Kỳ cuối: Cần quản lý chặt chẽ hơn
“Núp bóng” đa cấp để lừa đảo?
Về trường hợp những “diễn giả, chuyên gia của
Công ty EPS” kinh doanh đa cấp loại “sim đa năng” Momo của Vinaphone, phóng viên
liên hệ với một phòng chức năng của VNPT Tây Ninh và được cho biết: VNPT Tây
Ninh chưa triển khai kinh doanh loại sim này, đồng thời không có mối liên hệ nào
với “người của Công ty EPS”. Hiện giá bán chính thức sim Momo Vinaphone loại mà
bà Ái Xuân mua (xem kỳ 1- Khởi nghiệp với dế yêu) khoảng 100.000 đồng (tài khoản
50.000 đồng). Cũng theo thông tin từ VNPT Tây Ninh, Công ty EPS có tên gọi đầy
đủ là Công ty cổ phần thương mại- dịch vụ trực tuyến EPS, có trụ sở chính tại
quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tuy nhiên, nhóm người bán sim Momo ở Tây Ninh mà bà
Xuân tố cáo là “lừa đảo” có phải là nhân viên của EPS hay không thì VNPT Tây
Ninh không rõ.
 |
Xây dựng nhiều doanh nghiệp mà không
cần vốn (!?) |
Liên hệ với Thanh tra Sở Thông tin- Truyền
thông, phóng viên được cho biết Thanh tra Sở chưa nhận được bất cứ thông tin nào
có liên quan đến hoạt động của EPS. Sở Thông tin- Truyền thông cũng chưa cho
phép nhóm người này kinh doanh theo kiểu “bán hàng lưu động” trên địa bàn Tây
Ninh. Đồng thời, một cán bộ quản lý Sở Công thương cũng cho biết chưa nhận được
thông tin nào về hoạt động của Công ty EPS tại Tây Ninh. Theo tìm hiểu của phóng
viên, Công ty EPS là một công ty kinh doanh đa cấp, hoạt động khá rầm rộ. Vậy
người được nhóm bán sim Momo ở Tây Ninh gọi là “diễn giả Nguyễn Duy Cương” là
ai? Trên trang web của Công ty này có nêu: “…được tặng một vé đào tạo nghệ thuật
thuyết phục và thuật gây ảnh hưởng của chuyên gia Nguyễn Duy Cương - chuyên gia
số một về phát triển cá nhân - Khai phá năng lực tiềm ẩn của con người. Thanh
tra Sở Thông tin- Truyền thông cho biết sẽ làm rõ những thông tin mà phóng viên
cung cấp.
Trường hợp của “nhân viên Công ty EPS” là một ví
dụ cụ thể cho thấy, hoạt động của hầu hết các mạng lưới kinh doanh đa cấp thuộc
các “công ty, tập đoàn” đã và đang tồn tại ở Tây Ninh đều rất “thoải mái”. Chỉ
đến khi người dân bị lừa, bị thiệt hại, làm đơn tố cáo, khiếu nại thì chính
quyền, ngành chức năng mới biết (!?). Chưa có con số thống kê chính thức có bao
nhiêu mạng lưới kinh doanh đa cấp đã và đang hoạt động ở Tây Ninh cũng như con
số những người bị cuốn vào vòng xoáy kinh doanh “thực mà ảo này”. Tuy nhiên,
chắc chắn những người “vỡ mộng làm giàu” từ việc kinh doanh bằng… nước bọt này
hẳn không ít. Dù vậy, hầu hết những “nhà kinh doanh”, “quản lý mạng”, “đại lý
phân phối hàng đa cấp”… đều cao chạy xa bay hoặc bình an vô sự. Để rồi sau đó,
chính những người này lại tham gia, tổ chức mạng lưới kinh doanh đa cấp của
“công ty, tập đoàn” khác, như trường hợp một phụ nữ “có thâm niên kinh doanh đa
cấp” ở xã Hiệp Tân (Hoà Thành) mà chúng tôi biết.
Liệu có buông lỏng?
Mới đây, TAND Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm các
bị cáo Đặng Ngọc Sơn, Đinh Hữu Dũng và Hoàng Đình Long (Chủ tịch, Phó chủ tịch
HĐQT và Giám đốc Công ty Thế Giới Mới Việt Nam). 3 người này bị cáo buộc tội lừa
đảo chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng của gần 200 đại lý tham gia mạng lưới bán hàng đa
cấp, trong đó có rất nhiều nạn nhân là cán bộ hưu trí ở Hà Nội, Thái Nguyên và
Hải Dương. Bằng việc “hợp tác” với một số “doanh nhân” người Trung Quốc để tạo
bề ngoài khi mở “công ty”, các đối tượng này đã đưa hàng trăm người nhẹ dạ vào
tròng. Người tham gia vào mạng lưới bán hàng của công ty lừa đảo này phải mua
sản phẩm “dinh dưỡng” với giá từ 1,8 đến 3,6 triệu đồng.
 |
Quảng cáo do Pháp sản xuất nhưng trên
sản phẩm lại ghi Ireland |
Còn ở Tây Ninh thì sao? Từ năm 2004 cho đến năm
2010, Báo Tây Ninh đã nhiều lần phản ánh thực trạng kinh doanh đa cấp, có dấu
hiệu vi phạm pháp luật của nhiều công ty “chui”, hoạt động không đúng quy định ở
Tây Ninh. Việc kinh doanh mập mờ, không đúng quy định của nhiều “công ty, tập
đoàn” đã khiến nhiều người “tiền mất tật mang”, nhất là người nghèo, người ở
vùng nông thôn. Tuy nhiên, đáng nói là cho đến nay, các ngành chức năng Tây Ninh
chưa chính thức đưa ra bất kỳ một thông báo hay khuyến cáo nào trên các phương
tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và cảnh giác. Trong khi đó, theo
chúng tôi được biết, hầu hết các hoạt động “tập huấn, tư vấn” và kinh doanh đa
cấp của các “công ty, tập đoàn” ở Tây Ninh đều khá “thoải mái”, và họ hoạt động
ra sao thì có lẽ… chỉ có họ và những nạn nhân nhẹ dạ biết!
Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm
trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp trong thời gian gần đây ra sao? Một cán bộ lãnh
đạo Sở Công thương cho biết: Sau khi nhận được văn bản thông báo bán hàng đa cấp
(chỉ là thông báo chứ không phải là hồ sơ đăng ký hoạt động hoặc các loại hồ sơ
khác) của doanh nghiệp, Sở chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường và thông báo các
sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp
này. Tuy nhiên trong năm 2010, Sở Công thương không xử lý vụ nào có liên quan
đến bán hàng đa cấp vì theo quy định, Sở Công thương không có quyền thanh tra,
xử lý. Sở Công thương cho rằng thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc… Cục Quản lý cạnh
tranh.
Thay lời kết
Những người “tỉnh táo” đều hiểu rất rõ rằng mơ
làm giàu bằng việc “kinh doanh đa cấp” chỉ là “ảo tưởng”, nhất là đối với người
dân nông thôn, ít học, thật thà, không “dẻo mồm dẻo miệng”. Một chị là công chức
đã nhiều lần từ chối những lời mời mọc, lôi kéo tham gia bán hàng đa cấp nói:
“Thực tế thì tất cả các sản phẩm được bán theo kiểu đa cấp đều có giá “trên
trời”, cao gấp nhiều lần một sản phẩm tương đương bán trên thị trường. Nếu không
bán với giá “cắt cổ” thì các nhà phân phối lấy gì để chi trả đủ thứ hoa hồng,
chẳng lẽ họ lại bỏ tiền túi ra để trả sao? Chỉ có một số ít người đứng ra tổ
chức mạng lưới, hoặc tham gia ngay từ đầu thì còn “kiếm chác” được ít nhiều, còn
lại hầu hết tham gia chỉ để cho kẻ khác hưởng lợi mà thôi”.
Nói theo chị này, những người tham gia mạng lưới
bán hàng đa cấp trái quy định là “nạn nhân” đầu tiên của kiểu “bán hàng cắt cổ”.
Họ chấp nhận bị “cắt cổ” để “có cơ hội cắt cổ” người khác nhằm được hưởng hoa
hồng và với hy vọng tạo một mạng lưới “hoành tráng”, ở không chờ… tiền chảy vô
túi! Rất nhiều người bị chính người thân, bạn bè của mình “cắt cổ” theo kiểu
“dây chuyền” nhưng có khi chẳng “gỡ gạc” được đồng bạc “hoa hồng” nào, như
trường hợp một giáo viên ở Tân Biên đã phản ánh với phóng viên.
“Cấm doanh nghiệp
bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: Yêu cầu người muốn
tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa
cấp. Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hoá ban
đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Yêu cầu người
muốn tham gia phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình
thức khoá học, khoá đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt
động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp,
trừ tiền mua tài liệu theo quy định… Cho người tham gia nhận tiền
hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác
tham gia bán hàng đa cấp. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của
việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia
bán hàng đa cấp. Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng
của hàng hoá để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…”, Nghị
định 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định. |
HOÀNG THI