Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giai đoạn 2016 - 2020:
Kinh tế phát triển nhanh, toàn diện, đạt nhiều thành tựu nổi bật
Thứ hai: 00:37 ngày 05/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một trong những thành tựu đáng chú ý của Tây Ninh giai đoạn 2016-2020 là tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,2%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,68 lần so với giai đoạn trước.

Một công trình phục vụ du lịch trên đỉnh núi bà Ðen.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt là 3MW, 9 nhà máy điện năng lượng mặt trời với tổng công suất vận hành là 678 MWp và 1 nhà máy điện sinh khối với công suất lắp đặt 37MW.

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,51 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 76,9% trong GRDP. Công nghiệp tăng trưởng khá và đóng góp cao cho tăng trưởng kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,4%; công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến được hình thành. Công nghiệp điện năng phát triển mạnh, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời.

Trong giai đoạn này, tỉnh tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, gắn sản xuất, chế biến với xuất khẩu; chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết sản xuất, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô lớn và an toàn sinh học; phát huy năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tỉnh cũng quan tâm đầu tư hạ tầng nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thích ứng và hạn chế tác động tiêu cực từ thời tiết, dịch bệnh; nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển các loại rừng, từng bước gắn với phát triển du lịch sinh thái. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thu ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.

Bên cạnh đó, thương mại - dịch vụ và du lịch có nhiều khởi sắc. Xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Tỉnh chú trọng tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Hệ thống bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích…) được hình thành ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Các loại hình dịch vụ: bưu chính viễn thông, vận tải công cộng (xe bus, taxi), dịch vụ lưu trú, ăn uống… phát triển nhanh. Hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn đang được hình thành.

Tỉnh đặc biệt chú trọng việc tăng cường hợp tác, liên kết vùng trong phát triển du lịch. Thời gian gần đây, sản phẩm du lịch của tỉnh phong phú, đa dạng hơn, từng bước hình thành và kết nối chuỗi giá trị. Hiện tại, tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen trở thành tâm điểm kết nối, lan toả du lịch địa phương. Năm 2020, du lịch của tỉnh chịu sự tác động lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng mức tăng trưởng bình quân 5 năm vẫn đạt cao hơn giai đoạn trước cả về doanh thu và lượng khách du lịch.

Ðáng chú ý là tốc độ thu ngân sách hằng năm tăng bình quân 9,9%/năm, tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2010-2015. Dự kiến năm 2020, thu ngân sách tiệm cận 10.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, việc điều hành ngân sách ở tỉnh chặt chẽ, đúng quy định, hiệu quả và tiết kiệm; huy động và sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển tập trung, hiệu quả, khắc phục về cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Tỷ lệ đầu tư toàn xã hội bình quân giai đoạn 2015-2020 chiếm 37,5% GRDP, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Doanh nghiệp có bước phát triển; kinh tế hợp tác, hợp tác xã được quan tâm củng cố. Giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2010-2015. Cụ thể, trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh có 2.800 doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn điều lệ là 26.000 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp FDI là 120 doanh nghiệp với số vốn điều lệ khoảng 500 triệu USD.

Cơ cấu doanh nghiệp thành lập mới bao gồm: công nghiệp - xây dựng chiếm 34%, thương mại - dịch vụ chiếm 62% và nông - lâm - thuỷ sản chiếm 4%. Tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế khoảng 5.000 doanh nghiệp.

Một điểm nổi bật của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 là thu hút đầu tư tăng mạnh, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao. Ðầu tư trong và ngoài nước tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2010-2015.

Ðến năm 2020, toàn tỉnh có 552 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 77.943,06 tỷ đồng và 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 7,77 tỷ USD. Các dự án đầu tư trong và ngoài nước là nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng cao trong thời gian qua.

Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (cầu, đường) được chú trọng đầu tư, đạt kết quả quan trọng. Tỉnh đa dạng hoá các nguồn lực; tập trung đầu tư có trọng điểm các tuyến đường giao thông huyết mạch mang tính kết nối vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ phê duyệt chủ trương phát triển dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, tạo sự đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại quốc gia.

Song song đó, tỷ lệ đô thị hoá tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, đạt 41,8%. Tỉnh chú trọng phát triển nhà ở đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Một số dự án phát triển nhà ở được đầu tư, tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố Tây Ninh và một số huyện, thị xã. Năm 2020, thành phố Tây Ninh cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II, huyện Trảng Bàng và huyện Hoà Thành được công nhận là đô thị loại IV và trở thành thị xã.

An Khang

Toàn tỉnh có 4 nhà máy chế biến đường, đạt công suất 15.800 tấn/ngày; 65 nhà máy chế biến tinh bột mì (sắn), đạt công suất 6,4 triệu tấn củ/năm; 23 nhà máy chế biến mủ cao su, đạt công suất 48.000 tấn nguyên liệu/năm; 20 nhà máy chế biến hạt điều, đạt công suất 20.000 tấn/năm và 1 nhà máy chế biến rau, củ quả với công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày.

Cây lúa có tỷ lệ cơ giới hoá cao nhất- đạt 100% cơ giới hoá đối với khâu làm đất; 2,5% đối với khâu gieo, cấy; 65%-70% đối với khâu chăm sóc; 80%-90% đối với khâu thu hoạch và vận chuyển.

 Cây mía có tỷ lệ cơ giới hoá 99% đối với khâu làm đất, 25%-35% đối với khâu chăm sóc, 14% đối với khâu thu hoạch và 99% đối với khâu vận chuyển. Cây mì với 96% cơ giới hoá đối với khâu làm đất, 15%-30% đối với khâu chăm sóc, 3% đối với khâu thu hoạch và 97% đối với khâu vận chuyển.

Ngoài ra, các vườn cây ăn trái cũng có xu hướng cơ giới hoá trên nhiều khâu chăm sóc với các loại máy: xới cỏ; tưới phun, tưới nhỏ giọt; hệ thống tưới phân, thuốc; phun thuốc bảo vệ thực vật, xử lý ra hoa bằng máy. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đất trồng trọt đến năm 2020 đạt 100 triệu đồng/ha, tăng 15,7% so với năm 2016.

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục