Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kinh tế Tây Ninh: Tiếp đà phục hồi, tăng trưởng 

Cập nhật ngày: 03/04/2024 - 08:37

BTN - Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh, để đạt mức tăng trưởng cả năm 7,5% trở lên theo kế hoạch, cần rất nhiều sự nỗ lực, quyết tâm, giải pháp.

Đây là xu hướng chung của kinh tế tỉnh trong quý đầu tiên của năm 2024. Đặc biệt, hoạt động công nghiệp - xây dựng (CN-XD) - lĩnh vực đóng góp chủ lực vào GRDP của tỉnh phục hồi tốt; các hoạt động thương mại, dịch vụ- nhất là du lịch tiếp tục sôi động; sản xuất nông - lâm - thuỷ sản duy trì phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Toàn cảnh thành phố Tây Ninh (Ảnh: Tâm Giang)

Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo tỉnh, để đạt mức tăng trưởng cả năm 7,5% trở lên theo kế hoạch, cần rất nhiều sự nỗ lực, quyết tâm, giải pháp, đặc biệt là giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công, cụ thể hoá định hướng phát triển trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch từng ngành, địa phương, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Nhiều dấu hiệu khởi sắc

Quý I, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện trên 13.800 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ (CK). Trong đó, khu vực nông - lâm - thuỷ sản tăng 3%, khu vực CN-XD tăng 11,1%, khu vực dịch vụ tăng 7,8%. Ông Kiều Công Minh- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng là lĩnh vực CN-XD nhờ sự phục hồi, phát triển của lĩnh vực này. Trong những tháng tiếp theo, nếu tiếp tục tác động chính sách và thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng nhanh thì khả năng tỉnh sẽ đạt kế hoạch tăng trưởng 7,5% năm 2024.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế khác cũng có mức tăng trưởng rất tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu do sản xuất công nghiệp tăng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều có mức tăng trưởng khá, bình quân tăng 21% so CK.

Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 29,8% dự toán, tăng 4,4% so CK, nhiều sắc thuế thu đạt trên 25% là tín hiệu tích cực. Dư nợ của hệ thống tín dụng tăng, cho thấy xu hướng thúc đẩy quay vòng vốn sản xuất và tiêu dùng tích cực.

Quý I, Tây Ninh thu hút trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, giảm 4% so CK, tuy nhiên, doanh thu tăng, tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 1.400 tỷ đồng, đạt 60% so kế hoạch, tăng 36% so cùng kỳ, phản ánh xu hướng tăng chi tiêu của du khách khi đến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi làm rõ hơn xu hướng phục hồi, phát triển tích cực của kinh tế tỉnh trong quý I, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng nêu 2 yếu tố xác thực phản ánh rõ nét nhất, đó là chỉ tiêu về điện và thu ngân sách. Theo đó, tăng trưởng tiêu thụ điện thương phẩm của Tây Ninh tăng hơn 29% so cùng kỳ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân của khu vực phía Nam.

Điện thương phẩm sử dụng trong Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời tăng hơn 40%, Khu công nghiệp Thành Thành Công tăng 54%, Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III tăng hơn 16%, các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ngoài khu công nghiệp tăng hơn 15%. Sản lượng điện tiêu thụ tăng cho thấy sức sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đều tăng trưởng tốt.

Đối với chỉ tiêu thu ngân sách quý I đạt gần 30% dự toán, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, tỷ lệ này là cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong đó, tiến độ thu khá đồng đều ở các huyện, thị xã, thành phố và hầu hết các địa phương đều thu đạt trên 25% dự toán, 4 huyện cao hơn bình quân tỉnh, đặc biệt là cơ cấu thu trong khu vực sản xuất tăng.

Thi công tuyến đường trên địa bàn thị xã Trảng Bàng. (Ảnh Khánh Duy)

Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong quý II

Bên cạnh những điểm sáng trên thì kinh tế quý I của tỉnh có những chỉ tiêu chưa đạt kỳ vọng, giảm so cùng kỳ, như: thu hút đầu tư nước ngoài, số doanh nghiệp thành lập mới, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công…

UBND tỉnh đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội quý II. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đột phá của tỉnh như đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, thu hút mạnh mẽ hơn nữa vốn của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, theo tính toán sơ bộ, nếu tăng 1% vốn đầu tư công được giải ngân sẽ góp thêm 0,06% tăng trưởng kinh tế. Do đó, nhiệm vụ quan trọng quý II và thời gian tới là tích cực tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

“Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của người đứng đầu, là một trong những giải pháp kích thích sản xuất, góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng nhấn mạnh.

Theo đó, nỗ lực bảo đảm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công “Đến 30.6.2024 đạt 50%, đến 30.9.2024 đạt 75% và kết thúc kế hoạch năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch vốn xây dựng cơ bản được giao”; tạo động lực tăng tốc cho năm 2024 và bứt phá cho năm 2025. Song song đó, thực hiện giám sát đầu tư chặt chẽ, thường xuyên; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Phát biểu chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quí I vừa qua, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị từng uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành rà soát và nắm chắc tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành, lĩnh vực phụ trách để chỉ đạo thực hiện tốt trong quý II.

Triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát điều chỉnh, xây dựng, ban hành các quy hoạch, kế hoạch, đề án chuyên ngành bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đô thị.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn về mặt quản lý để thúc đẩy khôi phục các hoạt động thương mại ở cửa khẩu, trọng tâm là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chế biến trong tỉnh.

Rà soát, đánh giá khách quan, khoa học đề ra các giải pháp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư. Các cơ quan liên quan làm việc với chủ đầu tư khu công nghiệp nhằm phối hợp và thống nhất đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp địa phương vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp tục nhấn mạnh chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị; thống nhất chủ trương, lộ trình để từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công của tỉnh. Song song đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chú trọng xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác chủ động, hiệu quả hơn giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

Phương Thuý