Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hầu hết các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch đều cho rằng, đây là hình thức kinh doanh tốn kém và khó duy trì nếu không có nguồn khách hàng ổn định. Khó khăn lớn nhất là xây dựng được niềm tin về thực phẩm sạch với người tiêu dùng.
Cửa hàng TaniG.A.P ở thành phố Tây Ninh.
Anh Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) RAT Rỗng Tượng (xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) cho biết, HTX có 10 thành viên tham gia sản xuất với diện tích 4 ha, sản lượng đạt 25 tấn/ha/vụ. Năm 2013, HTX được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Để từng bước tạo dựng nhãn hiệu rau sạch của HTX và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, mới đây, HTX được UBND huyện hỗ trợ một điểm kinh doanh RAT tại xã Phước Đông và một điểm bán rau sạch tại thị trấn Gò Dầu. HTX phải bỏ ra hơn 150 triệu đồng để xây dựng và đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc mua bán.
Anh Vinh chia sẻ, nhận thức của người tiêu dùng về rau sạch chưa cao, họ chỉ chú trọng mẫu mã tốt hay xấu chứ chưa quan tâm đến chất lượng. Trong khi đó, rau sạch được người trồng hạn chế phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nên nhìn không bắt mắt, nhưng bù lại, chất lượng bảo đảm an toàn.
Đó là hạn chế khiến RAT không được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo anh Vinh, trên địa bàn huyện có khoảng 80% người tiêu dùng không phân biệt được RAT với các loại rau thường. Vì vậy, mỗi ngày, cửa hàng chỉ bán được 10kg mướp, 5-8kg dưa leo, 4kg khổ qua, 2kg đậu bắp...
Hiện cả hai cửa hàng của HTX đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Trước khó khăn của cửa hàng, HTX phải kinh doanh một số mặt hàng nhu yếu phẩm để giữ chân người tiêu dùng và bù lỗ vào số rau không bán được mỗi ngày.
Hầu hết các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch đều cho rằng, đây là hình thức kinh doanh tốn kém và khó duy trì nếu không có nguồn khách hàng ổn định. Khó khăn lớn nhất là xây dựng được niềm tin về thực phẩm sạch với người tiêu dùng. Thực tế, giá bán RAT được các cửa hàng áp dụng với mức bằng hoặc thấp hơn giá rau thường, nên chưa đủ để bù đắp chi phí thuê mặt bằng.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh- Giám đốc Công ty CP Doanh nhân Tây Ninh - lãnh đạo quản lý trực tiếp hệ thống cửa hàng TaniG.A.P, công ty là đơn vị trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, kinh doanh thực phẩm an toàn với thương hiệu TaniG.A.P. Trong quá trình hoạt động, công ty gặp không ít khó khăn. Trước hết là chi phí đầu tư trong sản xuất, bảo quản thực phẩm an toàn cao hơn so với những thực phẩm khác, nên giá bán rau sạch thường cao hơn giá rau bình thường.
Bà Hạnh cho biết thêm, một thực trạng đáng quan ngại là có nhiều cửa hàng tự ý gắn nhãn mác thực phẩm sạch cho sản phẩm thông thường, gây mất uy tín với người tiêu dùng.
Trong khi đó, người tiêu dùng cho rằng, kiểu kinh doanh rau sạch hay RAT như hiện nay khiến người tiêu dùng không thể nhận biết, phân biệt được với rau củ thông thường. Bởi quan sát bằng mắt thường, chỉ thấy điểm khác biệt duy nhất giữa quầy RAT với các sạp rau khác là tấm biển. Thực tế này cũng lý giải phần nào việc người tiêu dùng hoài nghi và chưa thực sự quan tâm tới mặt hàng rau sạch.
Theo ông Lê Hoàng Nam- Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Trạng Tây Ninh, việc kinh doanh nông sản sạch đòi hỏi phải bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phải chọn những nhà cung ứng có giấy chứng nhận về sản xuất rau sạch, an toàn.
Từ khi đầu tư hệ thống cửa hàng kinh doanh nông sản sạch, Nam Trạng đã gặp khó khăn trên tất cả các lĩnh vực như nguồn cung cấp, phương thức sơ chế, bảo quản...
Do áp dụng theo tiêu chuẩn HACCP (những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát tất cả các mối nguy hại để được thành phẩm an toàn đến với người tiêu dùng) nên tất cả các nhà cung cấp sản phẩm đều phải được đánh giá khắt khe.
Riêng ở bước này, Nam Trạng đã loại rất nhiều nhà cung cấp; sau đó phải test sản phẩm lần đầu trước khi nhập hàng và test sản phẩm theo định kỳ. Trong quá trình nhập hàng, Nam Trạng cũng loại bỏ không ít sản phẩm nhà cung cấp giao hàng không đúng chất lượng.
Ông Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là việc tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
THANH NHI