Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn- Cần những sự thay đổi
Kỳ 1: Đối tượng ưu tiên chưa mặn mà với chính sách
Chủ nhật: 23:35 ngày 18/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác tuyển sinh đào tạo nghề. Nhiều ngành nghề đào tạo đã không còn thu hút được học viên...

Giáo viên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân. Ảnh: Ngọc Bích

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, tỉnh Tây Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác tuyển sinh đào tạo nghề. Nhiều ngành nghề đào tạo đã không còn thu hút được học viên. Một số lớp dạy nghề sau đào tạo không mang lại hiệu quả như mong muốn, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

Hiệu quả khi đúng đối tượng

Thực tế, nếu đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng đối tượng, đúng nghề sẽ phát huy hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Ngọc Phụng, 36 tuổi, ngụ ấp Lộc Thuận, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu có nghề uốn tóc và mở một tiệm làm tóc nhỏ đã nhiều năm. Năm 2019, Hội LHPN xã chiêu sinh lớp dạy nghề trang điểm cho lao động nông thôn, chị Phụng đăng ký.

Sau 3 tháng học, chị Phụng có thêm nghề trang điểm. Chị nói: “Trước đây tôi cũng có ý định học thêm nghề này, nhưng điều kiện gia đình còn khó khăn. Khi Hội LHPN xã chiêu sinh lớp dạy trang điểm, vì gần nhà, lại không tốn chi phí nên tôi đăng ký tham gia. Nhờ vậy mà có thêm một nghề để kiếm sống”. Hiện tại, với nghề uốn tóc và trang điểm, mỗi ngày chị Phụng có khoản thu nhập khá ổn định.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Muội- Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Ninh cho biết, thời gian qua, địa phương mở các lớp đào tạo nghề (lái xe, nấu ăn, trang điểm…) thu hút nhiều lao động tại nông thôn tham gia. Học viên sau đào tạo đa số đều có việc làm ổn định. Hội cũng sẽ hỗ trợ vốn để các chị có nhu cầu đầu tư phát triển nghề. Trong vòng 3 năm nay, Hội tổ chức lớp hoặc giới thiệu học nghề cho khoảng 160 người.

Đoàn khảo sát làm việc tại huyện Tân Biên.

Theo bà Phạm Thị Thu Hồng- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, hiệu quả công tác đào tạo nghề đến nay cơ bản bảo đảm với những nghề gắn với tình hình thực tế tại địa phương. Qua các lớp đào tạo, các đối tượng học nghề trên địa bàn xã tự tạo việc làm như mở quán ăn hay tham gia các nhóm nấu ăn; những người học về chăn nuôi thì có thể đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi ở gia đình, nâng cao thu nhập. Hằng năm, xã đều thực hiện khảo sát nhu cầu của người dân về đào tạo nghề, theo đó, người dân địa phương thường có nhu cầu về các nghề như cạo mủ, chăn nuôi, nấu ăn, pha chế…

Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua đã giúp người lao động tạo được việc làm hoặc tìm việc phù hợp, góp phần cải thiện đời sống. Kết thúc giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tây Ninh đã đào tạo nghề cho 20.357 người, đạt 98,47% kế hoạch. Tổng kinh phí thực hiện là trên 46 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương phân bổ gần 33 tỷ đồng.

Chưa thu hút lao động nông thôn

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế lại cho thấy người dân không quá mặn mà với chính sách này. Một bộ phận người trẻ muốn theo học tại các cơ sở đào tạo tập trung, chính quy để “có cái bằng”; một bộ phận còn lại, vì điều kiện tuổi tác, hạn chế về trình độ nên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học nghề. Do đó, số lượng học viên của các lớp nghề thường không ổn định hoặc không đủ chỉ tiêu để mở lớp.

Trong các đối tượng thụ hưởng chính sách, nhóm I (bao gồm người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất) tham gia học nghề chỉ chiếm 4,58%. Riêng chính sách dành 10% kinh phí cho đối tượng người khuyết tật hầu như không được sử dụng do không có người học. Với nhóm II là nhóm lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo, cũng là nhóm đối tượng được quan tâm, tạo điều kiện học nghề, nhưng tham gia học nghề rất ít, chỉ chiếm 1,18%.

Đối tượng tham gia học nghề nhiều nhất thuộc nhóm III, gồm bộ đội xuất ngũ và lao động nông thôn khác, chiếm trên 96%. Tuy vậy, theo báo cáo giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, đối tượng là bộ đội xuất ngũ tham gia học nghề chỉ có 22 người trên tổng số hơn 19.600 người thuộc nhóm đối tượng này.

Có thể thấy rằng, tỷ lệ tham gia học nghề chưa bền vững, chưa cân đối của các nhóm đối tượng thụ hưởng là một vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, giai đoạn 2016-2020, có 1.154 lao động nông thôn tham gia học nghề. Tuy nhiên, số lớp được mở giảm dần qua các năm. Năm 2016, huyện Dương Minh Châu mở được 15 lớp/445 học viên. Ba năm tiếp theo, số lớp mỗi năm giảm còn một nửa, số học viên cũng chỉ còn một nửa so với năm 2016. Đến năm 2020, huyện chỉ tổ chức được 2 lớp với 50 học viên.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Sang- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu, hiện nay, đối tượng lao động trẻ thường đi làm tại công ty, xí nghiệp. Việc vận động người dân tham gia lớp đào tạo nghề rất khó khăn, vì vậy, chính quyền địa phương phải định hướng cho người dân học nghề để phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn, ví dụ như chăn nuôi gà, bò, trồng rau…

Huyện Tân Biên là một trong số ít các địa phương thực hiện đào tạo nghề vượt trên 100% kế hoạch hằng năm, do nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện còn rất lớn. Huyện đã mở được nhiều lớp dạy cạo mủ cao su, kỹ thuật trồng mì, chăn nuôi gà, trồng sau sạch. Tuy nhiên, ngay cả khi có nguồn tuyển sinh lớn và tổ chức tốt công tác dạy nghề, Tân Biên cũng không thể mở lớp đào tạo riêng cho nhóm các đối tượng yếu thế.

Bà Nguyễn Thị Thanh- Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện lý giải: khi mở các lớp đào tạo nghề, địa phương chú ý tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia, giúp họ có nghề để kiếm sống. Nhưng người khuyết tật thường phụ thuộc người thân trong việc đưa đón nên khó tham gia các lớp học.

Học sinh Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh trong giờ thực hành nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng, thành viên Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, cần có giải pháp vận động người học yên tâm học nghề cũng như bảo đảm công việc sau khi được đào tạo. Ông Bành Văn Hải, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Dương Minh Châu cũng cho rằng các nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi trong đào tạo nghề lại ít đăng ký học nghề. “Càng nghèo họ càng khó đăng ký học nghề vì bận kiếm sống mỗi ngày”- ông Hải nói.

Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng khi đào tạo nghề, các ngành, đơn vị cần lưu ý định hướng nghề nghiệp, cho người học thấy mình phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Sau hướng nghiệp là giúp họ khởi nghiệp, tiếp đó là nâng cao lên lập nghiệp.

Thực tế, các lớp đào tạo nghề lĩnh vực nông nghiệp ngày càng khó tuyển sinh. Người lao động có xu hướng lựa chọn học các lớp đào tạo nghề lĩnh vực phi nông nghiệp. Tuy nhiên, công tác đào tạo các nhóm ngành nghề này chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc cho cả đôi bên.

Qua khảo sát, các thành viên Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh nhận định: Nếu không được hỗ trợ, không thấy được lợi ích thiết thực của việc đào tạo và tái đào tạo nghề, người lao động sẽ không tham gia dù Nhà nước có tạo điều kiện như thế nào.

Vi Xuân

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh