Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kinh tế số có sự cải thiện đáng kể
Thứ tư: 22:31 ngày 16/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hoạt động “kinh tế số” năm 2022 của Tây Ninh đạt 0,56 điểm, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố.

Nhân viên ngân hàng hướng dẫn một chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Tây Ninh tạo điểm quét mã QR cho khách hàng (ảnh: Tâm Giang)

Ngày 12.7, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đánh giá xếp hạng Chuyển đổi số cấp tỉnh (chỉ số DTI), Tây Ninh xếp hạng thứ 40, tăng 4 bậc so với năm 2021. Trong đó, hoạt động “kinh tế số” năm 2022 của Tây Ninh đạt 0,56 điểm, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố.

Theo kết quả này, kinh tế số năm 2022 của tỉnh được xếp hạng ở mức khá tốt, có sự cải thiện đáng kể so với năm 2021 (năm 2021 đạt 0,248 điểm, xếp hạng 58).

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số là 3,6% tương đương 1.220 doanh nghiệp; số lượng tên miền .vn trên địa bàn tỉnh là 1.384, đạt 33,8%; 100% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.

Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Tây Ninh hiện có 4 sàn TMĐT gồm sàn Postmart do Bưu điện quản lý; sàn Voso do Bưu chính Viettel quản lý; sàn sannongsan.tayninh.gov.vn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; sàn tayninhtrade.com do Sở Công Thương quản lý. Tuy nhiên, hoạt động của các sàn TMĐT trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa đạt hiệu quả cao.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện số liệu về tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đang chờ Tổng cục Thống kê cung cấp; trước đó năm 2021 tỷ trọng này mới chỉ đạt 1,97%.

Do công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh về chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số chưa nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn chưa quan tâm đến việc chuyển đổi số mà duy trì quản lý, tổ chức theo truyền thống. Trong khi đó, đa số người dân Tây Ninh vẫn giữ thói quen mua bán truyền thống, sử dụng tiền mặt trong giao dịch.

Về nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động kinh tế số trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thúc đẩy tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số, tiếp cận và tham gia chương trình SMEdx; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; thúc đẩy và xác định tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử hằng năm.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai giải pháp thúc đẩy giao dịch trên sàn TMĐT nhằm tăng tỷ lệ các giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, tăng tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ.

Phương Thuý

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục