Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kit test đang là gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp
Thứ năm: 10:14 ngày 03/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các sở Y tế đang rà soát để có ý kiến và lãnh đạo các sở cũng mong muốn đưa kit test vào diện bình ổn giá.

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đề cập việc kit test nhanh COVID-19 khan hiếm, giá nhảy múa và các chuyên gia đề nghị nhanh chóng đưa kit test vào diện bình ổn giá vì các hành lang pháp lý đã có đủ.

Việc chậm trễ này đã làm người dân, doanh nghiệp tốn thêm chi phí vì hiện nay nhiều trường học, cơ quan, đơn vị yêu cầu không chính thức là “phải có kết quả âm tính” mới được đến trường, làm việc...

Các chuyên gia đề nghị nhanh chóng đưa kit test vào diện bình ổn giá vì các hành lang pháp lý đã có đủ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tiền test nhiều hơn tiền thuốc

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết chi phí kit test nhanh luôn là gánh nặng cho không chỉ doanh nghiệp mà còn người dân.

Khi còn ở đỉnh dịch, doanh nghiệp thường test dưới dạng gộp mẫu để giảm bớt chi phí nhưng hiện nay ca F0 khá phổ biến, chưa kể là F0 không triệu chứng khá nhiều, có doanh nghiệp chiếm 30%-50% số ca dương tính. Việc test gộp mẫu cũng khó khăn, buộc người lao động phải chủ động trong việc theo dõi sức khỏe và test nhanh.

“Có người phải test 3-5 lần mới cho kết quả, như vậy trong suốt chu kỳ bệnh thì chi phí bỏ ra phải trên dưới 500.000 đồng. Có người tiền test còn nhiều hơn tiền thuốc. Trong khi đó giá của kit test nhanh cùng một loại nhưng mỗi nơi một khác cũng gây khó cho người dân lẫn doanh nghiệp” - ông Phương nói.

Một số ít doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ tiền kit test nhưng hiện nay ngày càng nhiều ca F0 thì họ không gánh nổi. Do vậy, rất cần có sự trợ giá hoặc bình ổn giá của Nhà nước cho mặt hàng này, dù là khá muộn.

“Trước đó, chúng tôi cũng có kiến nghị đưa kit test nhanh vào diện bình ổn giá và cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng hiện nay vẫn chưa thấy mặt hàng này được xem xét đưa vào diện bình ổn giá”.

Ở Cần Thơ, chị TD có con học tiểu học phải sắm một bộ kit test nhanh bỏ vào cặp theo thông báo của cô chủ nhiệm để khi cần thì nhà trường sẽ làm test nhanh.

Chị còn phải mua nhiều bộ kit test dự trữ cho các thành viên trong gia đình với giá đắt hơn trước đến 30.000 đồng/bộ vì trong nhà có người dương tính, phải test thường xuyên để theo dõi. Chi phí cho khoản này chiếm phần lớn trong gia đình lao động đơn giản của chị.

Các sở Y tế đang rà soát

Liên quan vấn đề đưa kit test vào diện bình ổn giá, ngày 2-3, bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết: Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các địa phương cho ý kiến về kit test COVID-19, một số trang thiết bị y tế đưa vào danh mục bình ổn giá.

“Hiện nay sở đang rà soát để đề xuất. Còn quan điểm của tôi thì vấn đề kit test COVID-19 cũng cần phải được đưa vào bình ổn giá” - bà Thủy nói.

Tương tự, một số lãnh đạo Sở Y tế ở các tỉnh miền Tây cũng cho hay là mới nhận được văn bản của Bộ Y tế và đang gấp rút rà soát để có ý kiến về giá kit test COVID-19 và một số trang thiết bị y tế khác. Lãnh đạo các sở Y tế cũng đồng tình là nên sớm đưa kit test vào diện bình ổn giá để đỡ chi phí cho người dân và kiểm soát tốt hơn dịch bệnh.•

Test nhanh sao cho ít tốn kém nhất?

Việt Nam ghi nhận số ca F0 tăng liên tục, bộ đang lấy ý kiến các địa phương để lên danh mục cụ thể các vật tư cần bình ổn giá và đang xây dựng hướng dẫn về sử dụng kit test nhanh để khắc phục hiện tượng sử dụng không đúng, lạm dụng, dẫn tới tăng cầu không cần thiết với mặt hàng này.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng ĐH Y Dược TP.HCM, việc chỉ định phải có kết quả test nhanh âm tính mới được đi làm, đi học đang bị lạm dụng. Khi thường xuyên xét nghiệm có nguy cơ làm trầy xước niêm mạc mũi, nếu thao tác vô khuẩn không tốt có thể dễ gây lây nhiễm hơn, nhiều nguồn kit test trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.

Vì vậy cần có hướng dẫn khi nào cần thực hiện xét nghiệm test nhanh hoặc PCR, tránh xét nghiệm không cần thiết.

Theo hướng dẫn của Mỹ, chỉ test nhanh khi có triệu chứng để xác nhận mắc bệnh và tự động cách ly năm ngày kể từ ngày có triệu chứng. Sau năm ngày, các triệu chứng giảm bớt thì người bệnh không cần phải cách ly nữa và không cần phải thực hiện test nhanh lại.

Khi virus xâm nhập vào cơ thể, việc virus nhân lên phụ thuộc vào cơ chế miễn dịch của cơ thể, quan trọng nhất là xem xét các triệu chứng lâm sàng. Nếu các triệu chứng cải thiện thì khả năng lây bệnh hầu như rất thấp sau 10 ngày dù xét nghiệm PCR vẫn còn dương tính ở người chưa tiêm vaccine và còn thấp hơn nữa ở người đã tiêm vaccine. Vì vậy xét nghiệm virus không đánh giá bệnh có còn lây hay không lây hay bệnh nhân có bị tái nhiễm hay không ở người bệnh hồi phục trong vòng ba tháng.

Ở Singapore hiện nay, đối với người đã tiêm đủ vaccine thì cũng được xem là hết bệnh sau bảy ngày mà không cần xét nghiệm lại.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 được điều trị ở nhà cần phải cách ly đủ bảy ngày và phải có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được dỡ bỏ cách ly. Quy định này rất tốt để kiểm soát chặt hơn tình hình lây nhiễm ở cộng đồng nhưng có thể cần được điều chỉnh khi số ca mắc ở cộng đồng rất cao và hiện tượng thiếu kit xét nghiệm như hiện nay.

Đối với người tiếp xúc gần là F1, không nên làm test nhanh ngay lúc mới tiếp xúc mà nên làm sau năm ngày tiếp xúc, như vậy mới chính xác hơn. Còn đối với các F1 ở cùng nhà với những người nguy cơ cao như con nít, người già hoặc môi trường làm việc tiếp xúc với người bệnh thì có thể thực hiện test sớm hơn vào ngày thứ hai, sau đó là ngày thứ năm chứ không nên xét nghiệm nhiều lần.

Đối với những người không phải là F1 nhưng lo ngại nguy cơ nhiễm COVID-19 thì chỉ nên xét nghiệm khi có triệu chứng, không nên tự làm xét nghiệm.

Người dân có thể test nhanh mẫu gộp trong gia đình nhưng nên gộp mẫu những người không có triệu chứng. Nếu các thành viên đều có triệu chứng, nên làm test nhanh riêng. HOÀNG LAN

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục