Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cẩn trọng khi đi lao động ở nước ngoài
Kỳ 1: Lời kêu cứu lúc nửa đêm
Thứ sáu: 06:11 ngày 02/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Mẹ ơi, cứu con với! Mẹ ơi, mẹ tìm cách cứu con với! Con bị bỏ đói và bị đánh đập tàn nhẫn lắm. Mẹ ơi, cứu con! Con sợ quá mẹ ơi!”. Đó là lời của bà Phan Thị Xuân (55 tuổi, ngụ xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên) kể lại chuyện con gái của bà- chị N.T.S, 25 tuổi, đã gọi điện “cầu cứu” vào lúc nửa khuya, sau gần 1 năm hợp tác lao động tại nước Arab Saudi.

Bà Xuân nghẹn ngào nói chuyện với phóng viên.

Đã nhiều ngày qua, bà Phan Thị Xuân khóc hết nước mắt, người gầy nhom, đôi mắt bà thâm quầng vì buồn lo, thương cho con gái tha phương đang vất vả, khổ đau ở xứ người. Chỉ một cuộc điện thoại ngắn ngủi đầy thảng thốt trong đêm của đứa con gái, rồi “bặt vô âm tín” cho đến nay, bà không làm sao liên lạc được. 

Bà Xuân kể, bà đang chăm sóc đứa cháu ngoại (con của chị S) trong bệnh viện, khoảng 2 giờ sáng ngày 2.2.2018, bà nhận cuộc gọi của S từ Arab Saudi. Con gái bà vừa khóc nức nở, vừa bảo bà tìm cách cứu về, vì đã bị “văn phòng” bán sang chỗ khác. Họ đưa chị đến một nơi rất xa, không biết đâu là đâu. Công việc rất cực khổ, lại bị bỏ đói, S bị đánh đập tàn nhẫn, còn bị doạ bỏ ra ngoài sa mạc.

Nhắc đến chuyện đau lòng, bà Xuân vừa kể, vừa đôi tay gầy vội vàng dụi vào đôi mắt rơm rớm, đỏ hoe. Bà ngậm ngùi nói: “Khi nghe con tôi gọi báo hung tin, tim tôi đau thắt lại. Tôi lo sợ lắm. Không biết có chuyện gì xảy ra với con tôi không nữa. Nó còn con nhỏ ở Việt Nam. Nếu nó có chuyện gì, tôi hết sức đau lòng, mà không biết phải làm sao!”.

Bà Xuân kể tiếp, khoảng tháng 1.2017, chị S được bà Đào Thị Thanh (ngụ ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên)- làm việc tại bộ phận Lao động - Thương binh & Xã hội xã Thạnh Bình, giới thiệu và làm hồ sơ cho chị đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Arab Saudi.

Người trực tiếp “nhận” chị S từ “tay” bà Thanh là ông Nguyễn Quốc Đạt (ngụ huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá). Ông này tự giới thiệu mình đang làm trong “Công ty Thương binh xã hội” (?!) và hứa sẽ lo mọi thủ tục để giúp chị S sang Arab Saudi giúp việc nhà, lương mỗi tháng 10 triệu đồng, bao ăn ở miễn phí 2 năm.

Trong lúc gia đình đang nghèo khó, mẹ già bệnh tật, một mình nuôi con nhỏ, cùng với sự kỳ vọng vào một “thiên đường” được vẽ ra trước mắt, chị S đã bỏ lại con gái nhỏ cho bà Xuân chăm sóc, cùng ông Đạt bay ra Thanh Hoá để học tiếng Arab Saudi khoảng nửa tháng, sau đó lên đường ra Hà Nội bay sang Arab nhận việc làm.

Bà Xuân cho biết, theo hướng dẫn của bà Thanh, ông Đạt, gia đình chỉ làm đủ 3 bộ hồ sơ có công chứng tại UBND xã Thạnh Bình, bà Thanh và ông Đạt lo mọi thủ tục xuất khẩu lao động. Gia đình không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Tuy nhiên, cho đến nay, bà chưa được nhận lại bộ hồ sơ nào từ phía ông Đạt. “Ông Đạt đã khẳng định khi làm hồ sơ, bên công ty giữ 1 bộ, 1 bộ gửi cho chủ nhà ở Arab Saudi và 1 bộ sẽ gửi về cho gia đình. Nhưng đến bây giờ, tôi chỉ nhận lại sổ hộ khẩu gia đình mà không nhận bất cứ hồ sơ nào của công ty như ông Đạt đã hứa”- bà Xuân nói.

Bà Xuân cho biết thêm, ban đầu ông Đạt bảo là “Công ty Thương binh xã hội”, nhưng sau khi đến Thanh Hoá, con gái bà mới biết đó là Công ty Lao động Việt Nhật; theo hợp đồng, khi sang đến Arab Saudi sẽ được chủ nhận về làm việc nhà, trả lương đúng hạn, tiền sẽ gửi về đầy đủ. Nếu gặp chủ nhà khó tính thì có quyền yêu cầu đổi chủ khác. Bà Xuân xác nhận, từ ngày đi XKLĐ, chị S đã gửi tiền về cho gia đình hơn 60 triệu đồng.

Thế nhưng, từ tháng 10.2017, bà không nhận được tin tức và bất cứ khoản tiền nào từ con gái, cho đến đêm nhận được cuộc gọi kêu cứu của chị S. “Ngay sáng hôm đó, tôi đã điện cho bà Thanh và ông Đạt, nhưng cả hai đều không bắt máy. Gọi ra văn phòng công ty, họ đều trả lời tôi là để từ từ, để chúng tôi xem lại như thế nào rồi sẽ trả lời cho bà biết”- bà Xuân bức xúc.

Theo những gì bà Xuân cung cấp (tên, địa chỉ và số điện thoại), qua tìm hiểu của chúng tôi thông tin về 2 công ty này rất mù mờ, không rõ ràng như một số công ty được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cấp phép hoạt động XKLĐ sang nước ngoài.

Trong lúc chia sẻ với phóng viên, bà Xuân liên tục gọi điện cho bà Thanh, nhưng người phụ nữ này trả lời gấp gáp, cố tình né tránh: “Ông Đạt nói là cháu S vẫn làm việc bình thường ở Arab Saudi, không có việc gì chị phải lo. Hiện tại, mình đang đi cúng sao nên không nghe và nói nhiều được. Chị cứ gọi về văn phòng công ty đi”. Nói tới đó, bà Thanh cúp máy ngay lập tức.

Chuyển cuộc gọi sang ông Đạt để hỏi tình hình con gái, ông này cũng trả lời bà Xuân rất gắt gỏng: “Chị có vấn đề gì đây? Tất cả do văn phòng làm việc chứ bảo tôi thì tôi biết tính thế nào cho chị? Còn việc hồ sơ, mai tôi ra văn phòng lấy hồ sơ chuyển phát nhanh về cho”.

Bà Xuân cho biết thêm, ông Đạt đã nhiều lần nói với bà: “Nếu chị muốn con chị về thì chị nói thẳng ra đi chứ, đừng vòng vo. Chị bịa đặt ra chuyện như vậy, chứ không ai làm gì con chị cả, ông còn bảo, để từ từ tôi tính xem sao”. Nhưng nay đã hơn 4 tháng, bà không nhận được tin tức gì của chị S từ bà Thanh, ông Đạt hay chính con gái bà.

Theo tìm hiểu, được biết mỗi hợp đồng XKLĐ sang Arab Saudi, người môi giới như bà Thanh và ông Đạt đều được nhận tiền huê hồng của các công ty từ 20 đến 50 triệu đồng, riêng lao động trước khi rời gia đình cũng nhận khoản “ưu đãi” 10 triệu đồng để mua sắm quần áo, vật dụng cá nhân.

Còn tiền lương, sau khi đã nhận việc, họ chỉ được nhận lương tháng thứ hai trở đi. Trường hợp lao động nào không đủ sức làm việc thì có thể xin về Việt Nam, nhưng phải đền bù vì phá hợp đồng lao động, và số tiền đền bù đó không bao giờ nhỏ.

Ông Huỳnh Công Hảo- Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Thọ (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên) cho biết, từ năm 2016 đến nay, xã Thạnh Bình đã có 8 trường hợp đi XKLĐ tại Arab Saudi, 2 trường hợp quay trở về, còn trường hợp chị S, chính quyền địa phương đã tiếp nhận thông tin và đã hướng dẫn bà Xuân tường trình đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Về thông tin liên quan đến bà Đào Thị Thanh ngụ cùng ấp, ông Hảo xác nhận, bà Thanh hoàn toàn không làm việc ở bộ phận Lao động - Thương binh và Xã hội xã Thạnh Bình.

Năm 1996, gia đình bà Xuân từ Hà Tĩnh vào miền Nam sinh sống và làm công nhân tại Nông trường cao su Tân Biên. Do sức khoẻ yếu, bà Xuân xin nghỉ việc sớm. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, là con gái lớn, chị S đã tìm kế sinh nhai bằng cách ra nước ngoài làm thuê, mang theo bao hy vọng đổi đời, thay đổi cuộc sống gia đình, con gái, mẹ già và các em nhỏ.

Giờ đây, người mẹ già đau yếu cùng đứa con gái nhỏ chỉ trông chờ ngày chị được trở về đoàn tụ với gia đình. “Tôi xin các cơ quan chức năng tìm cách cứu con tôi về để đoàn tụ với gia đình. Dù nghèo khổ nhưng bà cháu, con cái cùng sum vầy bên nhau là tôi mãn nguyện rồi!”- bà Xuân chia sẻ.

Tâm Giang - Sông Ninh

Kỳ 2: Người trở về từ cõi chết.

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục