BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kinh tế hợp tác xã- chơi vơi trên đường phát triển (2)

Cập nhật ngày: 23/09/2009 - 05:30

>>> Kỳ trước

Ở Tây Ninh, từ tháng 6.2002, Tỉnh uỷ đã có Kế hoạch số 32-KH/TU thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Sau đó, UBND tỉnh ra Quyết định số 78/2002/QĐ-UB (tháng 7.2002) ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) và Kế hoạch 32-KH/TU của Tỉnh uỷ. Trong Chương trình hành động có nêu mục tiêu phát triển cụ thể từng lĩnh vực, đồng thời cũng nêu rất cụ thể các chính sách khuyến khích HTX phát triển. Thế nhưng vì sao đến nay các HTX vẫn cứ chơi vơi?

Nhiều HTX vận tải đang thuê trụ sở làm việc.

Thực tế, hiện tại trong các loại hình kinh tế tập thể ở Tây Ninh thì hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là hoạt động bài bản và ổn định nhất. Toàn tỉnh hiện có 18 QTDND đang hoạt động với hơn 23.000 thành viên. Cuối năm 2008, tổng dư nợ cho vay của 18 QTDND đạt hơn 281 tỷ đồng. Trong đó cho vay sản xuất nông nghiệp đạt hơn 165 tỷ đồng- chiếm đến gần 59% tổng dư nợ. Sở dĩ hệ thống QTDND hoạt động có hiệu quả là do có “bà đỡ” là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tất cả mọi hoạt động của QTDND- từ Ban chủ nhiệm, Ban kiểm soát đến nguồn vốn đều có sự hỗ trợ của NHNN. Khi QTDND có vướng mắc, khó khăn gì, lập tức được NHNN hỗ trợ, chấn chỉnh ngay. Tuy nhiên, ngoài hệ thống QTDND ra thì hầu như tất cả các HTX hoạt động ở tất cả các lĩnh vực đều đang gặp khó khăn.

Đánh giá đầu tiên của Liên minh HTX tỉnh về nguyên nhân khiến cho các HTX hoạt động không hiệu quả là “năng lực của HTX còn yếu, quy mô nhỏ bé, tài sản và vốn còn thấp…”. Thực vậy, hầu hết các HTX khi thành lập chẳng có tài sản gì ngoài vốn điều lệ đóng góp từ xã viên chỉ khoảng… vài triệu đồng. Thế mà cũng có HTX chẳng có cả vốn điều lệ. Với tiềm lực như vậy thì HTX “èo uột” là tất nhiên. Theo nhận định của một số địa phương thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “èo uột” của không ít HTX là do bị “đẻ non”. Một số địa phương khi lập chỉ tiêu phát triển HTX chỉ dựa vào “định hướng tăng số lượng HTX” chứ không dựa vào thực tế, vào nhu cầu của người dân địa phương, nên chỉ tiêu phát triển HTX không khả thi. Thế nhưng khi đã đặt ra chỉ tiêu thì cũng phải cố gắng hoàn thành. Từ đó thực tế có không ít HTX chưa hội đủ các điều kiện để ra đời, nhưng do cần phải đạt chỉ tiêu nên cứ phải ráng cho ra đời. Chính vì thế mới có tình trạng không ít HTX chỉ tồn tại trên… hình thức, hoặc chỉ hoạt động được một thời gian ngắn là ngưng- thậm chí có HTX ngưng hoạt động ngay sau khi ra đời như HTX Thành Công, HTX Ngọc Thanh ở huyện Dương Minh Châu.

Thế còn những HTX hội đủ điều kiện khi ra đời, vì sao vẫn hoạt động khó khăn, ì ạch? Theo đánh giá của các địa phương, các sở, ngành liên quan thì nguyên nhân chính là do các HTX chưa được hưởng các chính sách khuyến khích đúng như chủ trương đề ra. Chương trình hành động của UBND tỉnh có nêu cụ thể các chính sách khuyến khích HTX phát triển như: chính sách cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính- tín dụng; chính sách hỗ trợ về khoa học- công nghệ; chính sách hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường; chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Thế nhưng sau 7 năm triển khai thực hiện chương trình, các HTX chỉ mới được hỗ trợ một phần từ chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Theo Liên minh HTX tỉnh thì từ năm 2006 đến nay, nguồn kinh phí đã chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực phát triển HTX được khoảng hơn 700 triệu đồng. Còn lại các chính sách khác thì hầu như chưa có gì đáng kể. Cụ thể như về chính sách tài chính- tín dụng, trong Chương trình hành động nêu: “…Các tổ chức kinh tế tập thể được vay vốn từ các chương trình, dự án quốc gia… Xây dựng các Quỹ hỗ trợ phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho kinh tế tập thể, các tổ chức tín dụng tăng mức cho vay và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn đối với hộ và tổ hợp tác, HTX; các HTX được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn ngân hàng, được vay vốn bằng tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả…”. Thế nhưng thực tế không dễ tiếp cận được với nguồn vốn vay. Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tất cả các HTX nông nghiệp đều có nhu cầu vay vốn, nhưng thực tế không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp. Còn vay theo dự án thì cũng bị từ chối do qua khâu thẩm định quá nhiêu khê và thường bị từ chối cho vay với lý do dự án không hiệu quả. Về chính sách đất đai, Chương trình hành động có nêu: “Nhà nước giao đất không thu tiền và khẩn trương cấp giấy chứng nhận QSDĐ để xây dựng trụ sở, làm cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với HTX nông nghiệp…”. Thế nhưng đến nay, hầu như chưa HTX nông nghiệp nào được giao đất- chỉ để làm trụ sở chứ chưa nói đến làm cơ sở sản xuất. Đất chưa được cấp thì lấy đâu mà cấp giấy chứng nhận QSDĐ. (Chỉ duy nhất có HTX Bến Cừ ở Châu Thành được giao đất sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ vài năm thì bị chính quyền địa phương thu hồi để cho công đoàn xã trồng cao su (?!)-BT). Còn các chính sách khác như hỗ trợ về khoa học- công nghệ thì 7 năm qua chưa hề được triển khai.

Riêng bộ phận quản lý nhà nước về kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng thì còn quá thiếu. Phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng hiện tại ở cấp tỉnh chỉ có một số rất ít sở, ngành là có cán bộ chuyên trách HTX thuộc lĩnh vực đơn vị mình phụ trách, còn hầu hết chỉ là cán bộ kiêm nhiệm. Ngay cả ở Sở Kế hoạch và Đầu tư- cơ quan chủ yếu quản lý nhà nước về HTX mà còn chỉ có “nửa người” theo dõi lĩnh vực HTX do phải kiêm nhiệm công việc khác. Còn ở cấp huyện, thị thì đến nay cả cán bộ kiêm nhiệm cũng không có. Trong báo cáo tình hình kinh tế- xã hội ở các địa phương, lĩnh vực kinh tế tập thể- HTX hầu như không được đề cập hoặc có đề cập thì cũng sơ sài. Các chính sách khuyến khích HTX phát triển không tiếp cận được, cộng với hệ thống quản lý nhà nước thiếu hụt như vậy thì việc các HTX “chơi vơi” trên đường phát triển là tất yếu.

HTX nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân - Thị xã cũng gặp khó khăn.

Vì sao chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động và Luật HTX đã có nhiều năm qua nhưng thực tế lại chưa đi vào cuộc sống? Một số ngành liên quan cho rằng các chính sách khuyến khích HTX thực tế liên quan đến nhiều ngành, nhưng đến nay do một số bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa biết phải áp dụng ra sao. Tuy nhiên, theo một số cán bộ đã từng đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế hợp tác- HTX ở một số tỉnh bạn cho biết thì có tỉnh tuỳ tình hình thực tế địa phương đã vận dụng thoáng hơn một số chính sách khuyến khích đối với HTX về tín dụng, về đất đai. Riêng về khâu quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng thì trong khu vực Đông Nam bộ đã có tỉnh hình thành hệ thống từ tỉnh đến xã theo mô hình: cấp tỉnh có bộ phận chuyên trách; cấp huyện, thị có cán bộ chuyên trách; cấp xã có cán bộ kiêm nhiệm và các sở, ngành liên quan đều có cán bộ theo dõi các HTX hoạt động lĩnh vực ngành mình phụ trách.

Nên chăng, tỉnh ta tổ chức hội nghị chuyên đề về thực trạng phát triển HTX trên địa bàn tỉnh, mời một số chuyên gia lĩnh vực kinh tế hợp tác tham dự để cùng tìm ra giải pháp hữu hiệu tạo điều kiện tốt nhất cho HTX phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

SƠN TRẦN