Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sai phạm hàng tỷ đồng ở Trường THCS Thị trấn Tân Biên
Kỳ 1: Đủ mọi kiểu chiếm giữ, làm thất thoát ngân sách
Thứ năm: 07:49 ngày 06/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Không chỉ lãnh đạo nhà trường mà cả giáo viên, nhân viên cũng liên quan đến vụ tiêu cực, trong đó có ba người phải chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ.

Trường THCS thị trấn Tân Biên.

UBND huyện Tân Biên vừa công bố kết luận thanh tra về hoạt động thu, chi tài chính của Trường trung học cơ sở thị trấn Tân Biên. Theo đó, ngôi trường ở huyện biên giới này đã mắc nhiều sai phạm về tài chính. Không chỉ lãnh đạo nhà trường mà cả giáo viên, nhân viên cũng liên quan đến vụ tiêu cực, trong đó có ba người phải chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ. Đến thời điểm hiện tại, có thể nói, vụ tiêu cực ở trường này là nghiêm trọng và có nhiều chuyện “thật mà như đùa”.

SAI PHẠM TỪ NHÂN VIÊN, GIÁO VIÊN ĐẾN CÁN BỘ QUẢN LÝ

Theo kết luận thanh tra, năm học 2014 - 2015, lãnh đạo Trường THCS thị trấn Tân Biên phân công một giáo viên là bà Nguyễn Thị Kim Liên phụ trách việc thu tiền. Thế nhưng, sau khi thu, bà Liên lại không giao 338 biên lai cho người nộp học phí (liên 2) với số tiền hơn 127 triệu đồng (làm tròn số).

Việc này là sai quy định tại khoản 2, Điều 30, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24.9.2013 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 109) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không lập chứng từ khi thu phí, lệ phí…”.

Sang năm học 2016-2017, bà Nguyễn Thị Quỳnh - nhân viên văn thư, thủ quỹ của nhà trường đã chỉnh sửa ngày thu tiền trên 26 biên lai (thu tháng trước ghi sang ngày đầu tháng sau) số tiền 9,9 triệu đồng là sai quy định tại khoản 6, Điều 30, Nghị định 109. Theo đó, “phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến dưới 4.000.000 đồng cho mỗi số chứng từ đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa nội dung các chỉ tiêu của chứng từ đã sử dụng”.

Cũng liên quan đến trách nhiệm của bà Quỳnh, đoàn thanh tra kết luận, số tiền bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh đã thu từ ngày 22.8.2016 đến ngày 31.8.2016 là hơn 246 triệu đồng (539 thẻ), nhưng đến ngày 9.12.2016, bà Quỳnh mới nộp hơn 167 triệu đồng (367 thẻ) và ngày 23.12.2016 nộp tiếp hơn 78 triệu đồng (172 thẻ). Việc nộp chậm như thế là sai quy định.

Kết luận thanh tra còn cho thấy, bà Quỳnh còn “hưởng” một số khoản tiền không đúng quy định. Bên cạnh đó, bà Quỳnh còn tự ý cho giáo viên, nhân viên trường tạm ứng tiền mà không thông qua chủ tài khoản; không phân được thu, chi, tồn các nguồn tiền trong và ngoài ngân sách là sai quy định và chưa thực hiện hết trách nhiệm của thủ quỹ.

Đối với bà Trần Thị Lộc- giáo viên, nguyên thủ quỹ Trường THCS thị trấn Tân Biên, kết luận thanh tra nêu: Việc hưởng lương và phụ cấp qua thẻ ATM của bà Lộc tuy chỉ hưởng thừa số tiền hơn 14.000 đồng nhưng cũng là sai quy định. Bà Lộc còn liên quan đến việc chiếm giữ nguồn tiền học phí giai đoạn bà làm thủ quỹ (tại thời điểm tháng 2.2015) với số tiền hơn 171 triệu đồng.

Trong tháng 2.2015, bà Lộc bàn giao quỹ cho thủ quỹ mới  nhưng đến tháng 10.2015 mới nộp trả 100 triệu đồng và tiếp tục nộp trả 3 lần nữa với số tiền hơn 46 triệu đồng. Tổng số tiền bà Lộc nộp trả là 146.454.000 đồng.  Như vậy, việc bà Lộc đã chiếm giữ số tiền hơn 171 triệu đồng trong suốt 8 tháng (từ tháng 2.2015 đến tháng 10.2015), và hiện nay bà vẫn còn giữ không nộp số tiền 24.687.499 đồng là sai quy định. Theo kết luận thanh tra, hành vi này có dấu hiệu phạm tội “tham ô tài sản” theo Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005.

Về trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - kế toán nhà trường, bản kết luận thanh tra chỉ rõ, với vai trò kế toán, bà Hoàng Anh không thực hiện kiểm soát, thống kê cùi biên lai, không kịp thời mua cùi biên lai để thu, hướng dẫn người thu ghi sang ngày đầu tháng sau đối với các khoản thu từ ngày 25 đến hết tháng trước; đồng thời bà Hoàng Anh là kế toán mà trực tiếp tham gia thu tiền là sai quy định. Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh không thực hiện hết vai trò của kế toán dẫn đến một số sai phạm.

Cụ thể là một số chứng từ chi trong ngân sách các năm 2013, 2014, 2015 và 2016 vi phạm nguyên tắc kế toán; các quỹ ngoài ngân sách năm học 2013-2014 không có chứng từ chi, năm 2014-2015 không có phiếu chi, giấy đề nghị thanh toán. Riêng quỹ chăm sóc sức khoẻ ban đầu không có chứng từ chi. Việc chi khoán công tác phí năm 2015 cho ban giám hiệu, thủ quỹ và kế toán tổng số tiền 5.800.000 đồng không có quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ là sai.

Liên quan đến tiền BHYT, số tiền đã thu của học sinh từ đầu năm học 2014 – 2015 đến tháng 12.2014 là hơn 27 triệu đồng (làm tròn số) nhưng nhà trường đã không nộp kịp thời về Bảo hiểm xã hội huyện, mà tới tháng 1.2015 mới nộp dẫn đến bị thu theo bảng giá năm thực nộp khiến số tiền chênh lệch tăng hơn 13 triệu đồng.

Theo kết luận thanh tra, việc này là do bà Nguyễn Thị Hoàng Anh không đôn đốc các giáo viên chủ nhiệm rà soát các thông tin chi tiết để gửi về tổng hợp kịp thời. Là kế toán nhưng bà Nguyễn Thị Hoàng Anh kiểm soát cùi biên lai phát ra và thu vào không chặt chẽ, bản thân bà Hoàng Anh cũng trực tiếp tham gia thu, một cách không minh bạch, dẫn đến năm học 2015-2016 chậm nộp số tiền đã thu hơn 49 triệu đồng (có 5 cùi biên lai, đến tháng 10.2016 mới nộp cho thủ quỹ).

Ngoài ra, việc bà Nguyễn Thị Hoàng Anh không nộp vào quỹ của trường số tiền 7.060.000 đồng là có dấu hiệu tội phạm “tham ô tài sản” theo Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Với vai trò kế toán nhưng bà Hoàng Anh tham mưu thực hiện việc xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất một số công trình không đúng trình tự theo quy định như không có dự toán, không có báo cáo kinh tế kỹ thuật, không có quyết định chỉ định thầu, không có hợp đồng xây lắp…

Đoàn thanh tra kết luận: bà Nguyễn Thị Hoàng Anh làm kế toán từ tháng 10.2012 đến nay đã làm sai, gây thất thoát ngân sách Nhà nước tổng số tiền hơn 135 triệu đồng. Trong đó, cá nhân bà trực tiếp cố ý hưởng sai 129.721.650 đồng là có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi”, theo khoản 4, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Hành vi vi phạm kéo dài từ nhiều năm với số tiền và số lần vi phạm ngày càng tăng; mức độ của vụ việc tham nhũng là “nghiêm trọng”.

Không chỉ giáo viên, nhân viên mà cả hiệu phó và hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Biên cũng mắc nhiều sai phạm. Bản kết luận thanh tra đã chỉ ra sai phạm của ông Nguyễn Thanh Phương- Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Biên.

Theo đó, trong giai đoạn làm hiệu trưởng, ông Nguyễn Thanh Phương đã chỉ đạo kế toán thực hiện việc cấn trừ các khoản vay ngân hàng, đoàn phí công đoàn, đảng phí… qua lương chuyển vào tài khoản của thủ quỹ làm tăng mức độ khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý, giám sát.

Theo kết quả thanh tra, ông Nguyễn Thanh Phương có kiểm tra trước khi ký duyệt các bảng lương, bảng chuyển khoản qua ngân hàng, bảng trừ các khoản hằng tháng, nhưng không phát hiện sai phạm dẫn đến kế toán hưởng sai số tiền 1.284.083 đồng. “Với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, ông Nguyễn Thanh Phương vi phạm mức độ “thiếu tinh thần trách nhiệm” theo khoản 1, Điều 54 Luật Phòng, chống tham nhũng “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ”, kết luận thanh tra nêu. Theo kết luận thanh tra, bà Lê Ngọc Xuân Thư– Phó Hiệu trưởng đã hưởng số tiền khoán công tác phí 2.200.000 đồng nhưng không có quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ là sai.

Trước những sai phạm kể trên, từng cá nhân đã lần lượt giải trình về những thiếu sót, sai phạm của mình theo từng nội dung. Trong phần giải trình việc kiểm soát cùi biên lai thu, người phụ trách thu, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, kế toán nhà trường cho biết, bà được hiệu trưởng giai đoạn 2013 - 2016 là ông Đỗ Ngọc Hiền phân công thu tất cả các khoảng từ năm học 2015 - 2016, nghĩa là bà thực hiện thu theo sự chỉ đạo của ông Đỗ Ngọc Hiền. Bản thân làm kế toán nhưng trực tiếp thu, kiểm soát thu và giữ tiền, bà nhận thấy việc này là sai.

Về việc thu và nộp tiền mua BHYT cho học sinh, ông Đỗ Ngọc Hiền giải trình: nguyên nhân chậm nộp là do thủ quỹ Trần Thị Lộc giữ tiền nhưng kế toán lập danh sách trễ và 28 giáo viên chủ nhiệm đối chiếu, rà soát số học sinh đã mua BHYT trễ. 

Đến ngày 31.12 của năm học 2014 – 2015 vẫn chưa có danh sách học sinh nên BHXH không nhận tiền, qua năm sau mới nộp nên bị thu theo bảng giá năm thực nộp. Người đứng đầu đơn vị để xảy ra việc nộp trễ thuộc một phần trách nhiệm của ông Hiền, kế đến là trách nhiệm của kế toán, thủ quỹ và 28 giáo viên chủ nhiệm. Khi chi tiền trường để nộp chênh lệch, ông Hiệu trưởng có xin ý kiến của các giáo viên trường. Ông Hiền thừa nhận việc lấy tiền của nhà trường để chi nộp bù BHYT quá hạn là sai…

CHI TIỀN KHÔNG CHỨNG TỪ, KHÔNG ĐÚNG THỰC TẾ

Một trong những sai phạm ở Trường THCS thị trấn Tân Biên mà bản kết luận thanh tra đã chỉ ra là, nhiều khoản thu chi quỹ ngoài ngân sách không có chứng từ. Khi làm việc với đoàn, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường phản ánh, việc thu, chi các quỹ có một số việc không bàn bạc, thống nhất trong ban giám hiệu, ông Đỗ Ngọc Hiền tự quyết định, sau đó mới thông báo tại cuộc họp của hội đồng sư phạm nhà trường.

Kết luận thanh tra cho biết, các khoản chi từ quỹ ngoài ngân sách của năm học 2013 – 2014 không có chứng từ chi (không có hoá đơn, không biên nhận, giấy đề nghị thanh toán…). Tương tự, năm học 2014 – 2015, các khoản chi cũng không có phiếu chi, giấy đề nghị thanh toán; riêng quỹ chăm sóc sức khoẻ ban đầu không có chứng từ chi. Năm học 2015 – 2016, việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cũng không có chứng từ chi.

Cụ thể hơn, kết luận thanh tra chỉ rõ, trong ba năm học từ 2013 – 2016, riêng việc chi tiền từ quỹ VNPT (các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường - PV) đoàn thanh tra xác định số tiền chi sai hơn 27 triệu đồng, trong đó, phần lớn là chi không có chứng từ, khoản còn lại mặc dù có chứng từ nhưng sai mục đích. Đối với việc chi từ quỹ phúc lợi (căn-tin, giữ xe đạp, văn phòng phẩm) trong ba năm học 2013 – 2016, đoàn thanh tra xác định tổng số tiền chi sai là hơn 74 triệu đồng, trong đó có gần 50 triệu đồng chi không có chứng từ, khoản tiền còn lại chi sai mục đích.

Các loại quỹ còn lại như quỹ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quỹ khuyến học, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, quỹ phụ đạo (buổi học thứ 2 trong ngày), quỹ học bổng “Thắp sáng ước mơ”… Số tiền chi không có chứng từ hoặc chi sai mục đích lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cũng liên quan đến các khoản chi ngoài ngân sách, kết luận thanh tra cho thấy, lãnh đạo Trường THCS thị trấn Tân Biên (thời gian ông Đỗ Ngọc Hiền làm hiệu trưởng) đã chi một số khoản không cần thiết ở nơi công sở như mua cá, thuê mai để chưng dịp tết nguyên đán và đặc biệt, lãnh đạo trường còn mua cả lục bình để trang trí phòng hội đồng. Chưa hết, còn nhiều khoản chi được xác định là không đúng thực tế, tức nâng giá. Đơn cử: tiền công đào và chăm sóc hai cây phượng hết năm triệu đồng; trồng và chăm sóc cây kiểng (hai cây bồ đề, ba cây xanh) hết hai triệu đồng; mua mười sáu cây hoàng yến mỗi cây 110.000 đồng nhưng giá thực tế chỉ có 25.000 đồng/cây, nghĩa là cứ mỗi cây hoàng yến, người mua “ăn lời” được 85.000 đồng.

Những sai phạm tài chính ở Trường THCS thị trấn Tân Biên đã được kết luận rõ ràng. Trong đó có vai trò của nguyên Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Hiền. Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục