Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, toàn tỉnh ghi nhận hơn 130 ca tử vong. Nhiều trẻ em bất ngờ mồ côi cha hoặc mẹ. Những mất mát đó, không từ ngữ nào có thể diễn tả hết, chỉ có thể rơi nước mắt khi nghĩ về nó.
“Nghĩ đến các con, tôi cố gắng sống để chăm lo, nuôi dạy chúng nên người”- chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (32 tuổi), ngụ ấp Tân Ðịnh 1, xã Suối Ðá, huyện Dương Minh Châu nói.
“Nhiều lúc nó hỏi “Ba đi đâu sao lâu về vậy mẹ?”, tim tôi đau thắt”- chị Hạnh nói.
Theo chân Bí thư, Trưởng ấp Tân Ðịnh 1 Trần Văn Lời (xã Suối Ðá, huyện Dương Minh Châu), chúng tôi đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (32 tuổi). Giữa căn nhà cấp 4, chị Hạnh một mình ôm ba đứa con thơ dại, đôi mắt còn ửng đỏ vì khóc nhiều.
Hai tháng trước, 4 người trong gia đình chị đều dương tính với virus SARS-CoV-2, điều không may là chồng chị, anh Nguyễn Văn Nhớ (40 tuổi) đã ra đi sau 8 ngày điều trị tại bệnh viện. Ðó cũng là thời điểm Tây Ninh bùng phát dịch bệnh và huyện Dương Minh Châu là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất tỉnh.
Kết hôn hơn 10 năm, chồng làm nghề sửa xe máy tại nhà, chị là nhân viên y tế tại Trường mẫu giáo Suối Ðá. Cuộc sống gia đình chỉ dừng ở mức “đủ ăn, đủ mặc” nhưng hai vợ chồng chị luôn cảm thấy đầm ấm với 3 đứa con đủ nếp đủ tẻ, trong đó con trai lớn được 9 tuổi, đứa thứ hai 2 tuổi và một bé gái 5 tháng tuổi.
Nhìn đứa con trai lớn nói chuyện vui vẻ, chị Hạnh ngậm ngùi: “Tôi lo cho bệnh của nó lắm, không biết “đi” lúc nào. Hồi cả nhà đều mắc Covid-19, hai vợ chồng cứ sợ nó sẽ chết vì thân mang nhiều bệnh nền. Vậy mà người ra đi là ảnh…”.
Nói tới đây, giọng chị nấc nghẹn. Theo chị Hạnh, cậu bé tuy lớn hơn các em, nhưng từ khi sinh đã mắc hội chứng Down, trí tuệ chậm phát triển, giờ lại thêm nhiều bệnh, trong đó có bệnh động kinh và tiểu đường. “Nhiều lúc nó hỏi: “Ba đi đâu sao lâu về vậy mẹ?”, lúc đó, tim tôi đau thắt”- chị Hạnh nói.
Chị kể, chồng chị là người đàn ông to khoẻ, siêng năng làm việc, thương yêu vợ con và là trụ cột kinh tế của gia đình. Ngoài công việc sửa xe, anh Nhớ còn thuê đất trồng mì, trồng lúa để có thêm thu nhập. Nhờ cần kiệm làm ăn, hai vợ chồng mới sửa chữa được căn nhà cách đây vài năm.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại huyện, hai vợ chồng đều rất lo lắng và hạn chế tối đa tiếp xúc với người xung quanh. Vậy mà không biết anh nhiễm bệnh từ đâu. Ban đầu, anh Nhớ có triệu chứng sốt, ho khiến chị Hạnh rất lo lắng nên vợ chồng đi xét nghiệm, rồi anh có kết quả dương tính. Sau đó, cả nhà lần lượt phát hiện dương tính và được đưa đi cách ly điều trị.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, chị Hạnh lại bật khóc: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống bế tắc và khốn khổ như lúc đó! Anh ấy bệnh nặng phải chuyển vào Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (huyện Châu Thành) điều trị. Tôi và ba đứa nhỏ ở lại bệnh viện dã chiến.
Vì các con còn nhỏ nên cứ quấy khóc liên tục. Lúc đó, tinh thần tôi suy sụp, căng thẳng, quên cả giấc ngủ”. May mắn, khi xét nghiệm, đứa con trai 2 tuổi âm tính với SARS-CoV-2 nên chị Hạnh nhờ người chị ruột rước về chăm sóc.
Còn anh Nhớ, sau 8 ngày điều trị, anh ra đi đơn độc trong bệnh viện. “Hay tin anh Nhớ mất, tôi suy sụp hoàn toàn, chỉ muốn chết theo anh cho bớt đau khổ. Nhưng nghĩ đến 3 con nhỏ, tôi cố gắng gượng. Cho đến bây giờ, điều tôi nuối tiếc nhất chính là không nhận hai cuộc gọi nhỡ của anh ấy trước khi mất”- chị Hạnh nghẹn ngào kể lại.
Chị Hạnh và hai đứa con nhỏ.
Rồi giai đoạn khó khăn nhất cũng qua đi, bốn mẹ con chị Hạnh dần khoẻ lại, được trở về từ ngày 6.9 và cách ly thêm 14 ngày tại nhà. Chị Nguyễn Thị Thu Hiểu (37 tuổi, chị ruột chị Hạnh) đã đến ở cùng để phụ chăm sóc ba cháu nhỏ.
Chị Hạnh cho biết: “Thời điểm đó, nếu không có chị Hiểu, có thể tôi sẽ nghĩ quẫn và làm nhiều điều không hay. Trong căn nhà, nhìn mọi ngóc ngách tôi đều thấy hình ảnh của chồng. Rõ ràng, mới đây thôi, cả nhà còn vui vẻ bên nhau. Mất mát này không biết bao giờ tôi mới có thể nguôi ngoai được”.
Sau khi chị Hạnh hoàn thành cách ly tại nhà, chị Hiểu đưa đứa con trai thứ hai của em gái về chăm sóc, nuôi nấng. Rời xa vòng tay mẹ về sống với dì dượng ở xã Phước Ninh, bé V.C.N (2 tuổi) dường như đã “quen” gọi dì, dượng là ba, mẹ.
“Ban đầu, khi mới đón về, nó khóc nhiều lắm, đêm nào cũng đòi mẹ, hỏi ba. Bây giờ, thỉnh thoảng nhớ mẹ cũng khóc, có khi ngủ mà với tay kêu mẹ. Chúng tôi không cầm được nước mắt”- chị Nguyễn Thị Thu Hiểu kể.
Thương em gái, thương các cháu sớm mồ côi cha nên chị Hiểu không ngại vất vả, khó khăn. Chị nói: “Bé C.N còn nhỏ nên chưa hiểu được sự mất mát. Tôi cũng có 2 con nhỏ, bây giờ thêm C.N nữa, con em gái cũng là con ruột của mình. Chồng tôi hết lòng ủng hộ tôi. Cuộc sống dù khó khăn vất vả thế nào tôi cũng sẽ lo cho cháu, vì tôi là dì, cũng là mẹ của cháu”.
Biết con gái luôn buồn khóc mỗi khi ở nhà, sợ con nghĩ quẫn, mẹ ruột chị Hạnh đưa mấy mẹ con về nhà ở cùng để tiện trông nom. Ðược người thân quan tâm, động viên, chị Hạnh dần ổn định tâm lý. Chị chia sẻ: “Giờ đây, tôi suy nghĩ thấu đáo hơn trước. Tôi sẽ cố gắng sống để chăm lo, nuôi dạy các con nên người, để ba tụi nhỏ yên tâm”.
Nghĩ về tương lai, chị Hạnh không khỏi trăn trở, vì giờ đây cuộc sống của bốn mẹ con thật sự quá khó khăn. Mất đi trụ cột, đồng lương ít ỏi của chị không đủ chi phí cho sinh hoạt gia đình. Sắp tới, chị phải trở lại trường làm việc, lại thêm tiền sữa, tã cho con nhỏ, tiền thuốc cho con lớn. Chưa kể, chị còn mắc bệnh về gan, cũng cần tiền để chữa bệnh.
Bà Hà Thị Huế Nhung- Chủ tịch UBND xã Suối Ðá cho biết, đến thời điểm này, xã có 4 trường hợp trẻ mồ côi cha do Covid-19, ngoài ra còn có nhiều trường hợp trẻ là F0, F1. Riêng hoàn cảnh của chị Hạnh rất đặc biệt, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể luôn quan tâm, chăm lo và hỗ trợ.
Theo bà Nhung, để chia sẻ phần nào khó khăn với gia đình các em, ngay từ khi bùng phát dịch, UBND xã Suối Ðá đã vận động các nhà hảo tâm tặng quà, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp nhất thời. “UBND xã đang khẩn trương triển khai thực hiện hỗ trợ đối với các trường hợp F0, F1 là trẻ em trên địa bàn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ”- bà Nhung cho biết thêm.
Chị Hạnh phải gửi đứa con trai 2 tuổi cho người chị gái chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ông Ðặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin, hoàn cảnh của các trường hợp có người thân mất vì Covid-19, UBND huyện và các xã, thị trấn đã đến thăm hỏi, an ủi và động viên gia đình cố gắng vượt qua nỗi đau.
Ông Thừa cho biết thêm, tính đến ngày 28.9, toàn huyện có 241 trường hợp trẻ là F0, 163 trẻ F1. Ngoài ra, có 6 trẻ trong 5 hộ gia đình có cha hoặc mẹ qua đời vì Covid-19. Ðối với các trường hợp này, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và xã hội tổng hợp danh sách các trường hợp trẻ mồ côi cha hoặc mẹ vì Covid-19 gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hỗ trợ.
Ðồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình có người thân là F0, F1, trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống cho trẻ em có cha hoặc mẹ không may qua đời vì Covid-19.
Tâm Giang- Lê Thuỳ
(còn tiếp)