Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, không ít người dân bị đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo sang làm việc tại Campuchia với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”, sau đó bị cưỡng bức lao động rồi yêu cầu tiền chuộc nếu muốn quay trở về Việt Nam.
Bộ đội biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài làm thủ tục tiếp nhận người lao động Việt Nam từ Campuchia về nước hôm 27.10.2022 (ảnh An Khang)
Hàng trăm lao động Việt ở Campuchia tìm cách về nước
Gần đây, lực lượng chức năng tỉnh tiếp nhận khá đông người lao động Việt Nam làm việc trái phép ở Campuchia trở về. Trong đó, có nhiều người qua Campuchia theo những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”. Trước đó, ngày 11.10, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài tiếp nhận 78 công dân Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp lực lượng chức năng Campuchia bàn giao.
Đa phần công dân được trao trả về nước do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp với các lực lượng chức năng tại Campuchia giải cứu từ các casino và công ty game online trú đóng trên địa bàn thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh, thành lân cận.
Sau khi tiếp nhận, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã phối hợp lực lượng Công an tổ chức sàng lọc, điều tra, xác minh nhân thân của từng trường hợp trước khi trả họ về địa phương nơi cư trú.
Hay mới đây, ngày 22.10, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát đã tiếp nhận 171 công dân Việt Nam (31 nữ, 140 nam) do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang - Campuchia phối hợp lực lượng chức năng Campuchia đưa về nước.
Công dân được trao trả về nước lần này là do Tổng lãnh sự quán đề nghị với các lực lượng chức năng tại Campuchia triển khai lực lượng giải cứu từ ngày từ 11 - 17.10.2022, khi các nạn nhân bị một công ty đánh bạc trực tuyến, nằm trong khu O-Smach Resort, thuộc thành phố Samrong, tỉnh Oddar MeanChey (giáp với biên giới Thái Lan) giam giữ và cưỡng bức lao động.
Ngay sau khi tiếp nhận, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát phối hợp Công an Tây Ninh nhanh chóng rà soát, xác minh nhân thân, hoàn tất thủ tục trước khi trả họ về nơi cư trú.
Đại tá Cao Xuân An- Trưởng Phòng Phòng, chống ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, các công ty game online, casino của Campuchia tìm mọi cách tuyển dụng người lao động trên mạng xã hội, dẫn đến tình hình xuất nhập cảnh diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng trên, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường nắm bắt tình hình, quản lý địa bàn; phát hiện đấu tranh với hoạt động, tổ chức đường dây đưa đón người xuất cảnh trái phép; tuần tra quản lý bảo vệ biên giới tại các cửa khẩu; thông báo, trao đổi, phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân để không bị kẻ xấu lợi dụng.
Từ đầu năm đến nay, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đã tiếp nhận trên 500 công dân Việt Nam do đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và các lực lượng chức năng Campuchia đưa về; phối hợp và đề nghị lực lượng chức năng Campuchia giải cứu trên 30 công dân.
Ngoài việc tổ chức tuần tra, mật phục ngăn chặn, quản lý bảo vệ biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép.
Trong 9 tháng năm 2022, Bộ đội Biên phòng đã khởi tố 6 vụ/13 đối tượng tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và hoàn chỉnh thủ tục bàn giao cho lực lượng Công an tỉnh thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền; ra quyết định xử phạt khoảng trên 30 tỷ đồng về hành vi xuất nhập cảnh trái phép, qua lại biên giới không làm thủ tục đăng ký, không đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định.
Người dân làm thủ tục nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Không có chuyện “việc nhẹ lương cao”
Thượng tá Nguyễn Văn Tâm - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết đối tượng nhắm vào những người trẻ, ít học, ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn để dụ dỗ. Các đối tượng sử dụng tài khoản Zalo, Facebook, Telegram… đăng tải bài viết mời gọi người lao động sang Campuchia làm việc với lời quảng cáo hấp dẫn như công việc văn phòng; thu nhập, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ tốt; được nghỉ phép đầy đủ kèm theo những hứa hẹn như công ty sẽ lo mọi chi phí sang Campuchia, có thể làm thử việc, nếu không đồng ý sẽ được trở về Việt Nam… để công dân tin tưởng và đồng ý sang Campuchia.
Sau đó, chúng móc nối, chỉ đạo, cho tiền người lao động ở Campuchia hoặc sau khi được về nước tiếp tục tuyển dụng, dẫn dụ và tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia, rồi giao lại cho đối tượng cầm đầu bán cho các casino, công ty. Nhằm đối phó với cơ quan Công an, đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội (Facebook, Wechat, Zalo, Viber…) để liên lạc, chỉ đạo, điều hành gây khó khăn trong việc truy vết, thu thập dữ liệu, thông tin liên quan.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an Tây Ninh phối hợp các lực lượng đứng chân trên biên giới đã bắt, xử lý 66 vụ/194 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép; khởi tố 6 vụ/6 đối tượng tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép.
Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp nhận, xác minh hơn 1.000 trường hợp công dân Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia lao động trong các casino, công ty lừa đảo trực tuyến được lực lượng chức năng Campuchia bàn giao hoặc tự trở về nước.
Tiếp nhận 44 trường hợp công dân đến cơ quan Công an hoặc gửi đơn cầu cứu về việc người thân của họ bị lừa gạt, dụ dỗ sang Campuchia để lao động bất hợp pháp trong các công ty cờ bạc, lừa đảo trực tuyến.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an tỉnh đã đề nghị Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Sở Ngoại vụ giải cứu 15 trường hợp; hướng dẫn, giúp đỡ gia đình các nạn nhân giải cứu được 4 trường hợp; 16 trường hợp nạn nhân cùng gia đình tự trả tiền chuộc để về nước.
Các lực lượng Công an tỉnh đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức 114 đợt tuyên truyền trực tiếp với hơn 1.600 người tham dự; đăng 405 bài viết với gần 42.000 lượt chia sẻ tuyên truyền trên mạng xã hội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo việc nhẹ lương cao.
Chỉ đạo Công an các xã biên giới mời làm việc 34 đối tượng nghi vấn đưa rước người qua lại biên giới trái phép và những trường hợp đã từng vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh để răn đe giáo dục, cho cam kết không vi phạm, tái phạm.
Theo Thượng tá Vũ Quang Quân- Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, “việc nhẹ, lương cao” thực chất là cái bẫy đối với những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, phần lớn rơi vào trường hợp dễ bị tổn thương như gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học hành không đầy đủ, trình độ tay nghề còn thấp, chưa va vấp xã hội, tuổi trẻ mới lớn muốn thể hiện bản thân nên rủ nhau lên mạng tìm việc rồi bị lừa. Đặc biệt, một số em trốn không cho gia đình biết mình đi đâu, làm gì, khi tới đất Campuchia làm được 1-2 ngày mới biết bị lừa.
Trước tình hình người lao động Việt Nam đang làm việc tại các công ty trong casino bên phía Campuchia có nhu cầu về nước tăng cao, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ cũng như làm các thủ tục theo quy định để bảo đảm quyền lợi cho công dân sau khi về nước, nhất là làm hộ chiếu, CCCD gắn chip và các thủ tục, giấy tờ khác có cơ sở pháp lý.
Việc tiếp nhận công dân về nước qua cửa khẩu bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp với lực lượng chức năng phía Campuchia giải cứu, bàn giao; các lực lượng chức năng phía Campuchia tiếp nhận thông tin, sau đó kiểm tra hành chính và giải cứu, bàn giao; gia đình hoặc người thân tự liên hệ với công ty hoặc người đòi tiền chuộc để thoả thuận rồi gửi tiền chuộc, sau đó đưa về; công dân tìm cách trốn, chạy về tới biên giới hoặc cửa khẩu rồi xin về nước.
“Sau khi tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ Campuchia, đơn vị đã chỉ đạo cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác tư tưởng để ổn định tinh thần, bảo đảm chỗ nghỉ ngơi, ăn uống; sau đó phân loại và làm các thủ tục pháp lý cần thiết; cuối cùng bàn giao cho gia đình hoặc hướng dẫn họ ra bến xe cửa khẩu đón xe trở về địa phương.
Có nhiều trường hợp không có tiền đi xe, đơn vị huy động cán bộ, chiến sĩ đóng góp hỗ trợ cho các công dân này”- Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài chia sẻ.
THIÊN DI
(còn tiếp)