BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Rất khó phát triển ổn định, bền vững

Cập nhật ngày: 22/10/2010 - 11:40

Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006- 2010 của UBND tỉnh ban hành vào tháng 6.2005, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đã phối hợp các ngành, chính quyền các cấp và Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các địa phương xây dựng các HTX nông nghiệp và các tổ hợp tác. Song song đó, các ngành chức năng và các địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Kết quả số HTX nông nghiệp có tăng, nhưng hầu hết vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Vùng nguyên liệu mía của HTX Tân Long, huyện Dương Minh Châu

Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2006-2010 số lượng HTX nông nghiệp có tăng, nhưng nếu tính từng năm thì số lượng có lúc tăng, lúc giảm. Cụ thể năm 2006, toàn tỉnh có 42 HTX nông nghiệp với tổng số hơn 1.500 xã viên. Sang năm 2007 thì tổng số HTX nông nghiệp chỉ còn có 38 HTX và số xã viên cũng giảm còn 1.400. Năm 2008 số lượng HTX nông nghiệp lại tăng lên là 50, và số xã viên cũng tăng lên hơn 2.200 người. Năm 2009 số HTX nông nghiệp tiếp tục tăng lên 53 HTX nhưng số xã viên lại giảm xuống còn hơn 2.100. Và năm 2010, số HTX nông nghiệp lại trở về con số 50 HTX với số xã viên tiếp tục giảm chỉ còn khoảng 1.900 xã viên mà thôi. Những con số nêu trên cho thấy dù cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực hỗ trợ, nhưng hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn không thực sự ổn định và bền vững. Đối với các tổ hợp tác nông nghiệp, nông thôn cũng khó phát triển, thể hiện qua tổng số tổ giảm đều mỗi năm: năm 2006 toàn tỉnh có 1.969 tổ; năm 2007 còn 1.585 tổ; năm 2008 còn 1.362 tổ… và năm 2010 cũng chỉ nhích lên được thêm 20 tổ (1.382 tổ).

Đánh giá về hoạt động các HTX nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, bước đầu đã phát triển được một số HTX nông nghiệp điểm như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến ở xã Suối Ngô, huyện Tân Châu hoặc HTX nông nghiệp Tân Long ở xã Phan, huyện Dương Minh Châu. Đây là những HTX nhiều năm liền được chọn là điển hình tiên tiến trong phong trào phát triển kinh tế tập thể do sản xuất- kinh doanh có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động, đồng thời có nguồn thu chi trả lương cho Ban quản trị và kế toán. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì số lượng HTX nông nghiệp làm ăn có hiệu quả vẫn còn quá ít so với tổng số HTX nông nghiệp trong tỉnh. Cụ thể từ năm 2008 đến 2010, trong số HTX nông nghiệp còn hoạt động, chỉ có 3 HTX là làm ăn thực sự có lãi, còn lại chỉ phá huề hoặc lỗ.

Vì sao qua nhiều năm các cấp, các ngành tích cực hỗ trợ nhưng các HTX nông nghiệp vẫn không vượt qua khó khăn? Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có rất nhiều nguyên nhân như: Ban chủ nhiệm HTX còn yếu, HTX chưa tiếp cận được với các chính sách khuyến khích về vốn, về đất đai… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một trong những nguyên chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp thuộc quyền sử dụng của từng cá nhân xã viên. Hiệu quả thực sự của HTX nông nghiệp là nâng cao đời sống xã viên từ sản xuất nông nghiệp- mà cụ thể là tăng năng suất, sản lượng và giảm chi phí sản xuất. Thực tế, hầu hết người dân nông thôn còn nghèo, diện tích đất nhỏ, tuy đã vào HTX nhưng vẫn giữ quyền sử dụng đất cá nhân, sản xuất vẫn riêng lẻ với tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất thấp và thu nhập cũng thấp theo. Muốn nâng cao năng suất để tăng thu nhập thì phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác và ứng dụng cơ giới hoá, nhưng với đồng ruộng manh mún, đầy bờ vùng, bờ thửa thì khó có thể thực hiện được. Với thực trạng như vậy, cho dù Ban chủ nhiệm HTX có giỏi đi nữa cũng khó có thể nâng cao năng suất, sản lượng sản xuất nông nghiệp cho xã viên được. Hiện tại, một số HTX nông nghiệp hoạt động được coi là có hiệu quả chủ yếu là do Ban chủ nhiệm biết tổ chức các khâu sản xuất, dịch vụ sản xuất sao cho xã viên giảm được chi phí sản xuất, chứ không phải là làm tăng năng suất, sản lượng.

Các HTX NN khó ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ do đất đai còn manh mún, sản xuất còn riêng lẻ

Tóm lại, qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh kết quả đạt được là số lượng HTX nông nghiệp có tăng. Thế nhưng thực tế thì chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp vẫn chưa được cải thiện đáng kể, chưa tăng sức thu hút nhiều người dân nông thôn tự nguyện tham gia HTX. Ngành chức năng cho rằng để HTX nông nghiệp phát triển được như mong muốn thì phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng các chính sách khuyến khích, tăng cường hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng điều căn cơ nhất là nên có quy định như thế nào- nhất là về đất đai khi xã viên tham gia HTX, để có thể chuyển từ nền sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất tập thể với quy mô lớn, hiện đại, hiệu quả kinh tế cao thì mới mong HTX nông nghiệp hấp dẫn được người dân nông thôn tự nguyện tham gia.

SƠN TRẦN