Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Kỳ 1: Nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất nông nghiệp
Thứ sáu: 23:41 ngày 19/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là xu thế phát triển tất yếu nhằm tạo bước đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh.

Nông dân tuyển chọn dưa lưới, chỉ giữ lại trái đạt chất lượng.

Hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích gieo trồng áp dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 98.745 ha (chiếm 25,6% tổng diện tích gieo trồng), tập trung vào nhóm cây ăn trái (mãng cầu, sầu riêng, chuối, xoài, nhãn, mít, thanh long, các loại cây có múi...) khoảng 20.345 ha; nhóm cây thực phẩm (rau và đậu các loại) 19.900 ha; một số loại cây khác như mía, mì chiếm 58.500 ha.

Hệ thống tưới tự động và bán tự động được người sản xuất trang bị trong các nhà màng, nhà lưới khoảng 55 ha; sử dụng thiết bị điều khiển hiển thị trên điện thoại thông minh và qua các thiết bị cảm biến để điều chỉnh lượng nước tưới và nhiệt độ, độ ẩm thích hợp; đồng thời kết hợp hệ thống tưới tự động với việc bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sâu bệnh hại, tránh ảnh hưởng sức khoẻ của người nông dân.

Bên cạnh đó, công nghệ tưới tiết kiệm nước như tưới phun, tưới nhỏ giọt được sử dụng phổ biến với diện tích trên 114.500 ha, đặc biệt là trong các vườn cây ăn trái ở TP. Tây Ninh; vườn rau ở thị xã Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu; ruộng mía, mì ở Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu… Ước năm 2022, tỷ lệ diện tích áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh đạt 30%, góp phần làm giảm lượng nước tưới, giảm công lao động, tăng đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung- Chủ tịch HĐQT hợp tác xã (HTX) ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao NNC Gò Dầu (xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu) cho biết, HTX có 16 nhà lưới trồng dưa lưới với diện tích 1,6 ha ứng dụng công nghệ cao và 8 ha trồng cây ăn trái (bưởi, vú sữa, sầu riêng, chanh, mận...), toàn bộ diện tích trồng đều được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

Trong quá trình sản xuất, HTX có thuận lợi là được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17.6.2019 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi đa dạng của thị trường. Ước đến cuối năm 2022, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 37%”.

Dưa lưới được HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao NNC Gò Dầu (xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu) sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Nỗ lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Là địa phương có lợi thế phát triển nông nghiệp, thời gian qua, huyện Dương Minh Châu đã tập trung khai thác, phát huy thế mạnh này. Do yêu cầu thị trường ngày càng cao, nhiều nông dân, nhà vườn của huyện mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ. Tổng diện tích cây trồng áp dụng công nghệ cao đạt 7.000 ha, tập trung ở nhóm cây ăn trái (mãng cầu, sầu riêng, cây có múi, nhãn) và nhóm cây thực phẩm (rau, đậu các loại).

Hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới khoảng 11 ha đối với dưa lưới, rau ăn lá, rau ăn quả; sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt với diện tích khoảng 6.500 ha, đặc biệt là trong các vườn cây ăn trái, vườn rau... Trong lĩnh vực trồng trọt, có 5 cơ sở sản xuất (tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất) được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích khoảng 181 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi có 34 cơ sở được chứng nhận cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP (24 cơ sở chăn nuôi heo, 10 cơ sở chăn nuôi gà thịt).

Theo ông Đặng Ngọc Quý- Chủ tịch Công ty TNHH thương mại - sản xuất - chế biến - xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên chi nhánh 2 (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu), công ty có vùng nguyên liệu ở Tây Ninh với diện tích quy hoạch 3,2 ha (6 hộ dân) trồng mãng cầu xiêm hoa vàng, vùng nguyên liệu ở Đồng Tháp với diện tích 22 ha trồng trái cây các loại. Công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cấp đông, trái mãng cầu xiêm hoa vàng được áp dụng quy trình sản xuất chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, công ty còn áp dụng công nghệ trong quá trình chế biến, trong đó có công nghệ cấp đông IQF theo tiêu chuẩn châu Âu.

Được thành lập từ năm 2019, đến nay, công ty đã có những sản phẩm xuất khẩu chính ngạch gồm: mãng cầu sấy, trái cây cấp đông, mãng cầu Bà Đen, mãng cầu xiêm, nhãn, sầu riêng, xoài, mít thái, thơm MD2, vú sữa tím…; rau củ các loại cấp đông như: hành, củ hành trắng, củ sen… Sản lượng xuất khẩu trung bình khoảng 20 tấn mỗi loại/tháng. Riêng sản phẩm mãng cầu sấy được xuất sang thị trường Mỹ, trung bình mỗi tháng đạt 5 tấn sản phẩm.

Ông Quý cho biết thêm, để đa dạng hoá sản phẩm cây ăn trái sang thị trường nước ngoài, công ty thu mua mãng cầu xiêm, mãng cầu Bà Đen, mít Thái trên địa bàn tỉnh, phục vụ chế biến. Đối với trái mãng cầu Bà Đen, công ty thu mua và cấp đông nguyên trái, sau đó xuất sang thị trường Nhật Bản và Đức. Sắp tới đây, công ty sẽ liên kết vùng trồng với nông dân để sản xuất mãng cầu theo đúng tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài, nâng tầm sản phẩm Tây Ninh. 

Tại huyện Tân Châu, việc ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được địa phương đặc biệt chú trọng và thực hiện thường xuyên. Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu cho biết, trong giai đoạn 2022-2025, UBND huyện phối hợp với Sở NN&PTNT quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm 2 vùng trồng trọt kết hợp chăn nuôi tại xã Suối Dây và Suối Ngô; giai đoạn 2025-2030 quy hoạch vùng trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi ở xã Tân Hội và vùng trồng cây công nghiệp, cây dược liệu tại xã Tân Đông. Hiện các nhà đầu tư đến Tân Châu đầu tư 67 dự án chăn nuôi (gia súc, gia cầm) với quy mô tổng đàn khoảng 4,6 triệu con. Trong đó, 5 dự án đã đi vào hoạt động với tổng đàn 370.500 con; 7 dự án đang xây dựng; 25 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Về trồng trọt, các loại cây trồng chuyển đổi như sầu riêng (trên 200 ha), chuối (trên 600 ha), mít (268 ha) đều sử dụng công nghệ cao và đã canh tác; hệ thống nhà màng trồng rau, cây ăn trái cũng đang hình thành.

Trên địa bàn tỉnh có 634 trang trại gia súc với tổng đàn gần 194.800 con (chiếm 47,5% tổng đàn gia súc); 102 trang trại gia cầm với tổng đàn 6,1 triệu con (chiếm 57% tổng đàn gia cầm) được nuôi theo hình thức trang trại tập trung.

Tất cả trang trại đều áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thức ăn xanh, phối trộn thức ăn theo phần mềm, cơ giới hoá, tự động hoá trong các khâu, sản xuất khép kín, an toàn sinh học, phù hợp với sản xuất thực phẩm an toàn theo thông lệ quốc tế. Xử lý chất thải trong chăn nuôi với các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, vịt; còn chăn nuôi heo xử lý chất thải bằng biogas. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ 62 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (39 cơ sở chăn nuôi heo, 22 cơ sở chăn nuôi gà, 1 cơ sở chăn nuôi bò).

Nhi Trần - Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục