nhiều sản phẩm khác cùng chủng loại, kể cả
sản phẩm nhập khẩu từ các hãng mỹ phẩm tên tuổi. Một số người thì tỏ ra “thận
trọng sử dụng” những sản phẩm này. “Có thể sản phẩm Amway được sản xuất theo các
tiêu chuẩn nhất định ở Việt Nam, không phải là hàng trôi nổi. Tuy nhiên, giá trị
thực ở mức nào thì khó mà biết được. Tôi thấy giá các sản phẩm này quá cao so
với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường mà gia đình đã sử dụng, có chất
lượng tốt. Tất nhiên, các sản phẩm được kinh doanh đa cấp thì không thể “rẻ”.
Bán với giá như trên thị trường thì lấy gì mà trả hoa hồng”, một chị là công
chức nói.
 |
Trong lịch sử thương mại thế giới, chưa
có một phương thức kinh doanh nào gây nhiều tranh cãi, trái chiều và
liên tục như Multi Level Marketing (Kinh doanh đa cấp) kể từ lúc mới
xuất hiện. |
Ngoài “các nhà phân phối” sản phẩm Amway, một số
người giới thiệu là “nhà phân phối” của các mạng kinh doanh đa cấp khác như
Avon, Oriflame, Herbal Life, Sophie hiện cũng đang chọn… các quán cà phê làm nơi
“tư vấn”, quảng cáo mời gọi khách hàng tham gia kinh doanh mạng. Gần đây, như
Báo Tây Ninh phản ánh vào cuối năm 2010, Tây Ninh cũng đã xuất hiện một mạng
lưới kinh doanh đa cấp mà một số báo chí ở các địa phương khác gọi là: “trò lừa
đảo mang tên vừa đi du lịch vừa kiếm tiền” của cái gọi là Công ty DHT.
Ngoài ra, có một sản phẩm xuất hiện ở Tây Ninh
từ khoảng 5 năm nay, được giới thiệu là “máy cân bằng ion”, do nhà máy Z755
thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Các sản phẩm này được bán dưới dạng đa cấp với giá
trên 2,5 triệu đồng/máy. Theo quảng cáo của một số người giới thiệu là “nhân
viên kinh doanh trong mạng của Công ty Viet- Am”, hiện ở Thị xã và nhiều huyện
khác đều có các “chi nhánh, văn phòng” của Công ty Viet- Am, nhà phân phối sản
phẩm này. Theo quảng cáo, máy có công năng và tác dụng: chăm sóc, phục hồi, nâng
cao sức khoẻ; giúp ngủ ngon và sâu hơn; kích thích ăn uống, tăng cảm giác ngon
miệng, sảng khoái tinh thần; ổn định thần kinh và “hỗ trợ” nhiều bệnh khác.
Ngoài máy ion, còn có máy khử độc thực phẩm, tạo khí O3,
dùng để diệt trứng sán, lọc thuốc trừ sâu, vi khuẩn, nấm mốc trên rau quả, chất
độc trên thịt cá… và lọc không khí. Máy này cũng được giới thiệu do Nhà máy Z755
thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất.
Một cán bộ Sở Công thương cho biết, lĩnh vực
kinh doanh đa cấp có liên quan đến nhiều sở, ngành (Công thương, Y tế, Thông
tin- Truyền thông, Văn hoá, Công an, Khoa học và Công nghệ), nhất là các sản
phẩm liên quan đến lĩnh vực sức khoẻ con người. Cho đến nay, ngành chức năng
chưa thống kê có bao nhiêu mạng lưới kinh doanh đa cấp hoạt động ở Tây Ninh. Tuy
nhiên, theo vị cán bộ này, trong thời gian qua, Sở Công thương chưa cấp giấy
Đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp nào. Từ năm 2010 đến nay, Sở
chỉ nhận được thông báo hoạt động bán hàng đa cấp của 3 doanh nghiệp là Công ty
TNHH Synergy Việt Nam (không rõ địa điểm hoạt động ở đâu), Chi nhánh Công ty
TNHH Tầm Nhìn Việt Nam và Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân (Thị xã). Về tình
trạng hoạt động của các công ty này, vị cán bộ trên cho biết là “không nắm
được”.
Được biết, từ
tháng 10.2005, Bộ Y tế đã yêu cầu ngừng ngay việc thông tin quảng
cáo, kinh doanh, lưu hành máy tĩnh điện ion do Công ty Z755 sản xuất
sau khi xảy ra trường hợp một bệnh nhân là bà Lê Thị Liễu (quê Phúc
Yên, Vĩnh Phúc) phải đi cấp cứu 2 lần do bị tụt huyết áp nghiêm
trọng, hậu quả của việc dùng máy tĩnh điện ion chữa bệnh. Đến đầu
tháng 4.2009, Thanh tra Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế các tỉnh,
thành phố thông báo việc Thanh tra Bộ đã nhận được thông tin phản
ánh việc Công ty Cổ phần quốc tế Việt Am (27A Hoàng Việt, phường 4,
quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) kinh doanh sản phẩm máy cân bằng ion
đã có những quảng cáo trong lĩnh vực y tế như: chăm sóc, phục hồi,
nâng cao sức khoẻ, giúp ngủ ngon, kích thích ăn uống, tăng cảm giác
ngon miệng, sảng khoái tinh thần, ổn định thần kinh... Tuy nhiên,
việc quảng cáo này của Công ty chưa được Bộ Y tế cấp phép, do đó đã
vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật hiện hành. Thanh tra Bộ
Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh chỉ đạo thanh tra sở phối hợp với cơ
quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý việc kinh doanh,
quảng cáo sản phẩm máy cân bằng ion do Công ty Cổ phần quốc tế Việt
Am phân phối.
Theo một tài
liệu, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, phòng Điện - điện tử (Viện Vật lý)
cho biết: ion điều trị chính là ion âm - thường có nhiều trong không
khí tự nhiên. Ion âm có tác dụng tích cực với sức khoẻ, vì vậy đây
là lý do nhà sản xuất chế tạo sản xuất ion âm. Về nguyên tắc chung,
ion âm nhân tạo được hình thành bởi điện thế cao. Nhưng điện thế cao
lại có hại cho con người, vì vậy người ta phải hạn chế điện áp. Do
phải hạn chế điện áp nên lượng ion âm sản xuất ra sẽ không nhiều, do
đó, hiệu quả cũng không rõ ràng. |
HOÀNG THI
(Còn tiếp)