Công nghệ   Chuyển đổi số

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kinh tế số Việt Nam: quá giang hay tự bước?

Cập nhật ngày: 06/12/2022 - 12:13

Chúng ta có thể đứng trên vai hay quá giang người khổng lồ, ít ra là trong ngắn hạn. Đương nhiên, khó tính toán về tương lai nếu nền kinh tế luôn khoác chiếc áo quá rộng.

Sự thật và một sự thật khác

Viễn cảnh xán lạn cho nền kinh tế số của Việt Nam tiếp tục được củng cố bởi những thống kê, dự báo lạc quan. Cuối tháng 10-2022, báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temaisek và Bain&Company công bố thể hiện, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng khoảng 28% từ 18 tỉ đô la Mỹ năm 2021 lên 23 tỉ đô la Mỹ năm 2022.

Kịch bản tăng trưởng xấp xỉ 30% của kinh tế số đã được nêu ra tại một cuộc tọa đàm bên lề sự kiện Binance Blockchain Week Paris 2022 giữa tháng 9-2022 và triển vọng lĩnh vực kinh tế này sẽ đứng thứ 2 khu vực, đạt giá trị 57 tỉ đô la Mỹ cũng được xác nhận.

Chủ công trong sự tăng trưởng này là thương mại điện tử, hiện tượng không khó dự đoán với một thị trường gần 100 triệu dân vô cùng đặc biệt: số lượng người dùng Internet lớn (70,3% dân số, thời lượng sử dụng hơn 6 tiếng/ngày), số lượng người dùng điện thoại thông minh xấp xỉ 66,7% theo thống kê năm 2021; nhạy cảm với công nghệ, các xu hướng mua sắm mới và đang có nhiều đặc điểm của một xã hội tiêu dùng.

Thế nhưng, chúng ta vẫn phải đối diện với nhiều câu hỏi: Nền tảng nào đang thống lĩnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam? Sản phẩm được lưu thông trên “chợ số” của nhà sản xuất nào?…

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tới tháng 10-2022, 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Việt Nam là Shopee (Singapore), Lazada (Trung Quốc), Grab (Malaysia), Beamin (Hàn Quốc), Tiki (Việt Nam), Gojek (Indonesia), Sendo (Việt Nam), Foody/ShopeeFood (tiền thân là doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sea của Singapore, công ty mẹ của Shopee mua 82% cổ phần năm 2017), Be (Việt Nam), AhaMove (Việt Nam).

Dẫu có vui mừng về thành tích tăng trưởng của khu vực này, cũng cần đồng thời nhớ lại kinh nghiệm đã trải qua trong việc thu hút FDI, thảm đỏ mang đến phần lớn hoa lợi cho bên đối tác còn chúng ta vẫn đang xoay xở vượt qua “phận gia công”.

Bốn cái tên trong tốp 10 chỉ có thể là một niềm an ủi liều nhẹ nếu so sánh với thị phần từng nhóm ngành mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ (chẳng hạn, cả Tiki và Sendo chỉ chiếm 6,2% thị phần mua sắm trực tuyến năm tháng đầu năm 2022, theo nghiên cứu của Metric.vn), mức độ phụ thuộc của các doanh nghiệp logistics thương mại điện tử với các ông lớn thương mại điện tử nước ngoài.

Về hàng hóa được giao dịch trong các sàn mua sắm trực tuyến, khi định nghĩa “thế nào là hàng Việt” chưa thống nhất, rất khó để bình tĩnh, tự tin trước thực trạng “các ngôi chợ số” vẫn tiếp tục gánh lỗ để phát triển thị phần tại Việt Nam. Xu hướng mua hàng ngoại tại sàn thương mại điện tử nội đã xuất hiện và tương lai, nó chỉ có thể mạnh lên. Đối với các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, cũng như mua bán trực tiếp, quyền lực và phần nhiều lợi nhuận nằm trong các khâu phân phối.

Như vậy, phải chấp nhận cả giả thiết, những lời mời chào, tư vấn, đoán định về sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử Việt Nam nói riêng và kinh tế số Việt Nam nói chung đến từ kỳ vọng thống lĩnh mảng kinh doanh màu mỡ này bao gồm sự thâm nhập về thị trường, công nghệ, hàng hóa…

Vì vậy, dẫu có vui mừng về thành tích tăng trưởng của khu vực này, cũng cần đồng thời nhớ lại kinh nghiệm đã trải qua trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thảm đỏ mang đến phần lớn hoa lợi cho bên đối tác còn chúng ta vẫn đang xoay xở vượt qua “phận gia công”.

Từ thống kê của Việt Nam

Một tài liệu đăng tải trên Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông mô tả kinh tế số Việt Nam với quy mô lớn và phạm vi toàn diện hơn. Theo đó, năm 2020, giá trị của kinh tế số ước tính đạt khoảng 163 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 8,2% GDP, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/viễn thông (công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông) đạt 126 tỉ đô la, kinh tế số Internet/nền tảng (các hoạt động kinh doanh dựa trên Internet) đạt 14 tỉ đô la và kinh tế số/lĩnh vực (các hoạt động kinh tế dựa trên việc áp dụng các công nghệ số, nền tảng số vào các ngành, lĩnh vực truyền thống) đạt khoảng 23 tỉ đô la.

Vậy nhưng, thực tế rút ra từ cách thống kê này không có gì mới mẻ. Trong cấu phần kinh tế số ICT/viễn thông, lĩnh vực xuất khẩu phần cứng và điện tử là trụ cột, thông tin không gây bất ngờ bởi theo báo cáo của HSBC, từ năm 2021, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới (chiếm 13% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu).

Vai trò tiên quyết và không thể thiếu của khối FDI không dễ thay đổi, thậm chí, còn tăng thêm khi xu hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử vẫn vững vàng.

Tất nhiên, đây là điều may với mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP của Việt Nam năm 2025, dù rằng, đi theo con đường này không khác nhiều việc quá giang xe của người khổng lồ. Như phân tích ở trên, tình trạng phát triển của cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng có rất nhiều nét tương tự.

Với cấu phần kinh tế số/lĩnh vực, có thể hình dung từ một ngành cụ thể, ví dụ, nông nghiệp thông minh. Chuyển đổi số sẽ đòi hỏi hai yếu tố: đầu tư công nghệ và đầu ra cho sản phẩm, điều rất khó thực hiện, đặc biệt khi chúng ta chưa thể chủ động hơn về thị trường. Thu hút FDI để hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp là vấn đề đã được đề cập một cách nghiêm túc, có điều, chúng ta đều ý thức rõ những hạn chế của lựa chọn này.

Nghiên cứu “Một số phương pháp đo lường tác động của kinh tế số” của TS. Bùi Trinh tháng 3-2022 giúp làm rõ nét hơn bức tranh hiện tại của kinh tế số Việt Nam. Trong các năm 2012, 2016 và 2019, tỷ lệ lan tỏa của kinh tế số tới sản lượng lần lượt là 1,52; 1,65 và 1,63 lần trong khi lan tỏa giá trị tăng thêm lần lượt là 0,33; 0,48 và 0,43 lần, thấp hơn nhiều nhóm ngành nông lâm – thủy sản và dịch vụ.

Trong khi đó, lan tỏa tới nhập khẩu của kinh tế số qua ba năm là 0,54; 0,56 và 0,57 lần, cao hơn nhiều so với mức giao động 0,2-0,39 lần của hai nhóm ngành kia. Theo tác giả, điều này chứng tỏ hàm lượng trí tuệ trong nhóm ngành kinh tế số không cao, nếu không muốn nói là thấp và cơ bản làm gia công.

Một đề bài mới

Rõ ràng, định dạng được chờ đợi hơn tất thảy là nền kinh tế số Việt Nam tự bước được bằng đôi chân của mình trên các nền tảng công nghệ được thế giới cùng chia sẻ (Internet, hệ thống thanh toán quốc tế, định vị GPS…).

Dù chiếm thị phần tương đối khiêm tốn, Tiki, Sendo, AhaMove hay Be đang làm được điều này và ở các lĩnh vực khác, có thể điểm ra những cái tên như vậy. Chúng ta cũng đã có các kỳ lân công nghệ tỉ đô la Mỹ trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến hay thanh toán điện tử. Đồng nghĩa, doanh nghiệp Việt có đủ năng lực trí tuệ để tham gia sân chơi kinh tế số toàn cầu và vấn đề là làm thế nào để họ xuất hiện và ngày càng có nhiều sức cạnh tranh.

Ở khía cạnh quản lý nhà nước, sẽ có rất nhiều việc cần làm, từ giáo dục đào tạo, hoàn thiện cơ chế pháp lý, ít nhất để doanh nghiệp Việt được bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài, cho tới những chính sách hỗ trợ hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế và các thỏa thuận thương mại Việt Nam đã tham gia.

Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên là định nghĩa. Có thể chúng ta vẫn tiếp tục xác định kinh tế số là tổng thể các hoạt động kinh doanh phát sinh do sự chuyển đổi tất yếu từ môi trường truyền thống sang môi trường Internet nhưng ưu tiên trong kinh tế số phải là những hình thức kinh doanh mới, chỉ phát sinh, phát triển tại môi trường Internet? Từ cách tiếp cận này, sẽ phải tìm ra lợi thế so sánh để khuyến khích, đầu tư, hỗ trợ những nhóm ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có thể tạo nên diện mạo mới cho kinh tế số Việt Nam.

Ở Trung Quốc, sàn giao dịch dữ liệu do nhà nước điều hành đã chính thức hoạt động trong nỗ lực xây dựng thị trường dữ liệu thúc đẩy kinh tế số của quốc gia hơn tỉ dân này. Hay một ví dụ khác, tại Ấn Độ, ứng dụng công nghệ blockchain trong mảng kinh doanh xe công nghệ cao đang tạo cơ hội cho một công ty khởi nghiệp nước này thách thức vị trí thống lĩnh thị trường của Uber. Nền kinh tế số nói chung hay doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói riêng cần làm được những điều này.

Nguồn thesaigontimes