Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
Kỳ 1: Lao vào khói lửa
17/10/2024 - 11:04

(BTN) - Nghề chữa cháy là một trong những công việc rất khó khăn, nguy hiểm, áp lực cao, các vụ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cán bộ, chiến sĩ nỗ lực dập tắt đám cháy.

Sau cuộc gọi báo cháy, các chiến sĩ tạm gác lại tất cả công việc, nhanh chóng có mặt tại địa điểm tập trung. Những chiếc xe cứu hoả lao ra, cùng tiếng còi báo động hoà vào dòng phương tiện trên đường. Đó là những hình ảnh quen thuộc, công việc thường ngày của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an Tây Ninh.

Chuyện nghề

Ngày 20.3.2024, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp Công an thành phố Tây Ninh điều động gần 50 cán bộ, chiến sĩ và phương tiện phối hợp các lực lượng liên quan tham gia chữa cháy tại khu vực núi Phụng, thuộc địa phận xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Do địa hình phức tạp, có độ dốc nhất định, kèm theo gió lớn nên công tác triển khai lực lượng và thiết bị chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếp cận đám cháy, cán bộ, chiến sĩ cố gắng trèo lên những vách đá cheo leo, thậm chí phải gồng mình mang theo những can đựng nước để chữa cháy tại các khu vực không thể kéo vòi chữa cháy hay không có nước.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều dũng cảm đương đầu với khó khăn, quyết tâm cao, không ngại vất vả để thực hiện hiệu quả phương án chữa cháy. Sau nhiều giờ căng mình chiến đấu với “giặc lửa”, các lực lượng chức năng đã khống chế hoàn toàn đám cháy. Đây chỉ là một trong những khó khăn, thử thách mà lực lượng Cảnh sát PCCC đã phải đối mặt trong quá trình tham gia dập tắt các đám cháy để bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân.

Có thể thấy để làm tốt công việc chữa cháy, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần kiên định, sự quyết tâm và tình yêu nghề. Thượng uý Võ Văn Quang- cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, dù biết làm công việc cứu hoả rất nguy hiểm và vất vả nhưng anh may mắn nhận được sự động viên, khích lệ từ gia đình cùng với niềm đam mê, quyết tâm theo nghề mình chọn.

Lúc nhỏ, mỗi lần nhìn thấy các anh lính cứu hoả khẩn trương đến hiện trường để dập lửa, cứu người trên truyền hình, anh vô cùng ngưỡng mộ, có thêm động lực để cố gắng học tập và rèn luyện. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học PCCC (Bộ Công an), anh được phân công về nhận nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh.

Thượng uý Võ Văn Quang nói: “Trong quá trình học tập tại trường, tôi được giảng viên hướng dẫn cụ thể về các yếu tố nguy hiểm khi tham gia chữa cháy như: khói, khí độc, tình huống sập đổ nhà và công trình, lửa bao vây, nổ các chất nổ trong đám cháy… Khi tham gia công tác chữa cháy thực tế, tôi vận dụng các kiến thức đã học và nhờ sự hướng dẫn tận tình của đồng đội đi trước để rút kinh nghiệm cho bản thân. Gần 10 năm gắn bó với nghề, cùng đồng đội tham gia nhiều vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong thực hiện nhiệm vụ, khi nhận lệnh từ chỉ huy thì tôi phải lên đường ngay”.

Công an tỉnh kiểm tra công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Công an huyện Dương Minh Châu.

Có rất nhiều câu chuyện bên lề khi lực lượng chức năng tham gia chữa cháy, thông qua mỗi tình huống, vụ việc, cán bộ, chiến sĩ sẽ kịp thời rút ra những bài học cho bản thân để làm tốt hơn trong những lần sau. Theo Thượng uý Trương Tấn Phát- cán bộ Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, anh đã cùng đồng đội tham gia chữa cháy nhiều vụ việc nhưng đáng nhớ nhất là vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh quần áo ở huyện Gò Dầu.

Khi nghe tiếng kẻng báo cháy, anh cùng đồng đội nhanh chóng lấy quần áo, trang phục bảo vệ cá nhân lên xe đi làm nhiệm vụ. Qua nắm thông tin có người bị nạn trong đám cháy, các anh càng khẩn trương đến hiện trường nhanh nhất có thể, triển khai các hoạt động chữa cháy, cứu người bị nạn. Khi đến nơi, đám cháy đã lan hết tầng một, đang cháy lên tầng hai của ngôi nhà, lực lượng tập trung triển khai đội hình chữa cháy, đội hình làm mát bảo vệ cho các chiến sĩ cứu nạn cứu hộ đang mò mẫm trong làn khói để tìm kiếm nạn nhân.

Dưới sức nóng của lửa cùng làn khói dày đặc, Thượng uý Trương Tấn Phát cùng đồng đội nỗ lực tiếp cận người bị nạn, đưa ra ngoài. Dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cứu sống nạn nhân- đó là tổn thất cũng như nỗi buồn to lớn trong công tác chữa cháy của người lính cứu hoả.

Với những cán bộ, chiến sĩ chữa cháy, điều họ mong muốn chính là mỗi cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC, chủ động bảo đảm an toàn cho bản thân và người xung quanh.

Tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết

Dù nặng nhọc, nguy hiểm luôn tiềm ẩn, song những người lính cứu hoả luôn có mặt, lao vào nơi nguy hiểm để dập tắt đám cháy, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân. Điều quan trọng đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong công tác chữa cháy là tích luỹ kỹ năng, kinh nghiệm từ luyện tập cũng như trong thực tế chiến đấu, những động tác cơ bản vận dụng trong chữa cháy phải được thực hành thuần thục, bởi hiện trường đám cháy thường diễn biến khó lường, đôi khi phải “chiến đấu” trong thời gian dài. Do đó, người lính phải có kỹ năng nhuần nhuyễn mới kịp thời đáp ứng nhiệm vụ tuỳ theo yêu cầu thực tế.

Công an hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy.

Thiếu tá Nguyễn Văn Nhẹ- Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH có nhiều năm gắn bó với công việc chữa cháy chia sẻ, khi đến hiện trường, trước hết phải nắm chắc tình hình, diễn biến vụ việc, hướng phát triển của đám cháy, số lượng người bị nạn (nếu có).

Sau khi nắm chắc tình hình, chỉ huy phải quyết đoán phân công cho cán bộ, chiến sĩ triển khai các biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật hợp lý để chữa cháy hiệu quả. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thường xuyên nắm bắt diễn biến đám cháy, đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cũng như lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy nhằm mục đích cuối cùng là đám cháy được dập tắt trong thời gian ngắn nhất, giảm thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Thượng tá Lê Thanh Gươm- Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: “Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tình hình cháy nổ và sự cố tai nạn diễn biến sẽ ngày càng phức tạp, đòi hỏi lực lượng PCCC và CNCH phải ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện hiệu quả công tác chữa cháy, đơn vị sẽ tập trung tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững các thao tác một cách thành thạo; duy trì công tác huấn luyện định kỳ và thường xuyên để chiến sĩ nắm vững kỹ thuật, chiến thuật khi chữa cháy.

Phòng sẽ tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm, dù làm việc trong môi trường nguy hiểm nhưng từng cán bộ, chiến sĩ phải ý thức được trách nhiệm của mình, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Cán bộ hướng dẫn các em thiếu nhi, đoàn viên tham gia hoạt động trải nghiệm chữa cháy.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, lực lượng Cảnh sát PCCC không ngừng tôi luyện để trưởng thành. Dù gian nan vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng trong tim mỗi cán bộ, chiến sĩ vẫn không ngừng sáng lên ngọn lửa yêu nghề. Bất kỳ hoàn cảnh nào, những người lính cứu hoả vẫn luôn dặn lòng “cứu tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết”.

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tại Tây Ninh, trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ cháy, may mắn không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản trên 2,5 tỷ đồng.

Phương Thảo - Hà Thuỷ

(còn tiếp)

Tin liên quan