Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cảnh giác nạn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng
Kỳ 1: Chiêu thức liên tục thay đổi
Thứ bảy: 00:18 ngày 02/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhưng thời gian qua, nhiều người vẫn “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo qua những cuộc gọi, tin nhắn, mạng xã hội với chiêu thức biến hoá liên tục, nhằm chiếm đoạt thông tin về tài khoản ngân hàng của người dùng.

Giả mạo tin nhắn thương hiệu

Gần đây, xuất hiện trường hợp giả mạo tin nhắn mang thương hiệu của ngân hàng, gửi kèm link giả để lừa khách hàng nhập thông tin tài khoản ngân hàng điện tử và mã OTP nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Các tin nhắn giả mạo được lưu trong cùng mục với tin nhắn thật của ngân hàng trên điện thoại và thường có nội dung như thông báo tài khoản có giao dịch bất thường ở nước ngoài cần xác thực; tài khoản của bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu phí dịch vụ hằng tháng là 2 triệu đồng sẽ bị trừ trong 2 giờ; tài khoản đang bị tạm khoá, yêu cầu cập nhật thông tin... và đều yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link đính kèm sẵn, dẫn đến một website giả mạo có giao diện giống website của ngân hàng, yêu cầu khách hàng nhập tên và mật khẩu đăng nhập Internet Banking cùng mã OTP. Nếu thực hiện theo, kẻ gian sẽ lấy được mật khẩu và OTP để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng.

Chị Đ.N (ngụ thị xã Trảng Bàng) cho biết, ngày 4.2, chị nhận được tin nhắn từ Vietcombank có nội dung “VCB Digibank trân trọng thông báo tài khoản của quý khách hiện tại đã bị khoá. Đăng nhập www.vcbdiebink.com để xác thực ngày hôm nay”.

“Tôi đã liên hệ ngay tổng đài chăm sóc khách hàng của Vietcombank để hỏi rõ sự việc. Nhân viên chăm sóc khách hàng thông báo tin nhắn có nội dung như trên là giả mạo, nhằm dẫn dụ nạn nhân nhập thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến, số điện thoại và mã OTP, sau đó kẻ gian sẽ chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản của khách hàng”- chị N nói.

Tương tự, anh N.T (ngụ huyện Châu Thành) chia sẻ, cách đây 3 tháng, anh nhận được 2 tin nhắn từ ngân hàng Sacombank và ACB thông báo tài khoản của anh hiện đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải đề nghị truy cập theo đường link cung cấp trong tin nhắn để huỷ giao dịch. Do được các ngân hàng cảnh báo về các chiêu thức lừa đảo về giao dịch điện tử nên anh T không bị mắc lừa.

Lừa mua hàng trên internet

Thủ đoạn “mua hàng tặng người thân nhưng đang ở nước ngoài nên phải chuyển tiền thông qua ví điện tử” trên trang web giả mạo không phải là mới, nhưng vẫn có một số người mắc bẫy và bị mất sạch tiền. Các đối tượng giả mạo người mua hàng, thực hiện các việc xác nhận mua bán hàng hoá với nạn nhân, sau đó thông báo đã chuyển tiền cho người bán hàng thông qua ví điện tử trên trang web giả mạo và yêu cầu nạn nhân vào xác nhận. Nạn nhân sau khi xác nhận tên truy cập, mật khẩu đăng nhập vào tài khoản Internet Banking/Mobile Banking, xác nhận qua mã xác thực mật khẩu 1 lần OTP về điện thoại và bị trừ tiền tài khoản.

Chị Kim Anh (ngụ xã Trí Bình, huyện Châu Thành) cho biết, một tài khoản facebook tên Tiên nhắn tin hỏi mua một số đồ dùng gia đình. Đối tượng này cho biết đang sống tại Singapore và đã đặt mua sản phẩm của chị Kim Anh hết 2 triệu đồng để gửi tặng cho em gái đang sinh sống ở Hà Nội. Vị khách này chủ động chuyển khoản đặt cọc trước 1 triệu đồng và cho biết khi nào hàng có đầy đủ theo yêu cầu thì sẽ chuyển khoản hết số tiền còn lại.

“Người này gửi một đường dẫn yêu cầu tôi nhấp vào đường dẫn đó rồi cung cấp số tài khoản ngân hàng để xác nhận đã nhận tiền. Đối tượng liên tục nhắn tin hối thúc tôi nhanh chóng đăng nhập. Khoảng 5 phút sau, tôi nhận một cuộc điện thoại, người gọi tự xưng là giao dịch viên ngân hàng gọi điện để xác nhận và hướng dẫn cách nhận tiền. Nhưng người tự xưng là giao dịch viên ngân hàng gọi điện nói chuyện khá ấp úng, không rõ ràng nên tôi nghi ngờ lừa đảo. Ngay lập tức, tôi từ chối nhận đơn hàng này thì vị khách Việt kiều đó chặn tin nhắn Facebook của tôi”- chị Kim Anh nói. 

Tương tự, chị P.T (ngụ TP.Tây Ninh) cũng từng bị một khách hàng tự xưng là Việt kiều Mỹ vào trang Facebook của chị đặt mua nhiều đồ mỹ phẩm để tặng cho họ hàng ở Việt Nam, với tổng giá trị đơn hàng khoảng 4 triệu đồng. Khi chị T yêu cầu vị khách này chuyển khoản 2 triệu đồng để đặt cọc hàng.

Sau đó, người này nhắn một đường dẫn yêu cầu chị T nhấp vào rồi khai báo tên đăng nhập, mật khẩu, nhập cả mã OTP để nhận tiền. Do có sự cảnh giác nên chị T đã gọi điện hỏi người quen làm bên ngân hàng thì được biết đây là hình thức lừa đảo. Nếu nhấp vào đường dẫn đó và cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng thì đối tượng sẽ chiếm được quyền kiểm soát tài khoản.

Lừa gạt đánh cắp dữ liệu cá nhân

Đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên nhà mạng, gọi đến thông báo hỗ trợ khách hàng nâng cấp sim điện thoại kèm theo nhiều tiện ích, quà tặng; đồng thời, dụ dỗ khách hàng gửi tin nhắn theo hướng dẫn để nâng cấp. Thực chất, bước này là để lừa khách hàng kích hoạt eSIM trên thiết bị mới của kẻ tấn công, thay thế cho sim hiện tại của nạn nhân.

Khi người dân tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn, nhà mạng sẽ gửi tin SMS có mã OTP để xác nhận thay đổi khi kích hoạt sim mới. Kẻ lừa đảo yêu cầu người dùng đọc mã OTP này, và thuyết phục mã này chỉ phục vụ nâng cấp sim điện thoại. Sau khi cung cấp mã OTP, người dùng sẽ bị vô hiệu hoá sim điện thoại, do kẻ xấu đã chiếm quyền sử dụng sim. Trường hợp số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và nhắn tin thông tin giao dịch, mã OTP thì có thể gây rủi ro mất tiền trên tài khoản của khách hàng.

Chị T.H (ngụ phường 3, TP.Tây Ninh) chia sẻ, khoảng 7 giờ ngày 27.3, chị có nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại 0384…132, tự xưng là nhân viên nhà mạng Vinaphone hỗ trợ nâng cấp từ sim 3G lên 4G. Đối tượng đọc đúng họ tên và số căn cước công dân của chị H.

Sau đó, người này hướng dẫn chị H thực hiện nhắn tin theo cú pháp để hỗ trợ cho việc nâng cấp sim. “Do sim của tôi đã được nâng cấp lên 4G và nghi ngờ đây là cuộc gọi lừa đảo nên tôi đã tắt máy ngay. Đối tượng này liên tục gọi lại nên tôi đã chặn cuộc gọi. Sau đó, tôi có gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của Vinaphone để xác thực thông tin thì được biết đây là một trong những chiêu trò lừa đảo nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân, chiếm đoạt tài sản”- chị H nói.

Tương tự, anh Q.H (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho hay, cách đây không lâu, anh nhận được điện thoại từ số lạ tự xưng là nhân viên Mobifone gọi tới tư vấn chuyển sim 4G lên 5G. Người này đọc đúng số chứng minh nhân dân, họ tên và ngày tháng năm sinh của anh H để xác minh và giúp chuyển sim trên hệ thống. Sau đó, người này yêu cầu anh H đọc mã OTP mà Mymobifone gửi về. Do cảnh giác, anh H đã từ chối yêu cầu và chặn cuộc gọi của đối tượng này.

Ngoài ra, còn một chiêu lừa gạt đánh cắp dữ liệu cá nhân mà các đối tượng sử dụng là lập trang web giả mạo để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhằm thu thập thông tin, lịch sử giao dịch và tài khoản của khách hàng, phục vụ cho việc lừa đảo, gian lận.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cảnh báo các hình thức lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng

Thiên Di

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục