Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Kinh tế trang trại Tây Ninh năm 2012: Số lượng tăng nhưng giá trị hàng hoá giảm
Thứ hai: 06:43 ngày 31/12/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sự phát triển kinh tế trang trại đã đóng góp vào sự phát triển chung ngày càng nhiều, trong đó có góp phần vào việc an sinh xã hội do tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động thường xuyên và hàng chục ngàn lao động thời vụ.

Bình quân trong năm, mỗi trang trại nuôi trồng thuỷ sản có giá trị sản phẩm và dịch vụ bán ra hơn 6 tỷ đồng. (Ảnh tư liệu: Một hộ nuôi cá bè trong tỉnh).

(BTN) - Giữa năm 2012, Cục Thống kê Tây Ninh đã triển khai tổ chức thực hiện cuộc điều tra trang trại năm 2012 trên địa bàn tỉnh. Kết quả điều tra cho thấy lĩnh vực kinh tế trang trại ở Tây Ninh tiếp tục có xu hướng phát triển tốt và số lượng trang trại trồng trọt tăng khá nhanh.

Theo kết quả điều tra, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 987 trang trại. Trong đó, số lượng trang trại lĩnh vực trồng trọt chiếm đa số với 937 trang trại- chiếm đến 94,93% tổng số trang trại toàn tỉnh. Còn lại là trang trại chăn nuôi chiếm 4,26%, trang trại nuôi trồng thuỷ sản chiếm 0,61% và trang trại lâm nghiệp chiếm 0,20% tổng số trang trại trong tỉnh. So với năm trước, năm 2012 Tây Ninh tăng thêm 31 trang trại. Số trang trại tăng chủ yếu ở lĩnh vực trồng trọt (tăng đến 123 trang trại trong tổng số 131 trang trại tăng thêm). Hầu hết số trang trại trồng trọt tăng thêm là trang trại trồng cây cao su và số lượng phát triển tập trung ở các huyện phía Bắc của tỉnh là Tân Biên (tăng 49 trang trại) và Tân Châu (tăng 38 trang trại). Lĩnh vực sản xuất của các trang trại ngày càng đa dạng và có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các trang trại trồng cây hằng năm, tăng trang trại trồng cây lâu năm.

Về đất đai, các trang trại trong tỉnh đã sử dụng 17.771 ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản- tăng 9,35% so năm 2011. Trong đó đất trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn nhất- chiếm đến 98,83% tổng diện tích đất trang trại. Còn các loại đất khác chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, như: đất lâm nghiệp- chỉ chiếm 0,68%, đất chăn nuôi- chỉ chiếm 0,37% và đất nuôi trồng thuỷ sản- chỉ chiếm 0,14% tổng diện tích đất trang trại trên địa bàn tỉnh. Tính ra bình quân mỗi trang trại sử dụng 18,01 ha đất các loại- tăng 71,52% so với năm trước. Trong đó huyện Tân Biên có diện tích đất bình quân mỗi trang trại cao nhất- 19,74 ha, kế đến là Tân Châu- 19,31 ha, Châu Thành- 17,46 ha, Gò Dầu- 12,01 ha...

Các trang trại của tỉnh đã sử dụng hơn 8.100 lao động thường xuyên- tăng hơn 1.000 lao động so cùng kỳ năm trước- bình quân ở mỗi trang trại có 8,27 lao động  thường xuyên. Trong đó bình quân trang trại trồng trọt sử dụng 8,39 lao động, trang trại thuỷ sản sử dụng 7 lao động, các trang trại còn lại sử dụng từ 4- 5 lao động thường xuyên. Ngoài số lao động thường xuyên, khi đến thời vụ các trang trại còn thuê mướn thêm khoảng hơn 10.000 lao động thời vụ. Tuy nhiên, chất lượng lao động trang trại nhìn chung còn thấp, đa số lao động là lao động phổ thông chưa qua đào tạo.

Qua điều tra cho thấy số lượng trang trại ở Tây Ninh tăng khá so với năm trước, tuy nhiên giá trị sản xuất kinh doanh trang trại năm 2012 lại giảm. Năm 2012 ước giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bán ra của các trang trại đạt khoảng 1.955 tỷ đồng- bình quân 1.980,60 triệu đồng/ trang trại. So với năm 2011, giá trị sản phẩm trang trại ở Tây Ninh giảm hơn 10%. Sở dĩ giá trị sản phẩm trang trại trong năm 2012 giảm là vì đa số trang trại ở Tây Ninh là trang trại trồng cao su, do trong năm 2012 giá trị mặt hàng này giảm liên tục nên mặc dù sản lượng vẫn tăng, nhưng doanh thu từ sản xuất, kinh doanh không bằng năm trước. Cũng qua điều tra cho thấy giá trị sản phẩm và dịch vụ các trang trại còn chênh lệch rất nhiều giữa các lĩnh vực sản xuất. Cụ thể như: mỗi trang trại nuôi trồng thuỷ sản có giá trị sản phẩm và dịch vụ bán ra trong năm bình quân là hơn 6 tỷ đồng, còn mỗi trang trại chăn nuôi bình quân chỉ đạt khoảng 4,78 tỷ đồng và mỗi trang trại lâm nghiệp bình quân chỉ đạt 752,5 triệu đồng. So sánh thì mỗi trang trại lâm nghiệp có giá trị bán ra chỉ bằng 1/8 trang trại nuôi trồng thuỷ sản.

Số lượng trang trại trồng cao su tăng mạnh

Từ kết quả điều tra năm 2012 cho thấy, kinh tế trang trại ở Tây Ninh đang ngày càng phát triển- cả về số lượng lẫn quy mô. Sự phát triển kinh tế trang trại đã đóng góp vào sự phát triển chung ngày càng nhiều, trong đó có góp phần vào việc an sinh xã hội do tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động thường xuyên và hàng chục ngàn lao động thời vụ. Thế nhưng, do tác động của giá cả một số mặt hàng chủ lục nên giá trị sản xuất lĩnh vực trang trại trong năm 2012 có giảm hơn năm trước. Tuy nhiên hiện nay giá trị một số mặt hàng đang có dấu hiệu gia tăng trở lại nên năm 2013 có khả năng giá trị sản xuất lĩnh vực kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng và kinh tế trang trại ở Tây Ninh tiếp tục phát triển mạnh hơn.

Sơn Trần

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục