Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm 48 năm Ngày chiến thắng 30.4.1975: Thắng lợi của người Việt Nam, tự hào của lương tâm nhân loại
Kỳ 1: Chân lý rạng ngời, sao vẫn còn có người chưa nhận thức?
Thứ sáu: 04:59 ngày 28/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người Việt Nam chẳng bao giờ chấp nhận một sự thống trị nào hết của nước ngoài. Lịch sử chứng tỏ họ không ngừng chiến thắng, đẩy lùi quân xâm lược dù là người Trung Hoa, Mông Cổ, Mãn Châu, Pháp và dĩ nhiên cả người Mỹ

Trong một tác phẩm đạt giải thưởng Fulitzer và giải thưởng Sách quốc gia (National book award) của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, tựa đề “Sự lừa dối hào nhoáng” (dịch giả Đoàn Doãn, NXB Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành), sau 16 năm quân đội Mỹ cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, tác giả nổi tiếng Neil Sheehan đã viết: “…

Nếu ở lại Việt Nam chúng ta phải trả giá gánh nặng thường xuyên về tài chính. Nhất là chúng ta nhức nhối dai dẳng bởi vết thương tinh thần khi cố thống trị một dân tộc không bao giờ chấp nhận chúng ta.

Người Việt Nam chẳng bao giờ chấp nhận một sự thống trị nào hết của nước ngoài. Lịch sử chứng tỏ họ không ngừng chiến thắng, đẩy lùi quân xâm lược dù là người Trung Hoa, Mông Cổ, Mãn Châu, Pháp và dĩ nhiên cả người Mỹ”.

Ngày chiến thắng 30.4.1975 đi vào lịch sử nước ta đến nay đã 48 năm. Kể từ ngày ấy (từ đây xin gọi tắt là ngày 30.4), chiến tranh đã trở thành dĩ vãng. Hình ảnh dữ dội, kinh hoàng của chiến tranh chỉ còn trong ký ức của mỗi người Việt Nam. Ai ai cũng biết, chiến thắng 30.4- giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, non sông liền một dải, toàn dân được sống trong hoà bình, mọi người tích cực lao động sản xuất, mưu cầu cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc.

Thế nhưng cũng từ sau ngày 30.4, có một số không nhỏ người Việt bỏ nước ra đi, sống đời tha hương nơi đất khách quê người. Thời gian trôi qua, do có chính sách mở cửa, đổi mới của Nhà nước ta, lần lượt có những người Việt xa xứ trở về thăm quê. Sau gần nửa thế kỷ, người già thì kẻ mất người còn, những người trẻ tuổi ra đi ngày ấy nay cũng đã già, trên dưới tuổi thất thập, lớp con cái họ theo cha mẹ ra đi và cả thế hệ sinh ra ở nước ngoài những năm sau đó nay cũng vào độ trung niên.

Những người về thăm quê tất nhiên họ được biết đất nước, quê hương nay đã thay đổi như thế nào, cuộc sống lầm than cơ cực ngày nào nay không còn nữa. Những gì họ có được, thấy được ở xứ người, ở trong nước đều có cả, và không cần hỏi họ cũng biết giá cả còn rẻ hơn “ở bển”…

Vậy mà trên các mạng xã hội, mỗi năm cứ vào độ tháng 4 lại rộ lên những nội dung đầy “uất hận”, “căm thù” đối với đất nước, nơi mà chính những kẻ tung tin xấu độc ấy sinh ra, lớn lên. Họ gọi tháng 4 lịch sử đầy tự hào của cả nước là “tháng tư đen”, gọi ngày 30.4 đại thắng vinh quang là “ngày quốc hận”. Cùng với đó là sự xuyên tạc, kích động người dân Việt cả hải ngoại lẫn quốc nội chống phá đất nước dưới chiêu bài đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền… Vì sao thế?

Trước 30.4.1975, đa số người dân miền Nam sống tập trung ở vùng đô thị với cuộc sống tạm gọi là sung túc của nền kinh tế - xã hội dựa trên nguồn viện trợ Mỹ. Lớp người có tuổi, từng sống dưới chế độ Pháp thuộc, rồi Nhật cai trị ít nhiều biết được cảnh khổ của dân ta, cũng như mang máng biết được sự phản kháng của một lực lượng gọi là Việt Minh, nhưng sau đó thì họ nghe nói “Việt Minh cộng sản” đã “bắt tay với Pháp” chia hai đất nước năm 1954(?!).

Rồi đến sự việc một “chí sĩ”, “bao năm lê bước nơi quê người” là Ngô Đình Diệm được vị Quốc trưởng của quốc gia Việt Nam do Pháp dựng lên làm bình phong để quay lại tái chiếm nước ta là cựu hoàng Bảo Đại mời về làm Thủ tướng. Hai năm sau, năm 1956, Diệm “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại nhảy lên làm Tổng thống, lập ra chế độ “Đệ nhất cộng hoà” ở miền Nam Việt Nam, lúc bấy giờ gọi là “nước” Việt Nam Cộng hoà (VNCH).

Thực chất, Diệm chỉ là “con cờ” của đế quốc Mỹ, do Mỹ ép Pháp và Bảo Đại đưa về miền Nam rồi sau đó “hất cẳng” Pháp xâm chiếm miền Nam và lấy lý do Mỹ-Diệm không ký Hiệp định Genève để không thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Dù ít nhiều có biết sự thật như thế, nhưng một bộ phận người miền Nam phải “nín lặng” không dám hở môi vì Mỹ-Diệm cai trị miền Nam rất khắc nghiệt, đã “truy sát” những người yêu nước, mà chúng gọi là “Việt cộng” hết sức dã man, tàn bạo qua những chiến dịch gọi là “tố cộng, diệt cộng”, hay những “quốc sách” như xây dựng “dinh điền”, “khu trù mật”, “ấp chiến lược”…

Đối với lớp trẻ, có điều kiện ăn học, dù phần nhiều là học hành dở dang khi đến “tuổi quân dịch” mà không đậu được bằng tú tài (bằng tốt nghiệp THPT ngày nay), gần như không được biết gì về lịch sử đất nước sau năm 1945.

Môn Việt sử các bậc học phổ thông chấm dứt ở giai đoạn triều đình nhà Nguyễn với vị vua cuối cùng là Bảo Đại. Học sinh nào có thắc mắc, sẽ được trả lời lịch sử cận đại, hiện đại lên đại học sẽ học. Trong khi tỷ lệ học sinh vào đại học rất thấp, đại đa số là “rớt tú tài anh đi trung sĩ…”. Hoặc thấp hơn nữa, phải nghỉ học từ bậc tiểu học, trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở ngày nay) thì đi binh nhì.

Thực trạng một bộ phận dân cư các đô thị miền Nam là thế. Tuy nhiên, ngoài các vùng đô thị bị thực dân Pháp, phát xít Nhật rồi đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai tạm chiếm, ở nông thôn có các “vùng giải phóng”, nơi luôn bị bom đạn khốc liệt thiêu cháy, chất độc hoá học làm trụi lá cây, huỷ hoại môi trường, nhưng có lực lượng cách mạng của những người yêu nước không sợ hy sinh cả tài sản, tính mạng, từng tham gia phong trào Việt Minh, đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945, giành độc lập dân tộc từ tay phát xít Nhật, xoá đi cảnh “một cổ hai tròng” vùi dập dân ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập công bố với cả thế giới. Sau đó, khi thực dân Pháp theo chân quân Anh với chiêu bài giải giới quân Nhật tái xâm lược nước ta, nhân dân miền Nam anh hùng đã không ngại gian khổ tham gia kháng chiến, hết đánh Pháp rồi tới đuổi Mỹ quyết quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, giải phóng đất nước thoát ách nô lệ ngoại bang.

Trong khi đó ở miền Bắc, sau khi thực dân Pháp thua trận Điện Biên Phủ, một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của lực lượng Việt Minh kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo, Pháp đã phải ký Hiệp định Genève ngày 20.7.1954 tạm thời chia đất nước Việt Nam thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến để tập kết lực lượng quân sự hai bên, Pháp rút quân vào Nam, Việt Minh tập kết ra Bắc; đúng hai năm sau, ngày 20.7.1956 sẽ tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam độc lập.

Giải phóng được nửa nước ở miền Bắc, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam (đổi tên từ Đảng Cộng sản Đông Dương) lãnh đạo đã phát động toàn dân thi đua yêu nước khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, xây dựng miền Bắc, làm hậu phương lớn cho nhân dân miền Nam đấu tranh với chế độ Mỹ-Diệm đòi thực thi Hiệp định Genève, hiệp thương thống nhất đất nước.

Lịch sử đất nước ta từ sau năm 1945 đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ là như thế, nhưng không ít người ở các đô thị miền Nam không được biết. Bởi lẽ, bọn giặc cướp nước và bè lũ tay sai bưng bít mọi thông tin và tập trung xuyên tạc lịch sử.

Sau khi thấy chế độ “gia đình trị” Ngô Đình Diệm độc tài quá mức, làm mất lòng dân, đàn áp thẳng tay cả những nhà tu hành, các sinh viên, học sinh… khiến cho nhiều nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp xã hội phản kháng bằng cách thoát ly ra chiến khu thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, mà chúng gọi là Việt cộng, Mỹ đã “thay ngựa giữa dòng” giật dây các tướng lãnh quân sự đảo chánh, lật đổ chế độ Diệm năm 1963.

Sau hai năm tranh giành quyền bính, các tướng nguỵ Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ lên cầm đầu nguỵ quyền Sài Gòn, song song đó là việc Mỹ trực tiếp đổ quân vào miền Nam để “tìm diệt” Việt cộng - lực lượng cách mạng đã và đang ngày càng lớn mạnh, mở rộng các vùng giải phóng, đe doạ làm sụp đổ cái gọi là “Đệ nhị cộng hoà”, tức chính quyền, quân đội VNCH do Mỹ và bè lũ tay sai Thiệu-Kỳ lập ra.

Cùng với việc trực tiếp đổ quân “leo thang chiến tranh” mà lúc cao điểm lên đến hơn nửa triệu quân, Mỹ cũng đổ vào cho nguỵ quyền miền Nam khối lượng viện trợ lớn nhất trong các nước “đồng minh”, tức chư hầu của đế quốc Mỹ.

Theo số liệu của trang thống kê truthdig.com (Hoa Kỳ), tổng viện trợ Mỹ cho nguỵ quyền VNCH trong 21 năm (1955-1975) can thiệp, thực chất là xâm lược Việt Nam là hơn 26 tỷ USD, gồm 16 tỷ USD viện trợ quân sự và 10 tỷ USD viện trợ kinh tế (nếu tính theo tỷ giá USD và VND thập niên 2010 thì phải nhân lên hàng chục lần).

Viện trợ quân sự thực chất là để mua bom đạn, súng ống, khí tài quân sự của của các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ để quân đội Mỹ trút xuống lãnh thổ Việt Nam và trang bị cho nguỵ quân VNCH sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh chống lại chính Tổ quốc và nhân dân mình, mà họ vẫn bảo là “nội chiến”.

Riêng về viện trợ kinh tế, khoản viện trợ 10 tỷ USD, cao gấp hai lần tổng thu nhập của nền kinh tế miền Nam thời bấy giờ, thực chất là đổ vào túi tham của giới cầm đầu nguỵ quân, nguỵ quyền và thành phần gian thương, buôn lậu có hệ thống chân rết ở khắp miền Nam.

Sự hưởng lợi từ viện trợ kinh tế Mỹ đã tạo ra bộ mặt phồn vinh giả tạo và lối sống sa đoạ truỵ lạc của không ít người trong xã hội miền Nam. Rồi từ sau 30.4.1975 đã trở thành sự tiếc nuối khôn nguôi, dẫn tới sự uất hận nửa thế kỷ chưa tan của những kẻ vong quốc ở hải ngoại, cứ mỗi năm đến tháng 4 mà họ gọi là “tháng 4 đen”, lại vác “cờ ba que” ra đường biểu tình, làm trò cười cho người ngoại quốc.

Nguyễn Tấn Hùng

(Còn tiếp)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh