Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và tập trung phát triển thành phần kinh tế tập thể, trong đó chủ yếu là các hợp tác xã (HTX). Thế nhưng qua đợt giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, thực tế cho thấy đã... không như mong muốn.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và tập trung phát triển thành phần kinh tế tập thể, trong đó chủ yếu là các hợp tác xã (HTX). Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khoá IX vào tháng 3.2002 đã có Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tháng 6.2002, Tỉnh uỷ Tây Ninh cũng đã có Kế hoạch số 32-KH/TU thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khoá IX. Tháng 11.2003, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật HTX. Từ đó đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có nhiều nỗ lực phát triển HTX. Thế nhưng qua đợt giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, thực tế cho thấy đã... không như mong muốn.
Ban chủ nhiệm HTX Tân Long phải... mượn văn phòng ấp để làm việc với Đoàn giám sát. |
Theo con số thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì trong 7 năm qua, số lượng và chất lượng HTX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tăng đáng kể. Đầu năm 2003 toàn tỉnh Tây Ninh có 59 HTX, đến cuối năm 2008 tăng thêm 36 HTX. Nhiều địa phương có số lượng HTX tăng khá là: Châu Thành- tăng 12 HTX; Trảng Bàng- tăng 9 HTX; Tân Châu- tăng 6 HTX; Hoà Thành- tăng 5 HTX… Lĩnh vực hoạt động của các HTX ngày càng đa dạng, quy mô đầu tư được mở rộng, chất lượng hoạt động nhiều HTX được nâng cao, số lượng xã viên tăng, tài sản, vốn, quỹ các HTX cũng tăng. Liên minh HTX và Sở Kế hoạch và Đầu tư có cùng nhận xét là cùng với sự ra đời nhiều HTX mới thì cũng có một số HTX cũ ngưng hoạt động hoặc giải thể vì hoạt động kém hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh nhọc nhằn hơn nhiều. Xin nêu thực trạng hoạt động của các HTX ở huyện Dương Minh Châu và cụ thể ở một HTX được đánh giá là “điển hình tiên tiến trong phong trào phát triển kinh tế tập thể” để thấy rõ hơn sự nhọc nhằn này. Ông Nguyễn Mộng Tín- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã thành lập được 11 HTX, trong đó có 9 HTX dịch vụ nông nghiệp, 1 HTX giao thông vận tải và 1 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Nếu so sánh hoạt động của 11 HTX đã ra đời với các tiêu chí của Luật HTX thì sẽ cho thấy nhiều điều đáng lo ngại- thậm chí là vi phạm luật. Cụ thể, về xã viên thì trong 11 HTX chỉ có 2 HTX giữ vững hoặc tăng số lượng, còn 9 HTX giảm dần. Về vốn điều lệ thì có đến 5 HTX không góp vốn điều lệ, 3 HTX có góp vốn điều lệ nhưng không hoạt động, chỉ có 3 HTX có góp vốn điều lệ và thực sự đang hoạt động. Về bộ máy quản lý thì có đến 8 HTX không có kế toán, chỉ có 3 HTX là có kế toán. Sau khi ra đời một thời gian thì có 8 HTX không trả lương nổi cho bộ máy quản lý, trong đó có 6 HTX phải ngưng hoạt động vì khó khăn tài chính và 2 HTX ngưng hoạt động ngay sau khi… thành lập.
Từ thực trạng này, trong năm 2008 huyện Dương Minh Châu đã tiến hành giải thể bắt buộc 4 HTX và hiện nay đang tiến hành giải thể tiếp 4 HTX nữa. Như vậy, trong 11 HTX đã thành lập ở huyện Dương Minh Châu thì hiện nay chỉ còn có 3 HTX đang hoạt động là QTDND thị trấn Dương Minh Châu, HTX Vận tải Minh Châu và HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Long.
Thực trạng hoạt động HTX ở các huyện khác trên địa bàn tỉnh có thể có khác hơn ở huyện Duơng Minh Châu, nhưng chắc chắc là không thể khác hoàn toàn. Hiện tại ở nhiều huyện khác cũng có không ít HTX đã ngưng hoạt động nhưng chưa giải thể, hoặc chỉ đang hoạt động cầm chừng. Như huyện Bến Cầu chẳng hạn, toàn huyện chỉ có 3 HTX nhưng đã có 2 HTX ngưng hoạt động, trong đó có 1 HTX đã làm đơn xin giải thể. Đó là thực trạng chung. Còn thực trạng hoạt động cụ thể ở từng HTX thì sao?
Xin lấy HTX Tân Long ở xã Phan, huyện Dương Minh Châu làm điển hình. Đây là HTX dịch vụ nông nghiệp được đánh giá là hoạt động có hiệu quả nhất, đã từng được chọn là HTX điển hình tiên tiến trong phong trào phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Tuy nhiên, khi đến thăm và tìm hiểu kỹ mới thấy thực chất HTX này cũng không mấy khác những HTX khác.
Ông Lâm Uyên Nhu- Chủ nhiệm HTX Tân Long mở đầu và kết thúc cuộc trao đổi cũng bằng một câu nói “HTX hoạt động với vô vàn khó khăn”. Thực trạng chúng tôi nhìn thấy trước tiên là HTX Tân Long không có trụ sở, Chủ nhiệm phải tiếp chúng tôi tại một văn phòng ấp. Từ khi thành lập 7 năm trước cho đến nay HTX Tân Long toàn thuê, mượn nơi làm trụ sở. Hiện tại địa phương cho mượn 1 phòng học trống để làm trụ sở, nhưng HTX chưa có tiền sửa chữa và cũng chưa có cái bàn, cái ghế nào. Một HTX làm ăn được xếp loại điển hình tiên tiến cho phong trào phát triển kinh tế tập thể cả tỉnh mà cơ ngơi vẫn còn “bết bát” như vậy thì quả là điều rất đáng băn khoăn.
Ông Nhu cho biết thêm HTX có chi trả lương đều đặn cho bộ máy quản lý- gồm Ban chủ nhiệm và Ban kiểm soát, nhưng với mức khá thấp: Chủ nhiệm hưởng lương khoảng 850.000 đồng/tháng, các thành viên khác chỉ khoảng 650.000 đồng/tháng trở xuống. Với mức lương này thì “làm việc chủ yếu bằng tấm lòng đối với HTX” như lời ông Nhu là chính xác. Tuy nhiên, HTX là một tổ chức kinh tế thì hiệu quả hàng đầu phải là hiệu quả kinh tế, là thu nhập, chứ còn làm việc vì “tấm lòng” thì tuy đáng quý nhưng chỉ có thể đáp ứng trong giai đoạn nhất thời nào đó và rất khó có thể làm HTX phát triển bền vững được.
Riêng về hiệu quả hoạt động thì sao? Chủ nhiệm Nhu cho biết HTX chủ yếu hoạt động dịch vụ các lĩnh vực: cày bừa, thu hoạch mía và xe vận chuyển mía về nhà máy. Đầu vụ sản xuất, các xã viên làm hợp đồng với Ban chủ nhiệm HTX diện tích trồng mía. Ban chủ nhiệm đại diện xã viên liên hệ nhà máy ký hợp đồng đầu tư trồng mía lấy vốn về phân bổ lại cho xã viên. Ban chủ nhiệm hợp đồng với lực lượng xe máy, tổ chức cày bừa đất và vận chuyển mía, đồng thời tìm nguồn nhân công tổ chức thu hoạch mía. Khi thanh toán, HTX trừ các khoản chi phí cày kéo, vận chuyển, nhân công, đồng thời trích thu chi phí 5.500 đồng mỗi tấn mía, còn lại trả cho xã viên.
Chỉ có các Quỹ tín dụng nhân dân là hoạt động khá ổn định. |
Từ nguồn thu dịch vụ đầu tấn, dịch vụ xe vận chuyển mía và hoa hồng dịch vụ phân bón, Ban chủ nhiệm chi lương và các khoản chi phí hoạt động, thuê trụ sở và làm công tác xã hội. Xã viên của HTX Tân Long không phải tự chạy lo các khoản vốn đầu tư, tìm máy cày, kéo, tìm công thu hoạch… do đã có Ban chủ nhiệm HTX lo giúp, nhưng phải chịu chi phí cho Ban chủ nhiệm hoạt động tính trên đầu tấn mía. Nhìn góc độ “hợp tác” thì hoạt động này gần giống như hoạt động “đầu công” chứ chưa hoàn toàn đúng nghĩa kinh tế hợp tác.
Chính vì thế trong 7 năm hoạt động, xét về mặt kinh tế thì HTX không phát triển được bao nhiêu. Cụ thể xã viên của HTX có vào, có ra nhưng số lượng cũng chỉ trên dưới 100- không tăng hơn so với những năm trước đây, diện tích trồng mía đăng ký với Ban chủ nhiệm nhiều năm qua cũng chỉ trên dưới 150 ha và năng suất mía thì cũng chỉ xấp xỉ bằng với những hộ không vào HTX. Cho đến nay, tài sản của HTX chẳng có gì - ngoài khoản vốn điều lệ 10 triệu đồng và 18 triệu đồng tiền tồn quỹ. Như vậy, hiệu quả thực sự của HTX Tân Long trong thời gian qua chỉ là nỗ lực để tồn tại mà hạt nhân là sự tồn tại của Ban chủ nhiệm, chứ chưa phải là thực sự có hiệu quả về kinh tế.
Nêu thực trạng ở HTX Tân Long để thấy rằng ở một HTX được đánh giá là điển hình tiên tiến mà còn khó khăn như vậy thì những HTX được đánh giá là bình thường thực tế sẽ như thế nào? Vì sao thành phần kinh tế tập thể được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc mà trong những năm qua chỉ có các QTDND là hoạt động tương đối ổn định, còn hầu hết các HTX lại chơi vơi như vậy?
Sơn TrẦn
(còn tiếp)