Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kinh tế tập thể góp phần hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới 

Cập nhật ngày: 20/12/2021 - 00:40

BTN - Theo Liên minh HTX tỉnh, thời gian tới, đơn vị tích cực phát huy vai trò liên kết, phối hợp với các ngành liên quan nâng cao hiệu quả của các THT, HTX trên địa bàn tỉnh, đồng thời, hỗ trợ các HTX khắc phục những yếu kém, phát triển ổn định, nâng cao hiệu quả KTTT.

Thành viên HTX nông nghiệp Truông Mít trồng nấm linh chi đỏ.

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện thành công tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13) trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Xác định điều này, thời gian qua, KTTT trên địa bàn tỉnh có những chuyển biển tích cực, tăng khả năng tiêu thụ nông sản và thay đổi kinh tế hộ gia đình.

Hợp tác xã phát huy vai trò trong đổi mới kinh tế nông nghiệp

Các loại hình KTTT như: tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) chính là cầu nối tập hợp và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào của khu vực nông thôn, qua đó tập cho nông dân quen dần với cách thức làm ăn có liên kết, bám sát nhu cầu thị trường. Các mô hình HTX, THT trên địa bàn tỉnh từng bước được nhân rộng, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần làm thay đổi đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn trong xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Tiến Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cho biết, trên địa bàn xã có 1 HTX dịch vụ nông nghiệp, 1 HTX kinh doanh trong lĩnh vực môi trường và 43 tổ hội nghề nghiệp.

Các tổ hội và HTX đều ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giúp nông dân liên kết, hợp tác giúp đỡ nhau trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong xây dựng NTM.

Riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Truông Mít đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất. HTX mới thành lập trong quý IV.2020, với 31 thành viên, vốn đăng ký kinh doanh 500 triệu đồng, ngành nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất nấm ăn các loại.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Truông Mít, trong 10 tháng năm 2021, HTX tổ chức thực hiện Đề án liên kết trồng nấm ăn và nấm dược liệu sạch, an toàn theo công nghệ cao của thành viên HTX, đồng thời liên kết đầu vào cùng với việc tiêu thụ sản phẩm nấm với Công ty TNHH kinh doanh đầu tư phát triển công nghệ Nam Việt.

HTX đã cung cấp hơn 10 tấn nấm các loại, như: nấm mối đen hữu cơ, nấm linh chi đỏ Nhật hữu cơ, nấm bào ngư xám hữu cơ… với tổng doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nông sản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn về đầu ra, HTX liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra cho hơn 200 tấn nhãn, bưởi da xanh và rau màu các loại, giúp nông dân giảm bớt khó khăn.

Thời gian qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Truông Mít tạo việc làm ổn định cho thành viên HTX và nhiều lao động bên ngoài. Lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí nhân công, điện nước, khấu hao nhà xưởng… HTX đạt gần 300 triệu đồng.

Thông qua các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và mô hình về khuyến nông, các HTX tác động tích cực đến phát triển kinh tế hộ thành viên cũng như chuyển giao kiến thức và ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân.

Ông Trần Xuân Chiến- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Tân Châu) cho biết, HTX hoạt động chuyên về lĩnh vực trồng rau, đậu các loại và trồng hoa lan. HTX sản xuất và thu mua các sản phẩm trên địa bàn, hướng nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm của nông dân. Mục tiêu cuối cùng của HTX là cùng bà con nông dân sản xuất sản phẩm chất lượng cao và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Văn Có- Chủ tịch UBND xã Tân Thành, xây dựng NTM gắn với đẩy mạnh phát triển KTTT, nòng cốt là HTX với một chiến lược quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM. Theo đó, địa phương luôn tập trung đổi mới và phát triển KTTT, quy định chức năng, nhiệm vụ và phân công cho các thành viên phụ trách đơn vị theo từng ấp trên địa bàn để nâng cao hơn nữa hiệu quả của khu vực KTTT.

Sau khi nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, UBND xã hướng dẫn thành lập các HTX, THT đa dạng về hình thức, quy mô phù hợp, tạo bước tiến quan trọng trong quá tình xây dựng NTM theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Hiện nay, THT và HTX trên địa bàn xã đi vào hoạt động hiệu quả, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hội viên, hằng năm đều có lợi nhuận, góp phần hoàn thành tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM tại địa phương.

Chăm sóc hoa lan tại HTX sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp Tân Thành.

Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Đến năm 2021, có 28% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 66% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra bằng các hợp đồng liên kết ổn định. HTX hoạt động hiệu quả giúp kinh tế hộ thành viên tăng thu nhập và tăng giá bán đầu ra các sản phẩm nông nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 104 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: dịch vụ nông nghiệp; sản xuất rau an toàn; chăn nuôi và thuỷ sản...; 121 THT đăng ký hoạt động theo quy định pháp luật, trong đó có 95 THT hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp thu hút 1.460 thành viên; 26 THT lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thu hút 523 thành viên. Doanh thu bình quân mỗi năm trên 1 tỷ đồng/THT, thu nhập bình quân người lao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Các THT tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình giúp kinh tế hộ khắc phục khó khăn, hạn chế, yếu kém về vốn, khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giúp các hộ thành viên sử dụng có hiệu quả hơn về tài nguyên sẵn có tại địa phương.

Theo Liên minh HTX tỉnh, các HTX lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa sản xuất, vừa làm dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất của hộ thành viên như: cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, làm đất, tưới tiêu, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm.

Một số HTX sau khi đăng ký, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 đã chú trọng mở rộng dịch vụ cung cấp cho thành viên và nâng cao chất lượng phục vụ. Nhờ đó, số lượng thành viên tham gia HTX ngày càng nhiều, tỷ lệ thành viên sử dụng dịch vụ càng cao, mang lại hiệu quả hoạt động của HTX, đời sống thành viên được cải thiện, từng bước góp phần xây dựng NTM, khẳng định vai trò kinh tế hợp tác cho các hộ gia đình thành viên. Trung bình, thu nhập thành viên HTX lĩnh vực nông nghiệp ước khoảng 4 - 4,5 triệu đồng/tháng/người.

Ngoài ra, ngày càng nhiều HTX tập trung hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, tạo ra lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội, đồng thời góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Nhìn chung, KTTT có sự phát triển, một số HTX khẳng định được vai trò, tổ chức và hoạt động theo mô hình mới đem lại hiệu quả.

Thông qua chính sách hỗ trợ phát triển KTTT và triển khai chính sách ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh, nhiều THT, HTX áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP cho rau và lúa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và 81 HTX có hoạt động liên kết với doanh nghiệp tham gia chuỗi. Việc tham gia chuỗi liên kết và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất vừa hạn chế sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, giảm được chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm vừa góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và cải thiện môi trường sống.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu, trên địa bàn huyện có 13 HTX dịch vụ nông nghiệp, doanh thu bình quân hằng năm của mỗi HTX là 800 triệu đồng; lãi bình quân hằng năm của một HTX là 250 triệu đồng; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX khoảng 54 triệu đồng/lao động/năm (khoảng 4,5 triệu đồng/tháng).

Ngoài ra, còn có 8 THT đăng ký và hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP, gồm: 5 THT trồng trọt, 1 THT nuôi trồng thuỷ sản, 1 THT chăn nuôi, 1 THT sản xuất bánh tráng. Các THT trên địa bàn huyện thực hiện các chức năng kinh tế hộ gia đình nhằm hỗ trợ về kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, giúp các hộ tăng thu nhập và giải quyết lao động nhàn rỗi, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, góp phần xây dựng NTM.

Theo Liên minh HTX tỉnh, thời gian tới, đơn vị tích cực phát huy vai trò liên kết, phối hợp với các ngành liên quan nâng cao hiệu quả của các THT, HTX trên địa bàn tỉnh, đồng thời, hỗ trợ các HTX khắc phục những yếu kém, phát triển ổn định, nâng cao hiệu quả KTTT.

Bên cạnh đó, để đạt xã NTM nâng cao phải đạt chỉ tiêu xã có chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm an toàn thực phẩm, các HTX, THT cần đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các thành phần kinh tế và quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của HTX trong nông nghiệp; gắn phát triển KTTT với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh; lựa chọn mô hình HTX phù hợp với từng địa phương, thúc đẩy kinh tế hộ, THT trong nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, làm cơ sở cho phát triển HTX trong nông nghiệp; tăng cường liên kết “bốn nhà”, liên kết vùng trong phát triển HTX nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho HTX trong nông nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho HTX.

Nhi Trần

HTX là hình thức tổ chức sản xuất tốt nhất để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, tập trung nguồn lực, đặc biệt tập trung đất đai để sản xuất lớn. Trong xây dựng NTM, HTX đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch, hoàn thành tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân. Liên kết sản xuất, phát triển HTX là một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Hiện tỉnh có 70/80 xã đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất HTX, trong đó có 55 xã đã đạt NTM.


Liên kết hữu ích