BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kinh tế Việt Nam đang phát triển dưới tiềm năng

Cập nhật ngày: 25/10/2013 - 06:29

Theo đại biểu Trần Du Lịch, trong điều kiện kinh tế Việt Nam đang phát triển dưới tiềm năng nếu chúng ta tạo được niềm tin tốt, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 5,8% cũng không phải là lớn.

Ngày 24.10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội xung quanh nội dung này.

 

 Đại biểu Trần Du Lịch. (Ảnh: Hoàng Hà).

PV: Theo ông, mức nợ công của Chính phủ hiện nay có ở mức an toàn hay không?

Đại biểu Trần Du Lịch: Chỉ tiêu an toàn có nhiều chỉ tiêu. Những năm gần đây, trái phiếu Chính phủ ngắn hạn 3 năm, 5 năm đến hạn trả nợ rất nhiều, nên nợ phải trả hàng năm tăng rất nhanh. Chúng ta cần phải có tính toán khá kỹ nợ đáo hạn hàng năm phải trả. Bởi vì, theo kinh nghiệm một số nước, vỡ nợ là do nợ đáo hạn hàng năm, ngân sách hàng năm không bảo đảm được. Đây là điểm cần lưu ý.

Tôi đề nghị, vấn đề nợ công cần phải có lộ trình. Thứ nhất, kế hoạch vay nợ trung và dài hạn.Thứ hai, tính toán đầy đủ khoản nợ phải trả hàng năm.

Chúng ta phải tuân thủ ngưỡng mà thế giới quy định. Nếu khoản nợ hàng năm phải trả vượt 25% tổng thu ngân sách là đèn vàng, nếu vượt 30% là đèn đỏ, tức là không còn an toàn. Đây là chốt để tính toán lộ trình dài hạn. Nếu chỉ tính toán bao nhiêu % GDP là chưa đủ. Tôi đề nghị, ngưỡng nợ công hàng năm phải trả chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách để đảm bảo tính an toàn.

PV: Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014  tăng lên 5,8%. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, liệu mục tiêu đó có khả năng đạt được không và đó liệu có phải là mức tăng trưởng hợp lý khi Chính phủ vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô?

Đại biểu Trần Du Lịch: Tôi cho rằng, trong điều kiện kinh tế Việt Nam đang phát triển dưới tiềm năng, nếu chúng ta tạo được niêm tin tốt, việc tăng như thế cũng không phải lớn.

Tăng trưởng dưới 6% là mức dưới tiềm năng. Theo tôi, trong 2 năm tới, xoay quanh mức tăng trưởng 6% là mức hợp lý. 

PV: Trước việc Chính phủ xin phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2014 - 2016, có ý kiến cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đại biểu Trần Du Lịch: Mặt bằng giá chung tính trên tổng cầu, trong chiều hiện dòng tín dụng nghẽn như thế này, 170 nghìn tỷ đồng nhưng phát hành trong 3 năm, ví dụ: năm tới có khoảng 40 nghìn tỷ đồng, theo tôi, mức đó trên tổng cầu sẽ không có ảnh hưởng đến mặt bằng giá.

PV: Vậy còn chuyện nợ phải trả, thưa ông?

Đại biểu Trần Du Lịch: Đúng là sẽ ảnh hưởng đến khoản nợ phải trả. Tăng bội chi phải tính toán bài toán nợ. Ở đây cần tính toán cụ thể, cũng chưa thể khẳng định ngay. Nhưng khi phát hành trái phiếu, theo báo cáo của Bộ Tài chính, chủ yếu là ngân hàng mua. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi suất cung - cầu về tín dụng, xu hướng giảm lãi suất ngân hàng.

Nếu như phần trái phiếu này phát hành với mức trên 8%, Chính phủ mua thì rõ ràng nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho khu vực tư nhân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo điện tử ĐCS