Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị
Kỳ 1: Giải pháp phát triển nông sản bền vững
Thứ hai: 09:01 ngày 12/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Trong bối cảnh nông nghiệp của tỉnh đang có hướng phát triển mạnh mẽ, việc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị là vô cùng cần thiết.

Áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa.

Người làm nông nghiệp dần thay đổi nhận thức

Cùng chung mục tiêu cung cấp nông sản xanh, sạch, hướng đến thị trường xuất khẩu, người nông dân đã thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Thay đổi tư duy trong sản xuất sẽ từng bước mở đường phát triển, gia tăng giá trị hàng nông sản sạch và thu nhập cho người dân.

Ông Phan Văn Thà- chủ trang trại Đại Phú Gia (thị trấn Tân Biên) cho biết, để thực hiện thành công mô hình cánh đồng lớn theo hướng gia tăng giá trị đối với hơn 60 ha mít Thái của gia đình, ông ý thức được rằng, muốn nâng cao năng suất, giá trị và tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm mình làm ra, đòi hỏi người sản xuất phải đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức trong tất cả các khâu sản xuất.

Ông Thà cho biết, ông luôn dành thời gian học tập kinh nghiệm từ cách trồng, chọn giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hoá, tiếp cận thị trường… trong sản xuất nông nghiệp ở trong lẫn ngoài nước. Hiện toàn bộ sản phẩm mít Thái của ông đã được chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, có đầu ra ổn định với giá bán cao (từ 40.000 đồng - 70.000 đồng/kg).

Theo ông Thà, nếu như trước đây, người dân ít quan tâm đến mật độ, khoảng cách trồng, cách bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định thì nay hoàn toàn ngược lại. Nhiều người đã sử dụng nhật ký ghi chép theo dõi hằng ngày, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón chuyên dụng.

Ông Thà chia sẻ thêm, thời gian qua, một số nông dân trên địa bàn tỉnh có nhiều cách làm hay như: thực hiện mô hình liên kết sản xuất nông sản sạch với diện tích lớn và cung cấp cho hệ thống các siêu thị, hướng đến xuất khẩu... bước đầu giúp nông dân chủ động được đầu ra cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế tối đa trên cùng một diện tích sản xuất.

Nông dân ngày càng năng động, nhạy bén, tích cực tiếp thu cái mới, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sự đổi mới trong tư duy sản xuất nông nghiệp không chỉ dừng lại ở việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất mà còn chú trọng đến chất lượng sản phẩm.

Ông Phạm Văn Cơ, nông dân sản xuất rau màu tại khu phố Sân Cu (phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành) cho biết, là một người đam mê sản xuất nông nghiệp, ông luôn tìm hiểu để sản xuất ra sản phẩm thị trường cần. Mới đây, ông đã mạnh dạn đầu tư 2 nhà màng, diện tích 1.000m2 để trồng bí nụ; dưa leo baby và 1 ha măng tây xanh. Các loại cây trồng này đang được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao. Sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho người tiêu dùng.

Ông Thà áp dụng khoa học kỹ thuật cho sản phẩm mít Thái của mình.

Sắp tới đây, ông Cơ sẽ liên kết sản xuất với nhiều hộ dân khác trên địa bàn để có đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường, giúp người dân tránh tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đầu ra sản phẩm phụ thuộc thương lái với giá bán thấp.

Ông Nguyễn Văn Nhành- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) cho biết, thời gian qua, quy trình canh tác lúa của ông và các thành viên trong HTX đều sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Theo ông Nhành, quy trình canh tác trên vừa giúp người sản xuất giảm chi phí, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, lại vừa bảo đảm an toàn sức khoẻ lâu dài cho nông dân trực tiếp canh tác và người tiêu dùng.

“Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, HTX tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của phân hữu cơ, phối hợp liên kết các đơn vị tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân, vì mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững”- ông Nhành nhấn mạnh.

Đẩy mạnh cơ giới hoá trong trồng trọt và chăn nuôi

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc cơ giới hoá trong sản xuất ngày càng đồng bộ, tập trung trên các cây trồng như lúa, mía, mì từ khâu làm đất, gieo, cấy, chăm sóc, đến thu hoạch và vận chuyển. Những năm qua, việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp đã và đang được các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện, đến nay đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Ông Phan Văn Thà- chủ trang trại Đại Phú Gia cho biết thêm, ông cũng đã áp dụng cơ giới hoá từ các khâu làm đất, phun thuốc, bón phân, cắt cỏ… Theo ông, việc đẩy mạnh cơ giới hoá đã mang lại hiệu quả thiết thực, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong những năm gần đây, đời sống người dân trên địa bàn xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) được cải thiện so với trước nhờ nuôi thuỷ sản. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phước Minh nuôi ba ba, cá lóc...

Ba ba là loại động vật có thời gian nuôi dài ngày, từ khi thả nuôi đến lúc thu hoạch từ 14 tháng đến 18 tháng, thức ăn chủ yếu là cá biển. Tuy nhiên, cá biển có giá cao, nguồn cung cấp thức ăn cho ba ba không ổn định. Đồng thời, việc nuôi trồng thuỷ sản cần nhiều nhân công chăm sóc, nhưng hiện nay đang thiếu lao động nông nghiệp do hầu hết đi làm công nhân.

Từ thực trạng đó, để giảm chi phí nuôi ba ba và chủ động được nguồn thức ăn, hộ chăn nuôi thường bổ sung thức ăn công nghiệp cám dạng viên, làm tăng giá thành sản xuất. Nhằm khắc phục những khó khăn trong khâu chăm sóc ba ba, tăng lợi nhuận, phát triển kinh tế gia đình, ông Đỗ Hoàng Phúc và ông Phạm Hữu Trí (ngụ ấp B4, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) đã mày mò tạo ra “Máy phân lường thức ăn tự động cho ba ba”.

Ông Phúc cho biết, mỗi máy phân lường thức ăn tự động có giá khoảng 1,7 triệu đồng. Máy dễ sử dụng, hiệu quả cao, giảm được lượng thức ăn dư thừa, quản lý được thời gian cho ba ba ăn. Máy gọn, thiết kế đơn giản, dễ lắp đặt trên ao nuôi, được áp dụng rộng rãi cho các hộ nuôi ba ba.

Việc sử dụng máy phân lường thức ăn tự động cho ba ba giúp người nuôi giảm chi phí đáng kể. Cụ thể, trên diện tích 1.000m2/5 ao nuôi, nếu sử dụng máy phân lường thức ăn sẽ giảm chi phí nhân công cho 1 vụ/5 ao nuôi là 200 triệu đồng. Máy còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường (do lượng thức ăn thừa gây ra), bảo đảm tốt hơn khâu chăm sóc ba ba.

Ông Phúc cho biết thêm, tất cả hoạt động của máy phân lường thức ăn tự động được điều khiển trên thiết bị điện thoại thông minh, nên chỉ cần 1 công lao động điều khiển máy.

Ngoài ra, với tâm huyết và niềm đam mê sáng tạo cơ khí, ông Phạm Văn Hùng (ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) đã sáng chế ra nhiều máy nông nghiệp, phục vụ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất, giúp người nông dân giảm chi phí đầu vào.

Bằng sự đam mê, tìm tòi, sáng tạo, năm 2003, ông Hùng sản xuất hàng loạt máy móc chưa từng xuất hiện trên thị trường như giàn máy phát gốc mía kết hợp cày luống; máy đào rãnh mương đặt đường ống; máy bón phân, chăm sóc mía… Năm nào ông cũng có sản phẩm mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất của nông dân, góp phần quan trọng vào việc cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Hùng chia kể, lần đầu tiên ông tham gia giải sáng tạo khoa học kỹ thuật vào năm 2003 bằng giàn máy phát gốc mía kết hợp cày luống, sản phẩm của ông đoạt ngay giải Ba. Suốt từ đó đến nay, năm nào ông cũng có sản phẩm mới để dự thi.

Khi thiết bị cho cây mía tạm ổn, ông lại chuyển sang làm thiết bị cơ giới phục vụ cho các loại cây trồng khác từ cao su, khoai mì, bắp đến các loại đậu… Năm 2013, máy gieo hạt trồng cỏ nuôi bò ra đời. Sau đó, ông Hùng cải tiến thêm công nghệ tự động kết hợp bón phân. Giàn máy này kết hợp 4 tính năng như: rọc rãnh, bỏ hạt, lấp rãnh, bón phân lót toàn tự động trong quá trình sử dụng, có thể giúp người nông dân tiết kiệm nhiều chi phí và công lao động trong quá trình sản xuất, mang lại lợi nhuận cao hơn sau mỗi mùa vụ.

Cơ giới hoá là điều cần thiết để cơ cấu lại nông nghiệp, tiến tới nâng cao năng suất, giảm sức lao động thủ công. Vấn đề đặt ra cho cơ giới hoá nông nghiệp hiện nay là tỉnh cần có định hướng phát triển và thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp cơ khí. Muốn đạt được điều đó, chính sách ưu đãi về tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành cơ khí đầu tư mở rộng quy mô, hiện đại hoá trong dây chuyền sản xuất là những vấn đề người nông dân rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng.

THANH NHI

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục