Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Đó là nhận định khái quát ban đầu từ tình hình kinh tế trong nước và ở địa phương của Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Văn Cung trong cuộc trao đổi ngắn với phóng viên.

|
Kho trữ tinh bột mì ở một doanh nghiệp Tây Ninh có thị trường xuất khẩu Trung Quốc.
PV: Xin ông cho biết khái quát về tác động trước mắt cũng như lâu dài từ việc Trung Quốc điều chỉnh giá đồng nhân dân tệ những ngày gần đây đối với nền kinh tế trong nước.
Ông Hà Văn Cung: Ngày 11.8.2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng đô la Mỹ xuống 1,9%; liên tiếp sau đó, đồng NDT tiếp tục giảm giá 1,6% trong ngày 12.8 và 1,1% trong ngày 13.8. Như vậy, chỉ trong 3 ngày, đồng NDT đã mất giá tổng cộng 4,6%.
Theo các chuyên gia kinh tế phân tích, mục đích chính của việc giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ thời gian vừa qua là để hỗ trợ khu vực xuất khẩu đang có dấu hiệu sụt giảm của Trung Quốc, nhằm vực dậy khả năng tăng trưởng kinh tế của nước này.
Vì vậy, trước mắt, các quốc gia có tỷ trọng thương mại lớn với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng từ động thái này, trong đó có Việt Nam. Việc Trung Quốc tăng mạnh tỷ giá NDT/USD sẽ giúp hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn ở các quốc gia khác, đồng thời một số hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn.
Về lâu dài, đối với Việt Nam, việc Trung Quốc giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ sẽ tác động tương đối lớn đến quan hệ xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó rủi ro nhập siêu có thể tăng mạnh và ngược lại xuất khẩu gặp bất lợi hơn. Bên cạnh đó, việc PBOC giảm giá đồng NDT cũng khiến cho áp lực cạnh tranh từ hàng hoá Trung Quốc đối với hàng hoá Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chính tăng lên.
PV: Tây Ninh chịu ảnh hưởng gì từ những biến động của đồng NDT trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài; xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp chế biến bột mì, cao su?
Ông Hà Văn Cung: Tại Tây Ninh, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh, bao gồm nhiều mặt hàng: may mặc, giày dép, mủ cao su, tinh bột mì, hạt điều, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, vải các loại, máy móc thiết bị...
Trong năm 2014, tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Trung Quốc chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh; nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 68%. Do đó, việc bị ảnh hưởng từ những biến động gần đây của đồng NDT là không thể tránh khỏi, bao gồm cả mặt tiêu cực và tích cực.
Về tác động tiêu cực, các ngành bị ảnh hưởng bất lợi từ chính sách tiền tệ của Trung Quốc chủ yếu là khai thác, chế biến mủ cao su và sản xuất tinh bột mì – đây là những ngành nông nghiệp chủ đạo của tỉnh. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, ngành cao su đang gặp khó khăn rất lớn do giá cao su liên tiếp giảm, lợi nhuận thấp, lại chịu thêm cú sốc về biến động của đồng NDT có thể sẽ kéo giá xuất khẩu cao su giảm sâu hơn nữa. Điều này là mối lo ngại cho các doanh nghiệp cũng như tình hình kinh tế của tỉnh Tây Ninh.
Tuy nhiên, về mặt tích cực, vẫn có một số ngành gia công xuất khẩu (hàng tạm nhập, tái xuất) có thể được hưởng lợi từ biến động tỷ giá của Trung Quốc do giá nguyên liệu đầu vào giảm như dệt may, da giày. Đây cũng là những ngành chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hiện nay của tỉnh. Ngoài ra, việc điều chỉnh này của Trung Quốc chưa thấy có tác động đáng kể nào đến việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Tây Ninh.
PV: Trong tình hình hiện nay và trước khả năng có những diễn biến khó lường về “cuộc chiến tiền tệ” do Trung Quốc thực hiện, các doanh nghiệp địa phương nên có sự chuẩn bị gì để bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh?
Ông Hà Văn Cung: Về lâu dài, để có thể đứng vững trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh nói riêng cần phải chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm các đối tác thương mại ngoài Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Đồng thời phải tăng cường nội lực, chuyển đổi công nghệ tiên tiến, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm để cạnh tranh lành mạnh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác.
PV: Trước những khó khăn đang và có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới liên quan tới chính sách tiền tệ của Trung Quốc, Nhà nước đã có những giải pháp nào trong việc định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Hà Văn Cung: Trước mắt, ngày 12.8.2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời nới rộng biên độ tỷ giá VNĐ/USD từ +/-1% lên +/-2% và ngày 19.8.2015 tiếp tục nới rộng từ +/-2% lên +/-3%; đồng thời tăng tỷ giá VNĐ/USD thêm 1% nhằm ứng phó với các tác động từ chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Điều này giúp tỷ giá VNĐ/USD linh hoạt hơn trước diễn biến bất ổn của thị trường tài chính, giúp cho một số doanh nghiệp giảm áp lực cạnh tranh với các đối tác thương mại Trung Quốc.
Đối với tỉnh Tây Ninh, bên cạnh việc tăng cường cải cách hành chính, thu hút đầu tư nước ngoài, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành nhanh chóng triển khai các chính sách của Trung ương, theo sát diễn biến thị trường và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi việc điều chỉnh giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian gần đây, và nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” trên diện rộng trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông.
HOÀNG THI
(Thực hiện)