BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kofi Annan hy vọng chấm dứt bạo lực tại Syria

Cập nhật ngày: 04/04/2012 - 10:57

Trong những ngày qua, cộng đồng quốc tế hy vọng kế hoạch hoà bình của cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan sẽ giúp chấm dứt tình hình bạo lực tại Syria.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch này thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn vào “thiện chí” của người Nga – quốc gia kiên quyết bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, chống lại yêu cầu “thay đổi chế độ” ở Syria. Các nhà phân tích cũng tin rằng, ngay cả khi Tổng thống Assad không thực hiện cam kết đình hoãn chiến dịch quân sự, rút binh lính ra khỏi các khu dân cư vào ngày 10.4 tới, ông Annan vẫn đủ sức thuyết phục người Nga và Trung Quốc giúp ông tiếp tục gây áp lực với chính quyền Damascus chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài suốt một năm qua.

Cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan trao đổi với Tổng thống Syria Bashar al-Assad về kế hoạch hoà bình 6 điểm tại Damascus. Ảnh: Guardian

Phát biểu trước 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ trong một phiên họp mới đây, ông Kofi Annan – hiện là đặc sứ của LHQ và Liên đoàn Ả-rập về vấn đề Syria cho biết, Tổng thống Assad khẳng định sẽ chấm dứt giao tranh đúng thời hạn (trong vòng 48 giờ sau đó, lực lượng đối lập cũng phải ngừng bắn). Nga cũng tán thành thời hạn 10.4 và cho rằng, chính quyền Assad nên có những động thái ngừng bắn trước. Mặc dù vậy, Nga vẫn giữ nguyên lập trường phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào từ bên ngoài vào tình hình Syria.

Tuy nhiên, hầu hết các quan chức LHQ cũng như các nhà ngoại giao phương Tây đều không mấy tin vào những cam kết của Tổng thống Assad vì họ cho rằng, lãnh đạo Syria đã quá nhiều lần thất hứa, đặc biệt là những lần không thực hiện tuyên bố đình hoãn các cuộc trấn áp những người biểu tình.

Bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại LHQ hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 4 này, bày tỏ: “Mỹ rất quan ngại và nghi ngờ khả năng thực thi cam kết của chính phủ Syria”. Bà Susan Rice nói thêm: “Trong trường hợp Syria không thực hiện cam kết, chúng tôi (Mỹ) sẽ tham vấn ý kiến của các thành viên trong Hội đồng Bảo an để đưa ra quyết định kế tiếp”.

Về lý thuyết, Hội đồng Bảo an có quyền áp đặt thêm các biện pháp cấm vận chống chính quyền Damascus hoặc có thể tiến hành một chiến dịch quân sự với chiêu bài “bảo vệ dân thường” như đã từng làm ở Libya và Bờ Biển Ngà. Thực tế lại không dễ dàng khi cả Nga và Trung Quốc đều công khai phản đối LHQ có thêm bất kỳ động thái cấm vận nào, càng không ủng hộ hành động quân sự. Bằng chứng là họ đã hai lần sử dụng quyền phủ quyết.

Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây vẫn còn hy vọng, bởi chỉ cần ông Kofi Annan báo cáo trước Hội đồng Bảo an LHQ việc chính quyền Tổng thống Assad không giữ cam kết và yêu cầu thông qua một nghị quyết buộc chính quyền Damascus thực thi kế hoạch hoà bình 6 điểm thì Nga và Trung Quốc khó mà từ chối.

Trong khi đó tại Syria hôm 4.4, chính quyền Damascus thông báo họ bắt đầu rút quân ra khỏi những thành phố tạm thời bình ổn, trở về doanh trại như đã thoả thuận với ông Kofi Annan. Nhưng phe đối lập tuyên bố vẫn còn giao tranh ở thành phố Homs và một số nơi khác trên khắp đất nước. Quân đội chính phủ cũng đã tiến hành những cuộc càn quét, bắt bớ ở vùng ngoại ô thủ đô Damascus.

Phe đối lập chỉ trích kế hoạch hoà bình của cựu Tổng thư ký LHQ là quá muộn và vô ích. Thậm chí họ còn tỏ ra giận dữ khi ông Kofi Annan đã không đá động gì đến yêu cầu của họ là phải buộc Tổng thống Assad từ chức.

TÙNG LÂM

(Theo Reuters/AP)