Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hướng đến Giao thông xanh
Kỳ 1: Khí thải phương tiện - tác nhân gây ô nhiễm môi trường
Thứ tư: 08:46 ngày 08/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hoạt động của phương tiện giao thông được xem là một trong những nguồn phát thải các chất gây ô nhiễm không khí.

Tốc độ đô thị hoá và dân số tăng kéo theo những vấn đề liên quan đến môi trường. Trong đó, hoạt động của phương tiện giao thông được xem là một trong những nguồn phát thải các chất gây ô nhiễm không khí. Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, tính đến quý I năm 2024, tổng số phương tiện hiện đang quản lý trên địa bàn tỉnh là 1.513.596 xe, trong đó, ô tô 101.638 và mô tô 1.411.958.

Các phương tiện tập trung đông vào ngày diễn ra Hội yến Diêu Trì cung (ảnh minh hoạ)

Phương tiện cá nhân tăng nhanh

Thiếu tá Cao Thanh Vũ- cán bộ Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, xã hội phát triển, đời sống con người ngày càng cao, nhu cầu đi lại cũng gia tăng, kéo theo vấn đề lưu lượng phương tiện cá nhân tăng. Hằng năm, số lượng đăng ký xe mô tô, ô tô tăng cao, khi tham gia giao thông sẽ gây tắc nghẽn đường vào những giờ cao điểm tại các khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc...

Lượng phương tiện tăng trong khi người lái xe chưa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, còn chen lấn, vi phạm về tốc độ, chưa chấp hành tín hiệu đèn giao thông… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Ngoài việc gây áp lực lên hạ tầng giao thông, phương tiện cá nhân gia tăng cũng gây nhiều tác động về môi trường, nhất là vấn đề khí thải.

“Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm được chỉ ra đó là nguồn phát thải từ những chiếc xe mô tô, xe máy cũ không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải đang lưu thông trên đường. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí xuất phát từ khí thải của xe máy cũ, không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải đang có xu hướng gia tăng.

Theo các chuyên gia về quản lý môi trường, đối với xe cũ, khi đốt cháy nhiên liệu là xăng dầu sẽ không cháy hết mà xả vào không khí, ngoài chất độc của các khí thông thường còn có muội than rất độc hại. Tình trạng giao thông quá tải tại các thành phố lớn gây tắc đường, ùn ứ khiến lượng khí thải của phương tiện thải ra môi trường càng tăng cao”- Thiếu tá Cao Thanh Vũ cho biết thêm.

Trên thực tế, nhiều phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn ngang nhiên chạy trên đường. Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ nhưng nếu chỉ căn cứ vào điều này để thu hồi phương tiện cũ, nát là không khả thi và chưa có hành lang pháp lý vững chắc.

Trong khi đó, các quy định liên quan đến kiểm định chất lượng phương tiện định kỳ mang tính chất bắt buộc hiện nay không áp dụng đối với xe máy, do vậy lực lượng chức năng sẽ thiếu cơ sở xác định mức độ vi phạm để xử lý và thu hồi xe cũ, nát. Ngoài ra, việc thu hồi và xử lý xe cũ cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc do những phương tiện này liên quan đến quyền tài sản của công dân.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải của xe máy không bảo đảm chất lượng kỹ thuật, bên cạnh việc áp dụng các quy định kỹ thuật về khí thải, từng bước kiểm soát khí thải bắt buộc đối với xe máy, cần siết chặt kiểm tra, có chế tài xử lý đối với xe máy cũ nát, không bảo đảm chất lượng. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường nhắc nhở và xử lý nghiêm theo quy định đối với những trường hợp sử dụng phương tiện cũ nát, lạc hậu tham gia giao thông.

Phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn hoạt động.

Mối nguy hiểm từ khí thải phương tiện

Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong và ngoài tỉnh, phương tiện cơ giới và khối lượng vận tải hàng hoá phục vụ quá trình đô thị hoá, hành khách làm gia tăng sự phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường không khí. Nhiều ý kiến cho rằng, lượng khí phát thải từ phương tiện gia tăng một phần do người tham gia giao thông thiếu kiến thức, kỹ năng điều khiển xe như: chưa có thói quen bảo dưỡng định kỳ phương tiện hay thay dầu xe theo hướng dẫn của nhà sản xuất; thường xuyên khởi động lại máy, tăng ga hoặc phanh gấp khi lưu thông cũng làm tăng lượng khí phát thải ra bên ngoài…. do vậy, cần thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông.

Thầy Đặng Trung Quân- Trưởng bộ môn Động lực, Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh cho biết, xe máy, ô tô vận hành theo nguyên lý đốt cháy hỗn hợp bởi động cơ đốt trong, biến nhiệt năng thành cơ năng để phương tiện chuyển động. Trong khí thải của xe ô tô phát ra những chất như: Carbon monoxide (CO), Nitrogen oxide (NOx), Hydrocarbon (HC) và những hạt bụi. Những chất này làm ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và gây hại cho sức khoẻ con người.

Trưởng bộ môn Động lực cho biết thêm: “Năm 2008, Việt Nam có dưới 1 triệu ô tô; sau 10 năm, lượng ô tô tăng lên hơn 3 triệu; đến năm 2021 tăng lên 4,5 triệu. Số lượng phương tiện tăng dần theo thời gian, kéo theo sự gia tăng khí thải từ phương tiện, tỷ lệ thuận với ô nhiễm môi trường.

Tình trạng khí thải của phương tiện giao thông là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu, bởi chúng ta không thể loại bỏ phương tiện giao thông ra khỏi đời sống. Việc bảo dưỡng xe định kỳ cũng là một trong những cách làm có thể hạn chế khí thải gây ô nhiễm từ động cơ xe, bởi khi bảo dưỡng tốt thì nguồn nhiên liệu tiêu hao giảm, khí thải thải ra môi trường cũng sẽ giảm”.

Bác sĩ CKI Tô Bảo Quốc- Trưởng Khoa khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng cho biết, ô nhiễm không khí đang là vấn đề lớn mang tính thời sự, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, có trên 50% số lượng người đang sống trong môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt, hằng năm có trên 7 triệu người tử vong có liên quan đến ô nhiễm không khí. Những bệnh lý về hô hấp như: hen suyễn, ung thư phổi tăng cũng đa phần là do ô nhiễm không khí, tương đương mức độ từ thuốc lá gây ra, đặc biệt 1/3 các ca tử vong bệnh lý về phổi, ung thư, tim mạch có liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí.

Các phương tiện khi lưu thông trên đường sẽ thải ra nhiều khí độc như: CO, CO2, SO2… con người hít phải những chất này ở nồng độ cao về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí tử vong. Các loại khí NO, NO2 sẽ làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá, đường hô hấp gây viêm phế quản, viêm phổi; còn khí SO2 dễ gây viêm kết mạc, viêm mũi… Đối với tiếng ồn từ động cơ của các loại phương tiện giao thông, theo thống kê gần đây, nơi có nhiều tiếng ồn sẽ dễ gây ra các bệnh về tâm thần kinh, thính giác, căng thẳng, mất ngủ, chóng mặt, kém tập trung ở người già, thậm chí là trẻ em.

Bác sĩ CKI Tô Bảo Quốc khuyến cáo: “Người dân nên trang bị đầy đủ kiến thức về những tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khoẻ. Mọi người cần có khẩu trang loại tốt, có thể lọc được không khí để đeo khi tiếp xúc môi trường ô nhiễm; sử dụng máy lọc không khí nếu môi trường sống bị ô nhiễm để không khí được trong lành; rèn luyện thói quen tập thể dục, bổ sung vitamin, khoáng chất, hạn chế rượu bia, thuốc lá; quản lý tốt bệnh nền vì ô nhiễm không khí sẽ làm bệnh nền thêm nặng như bệnh về hô hấp, hen suyễn. Riêng về mặt xã hội, chúng ta có thể trồng nhiều cây xanh để lọc không khí, giáo dục tư tưởng cho mọi người chung tay bảo vệ môi trường”.

An Đông - Hoàng Yến

(Còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục