Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chật vật trồng rừng trên vùng bán ngập
Kỳ 1: Cây gáo vàng “ưa” vùng đất bán ngập
Thứ hai: 11:51 ngày 28/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (DT-PH), trồng rừng trên đất bán ngập là cần thiết, nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ đập, tăng tuổi thọ công trình, cải thiện môi trường, giảm xói mòn, dòng chảy lũ, thiên tai, chống bồi lắng và tăng dòng chảy kiệt, phát triển bền vững tài nguyên nước hồ Dầu Tiếng...

Ông Ách giới thiệu về cây gáo vàng tại khu trồng thử nghiệm 27 ha thuộc ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành

CÂY TRÀM NƯỚC THẤT BẠI

Ngày 11.11.2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có Công văn số 4019 gửi đến Công ty DT-PH, trong đó nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai các biện pháp phục hồi thảm thực vật trên diện tích 3.460 ha đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng đã được UBND tỉnh Tây Ninh giao tại Quyết định số 376 ngày 26.4.2005. Ðể giải quyết tình trạng canh tác trái phép, xâm hại lưu vực hồ chứa, Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương hợp tác với Công ty TNHH Việt Dương Tây Ninh (Công ty Việt Dương) triển khai dự án trồng rừng bán ngập, trồng cây đa mục đích để bảo vệ môi trường lưu vực hồ chứa”.

Ngày 9.12.2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2812 về việc giao đất từ cao trình +24,4m trở xuống khu vực lòng hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh cho Công ty DT-PH quản lý. Cụ thể, giao diện tích 202.604.764,7m2 đất từ cao trình +24,4m trở xuống tại khu vực lòng hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn các xã Tân Hoà, Suối Ngô, Tân Thành, Suối Dây, Tân Hưng, Tân Phú, Thạnh Ðông, thị trấn Tân Châu (huyện Tân Châu); xã Suối Ðá, xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu). Trong đó bao gồm diện tích vùng bán ngập 34.600.000m2 và diện tích mặt nước hồ Dầu Tiếng. Hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng lâu dài... Quyết định này thay thế Quyết định số 376 ngày 26.4.2005 của UBND tỉnh về việc giao đất vùng bán ngập cho Công ty DT-PH trước đó.

Ðến ngày 20.7.2015, Bộ NN&PTNT tiếp tục có Công văn số 5763 gửi Công ty DT-PH, thống nhất phương án trồng rừng trên diện tích đất vùng lòng hồ Dầu Tiếng từ cao trình +24,4m trở xuống thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh (đã được UBND tỉnh giao đất tại Quyết định số 2812). Ngày 21.11.2015, Công ty DT-PH ký hợp đồng số 111 với Công ty Việt Dương về việc hợp tác trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng, nhằm bảo vệ môi trường nước, chống xói mòn đất, khai thác và phát triển bền vững công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng. Thời hạn hợp tác trồng rừng là 50 năm, kể từ tháng 11.2015.

Khoảng đầu năm 2016, Công ty Việt Dương bắt đầu trồng cây tràm nước. Thực tế, cây rừng chỉ được trồng từ khoảng cao trình +22,5m trở xuống, đây là phạm vi mà người dân không trồng mì được vì nguy cơ bị ngập nước rất cao. Mặt khác cũng do người dân chưa chịu giao đất từ cao trình +22,5m trở lên +24,4m. Theo Báo cáo số 36 ngày 8.5.2017 của Công ty DT-PH, tính đến hết tháng 3.2016, tổng diện tích rừng trồng từ cao trình +21,7m trở xuống +20,4m là 281,1 ha, mật độ trồng khoảng 15.000 cây/ha, trồng rừng tại địa bàn các xã Tân Thành, Suối Dây, Thạnh Ðông, Tân Phú, Tân Hưng. Sau khi trồng, cây tràm nước phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt từ 60% trở lên, cây cao từ 0,8m đến 1m. Tuy nhiên, do lượng mưa năm 2016 là 2.078mm, cao hơn lượng mưa trung bình nhiều năm 233mm, hồ Dầu Tiếng tích nước đến cao trình +24,79m, nên cây rừng trồng bị ngập hoàn toàn dưới mặt nước trong khoảng thời gian dài...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền- đại diện Công ty Việt Dương cho biết, sau khi nước nước rút, cây tràm vẫn sống tốt. Năm 2017, thời tiết lại diễn biến bất thường, rừng trồng tiếp tục bị ngập nước đến 2 lần/năm, dẫn đến tình trạng cây tràm bị chết hàng loạt, Công ty Việt Dương tạm dừng việc trồng thử nghiệm cây tràm nước, tìm cây trồng khác phù hợp hơn. Sau quá trình tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, khảo sát nhiều nơi, công ty quyết định chọn cây gáo vàng.

CÂY GÁO VÀNG THÍCH NGHI

Công ty DT-PH xác định, trồng rừng trên đất bán ngập là cần thiết, nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay, góp phần bảo vệ đập, tăng tuổi thọ công trình, cải thiện môi trường, giảm xói mòn, dòng chảy lũ, thiên tai, chống bồi lắng và tăng dòng chảy kiệt, phát triển bền vững tài nguyên nước hồ Dầu Tiếng... nên tiếp tục hợp tác với Công ty Việt Dương trồng thử nghiệm cây gáo vàng theo phương án đã được đề ra. Kết quả cho thấy, cây gáo vàng có khả năng chịu ngập tốt, sức sống cao mặc dù bị ngập sâu dưới nước trong khoảng thời gian dài. “Cây gáo vàng đúng là có sức sống mãnh liệt hơn so với cây tràm nước trên vùng đất bán ngập, tôi cũng đồng ý với giải pháp chọn loại cây này để trồng trên khu vực lòng hồ”- ông Huỳnh Tấn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành nhận xét.

Ông Nguyễn Văn Ách- Quản lý dự án trồng rừng thuộc Công ty Việt Dương cho biết, cây gáo vàng có khả năng chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết nắng, mưa, ngập nước. Tại khu trồng thử nghiệm 27 ha ấp Ðồng Kèn 2, xã Tân Thành, khi đến mùa nước lớn, cây gáo vàng bị ngập sâu hơn 2m nước trong suốt thời gian dài, đến khi nước rút cây phát triển trở lại bình thường. Loại cây này rất dễ chăm sóc, có giá trị kinh tế cao vì vân gỗ đẹp, sợi gỗ to, dài, nhanh khô, khó nứt, thân cây suông, cây trưởng thành có đường kính thân gỗ lớn, rất phù hợp để chế tác các đồ thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình.

Tiếp tục thực hiện chủ trương trên của Bộ NN&PTNT, ngày 18.1.2021, Công ty DT-PH có Báo cáo số 07 về tình hình thực hiện việc trồng rừng bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng gửi UBND tỉnh. Theo đó, hiện nay, công tác đo đạc, cắm mốc ranh bảo vệ vùng lòng hồ Dầu Tiếng từ cao trình +24,4m trở xuống thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước đã thực hiện xong và bàn giao cho các sở, ngành địa phương phối hợp quản lý với tổng diện tích đất bán ngập trên 20.000 ha. Trong đó, UBND tỉnh đã thu hồi khoảng 1.000 ha đất bán ngập của Công ty DT-PH giao cho các đơn vị xây dựng nhà máy điện mặt trời, diện tích còn lại dự kiến sẽ tiếp tục triển khai trồng rừng bán ngập, rừng trồng tập trung và phân tán từ cao trình +24,4m trở xuống.

Cũng theo Báo cáo số 07, năm 2021, Công ty DT-PH phối hợp với Công ty Việt Dương sẽ triển khai trồng khoảng 1.000 ha cây gáo vàng và cây đa năng từ cao trình +22,5m trở xuống cao trình +21m tại ấp Tân Hoà, ấp Tà Dơ (xã Tân Thành); khu vực Bến Khuỷnh thuộc ấp Phước Bình 2, xã Suối Ðá, xã Phước Minh ( huyện Dương Minh Châu) ngay khi nước hồ bắt đầu xuống thấp... Ðể việc trồng rừng được thuận lợi, Công ty DT-PH mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, của UBND tỉnh, sự phối hợp và hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân ngừng canh tác trên đất bán ngập, chấm dứt các hành vi ngăn cản, phá hoại việc trồng rừng.

Công ty Việt Dương đã trồng 50 ha cây gáo vàng tại ấp Ðồng Kèn 2 và ấp Tà Dơ thuộc xã Tân Thành. Công ty đã cắm các bảng pa-nô tuyên truyền tại thực địa, công bố công khai thông tin dự án trồng rừng từ cao trình +22m trở xuống (phần diện tích đất mà người dân không thể canh tác, do thời gian bị ngập nước khoảng 9 tháng/năm). Công ty Việt Dương sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai trồng 500 ha rừng bán ngập trong năm 2021. Hiện công ty đã chuẩn bị chu đáo về nguồn lực, giống cây trồng, điều kiện phương tiện cơ giới, tranh thủ mực nước hồ rút đến đâu triển khai trồng đến đó (mực nước hiện đang ở cao trình 19,25m, rất thuận lợi để trồng rừng).

Tuy nhiên, việc triển khai trồng rừng của Công ty Việt Dương đang gặp nhiều khó khăn, do vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của một số người dân. Nhiều diện tích rừng trồng trên vùng đất bán ngập bị phá hoại nghiêm trọng.

QUỐC SƠN

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục