Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ðậm đà bản sắc dân tộc vùng biên
Kỳ 1: Nhiều chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ hai: 09:38 ngày 04/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, cư trú xen kẽ nhau như đồng bào Khmer, Chăm, Hoa, Tà Mun, Thái… Mỗi dân tộc có sắc thái văn hoá riêng, góp phần tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hoá Tây Ninh

Thiếu nữ Thái ở ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu. Ảnh: Phan Dương

Để những nét văn hoá riêng biệt sống mãi với thời gian, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách chăm lo cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Và những già làng, trưởng bản, người uy tín cùng từng cá nhân đồng bào nỗ lực duy trì, bảo tồn và phát triển văn hoá của dân tộc.

An cư

Ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu có một xóm nhỏ đồng bào người Thái với khoảng 30 hộ, 100 nhân khẩu. Đây là những hộ dân từ huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá, trên đường lập nghiệp vào những năm 90 của thế kỷ trước đã dừng chân tại đây.

Khi đó, thực hiện chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, đồng bào Thái đến đây được chính quyền địa phương hỗ trợ cấp đất sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, xây dựng xóm ấp, giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Bà Hà Thị Nẹt năm nay đã 70 tuổi. Cách đây 30 năm, do đời sống ở quê khó khăn, bà đưa hai người con đi cùng với những người quen đến vùng biên giới Bến Cầu định cư. Bà nhớ lại, lúc đi cả nhà chỉ có 1,9 triệu đồng, mua vé tàu, chi phí đi đường thì chỉ còn 700 ngàn đồng trong túi.

“Hồi đó không có tiền mua đất đâu, tới đây làm mướn cho người ta thôi. Rồi được địa phương cấp đất, giúp đỡ nhiều mặt như cho vay vốn, chính sách nông nghiệp, hỗ trợ ăn học cho các con, các cháu… để đồng bào ổn định cuộc sống” - bà Hà Thị Nẹt bùi ngùi.

Anh Vi Văn Hiếu, con của bà Nẹt cho biết, Nhà nước cấp một khoảnh đất cho gia đình anh cất nhà và 1,2 ha đất ruộng để sản xuất. Làm một thời gian, anh đổi lại được 8 công đất gần nhà. “Đất trước kia làm lúa, khi đổi về gần nhà tôi chuyển sang trồng hàng bông. Làm cực hơn nhưng có thu nhập”.

20 năm vào Tây Ninh, gia đình anh cất được căn nhà khang trang. Anh Hiếu đã có gia đình, đứa con lớn vừa tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm. “Nếu địa phương không giúp đỡ, chắc không dễ có được như ngày nay”- anh Hiếu cười.

Bà Hà Thị Nẹt (giữa) cùng với đồng bào Thái đang sinh sống tại quê hương thứ 2 ấp Phước Trung, xã Long Phước.

Gần nhà anh Hiếu là gia đình anh Hà Công Diễn (sinh năm 1973). Năm 1993, anh cùng vợ và hai con vào đây lập nghiệp. Cũng như những gia đình khác, anh được hỗ trợ đất ở và 1 ha đất sản xuất. Sau thời gian chăm chỉ làm lụng, anh mua được miếng đất lúa rồi anh em hùn nhau mua 0,5 ha đất để trồng đồ hàng bông.

“Ở đây thời tiết thuận lợi, không rét mướt như ở miền Bắc nên dễ sống. Sản xuất cũng dễ, cứ thu hoạch là có người đến tận ruộng mua”- anh Hiếu nói. Cần cù làm ăn, anh Hiếu nuôi được hai con ăn học. Đứa con trai lớn của anh đang học đại học năm thứ 4 ngành cơ khí; cô con gái cũng chuẩn bị sang năm vào đại học.

Chị Lâm Thị Reo- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết, trước đây, ba mẹ chị cùng với khoảng 50 hộ gia đình Tà Mun ở ấp Tân Định 2 này được địa phương hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.

Trong đó, ba mẹ chị được 1,5 công đất ở và 1,5 công đất sản xuất. “Thời điểm đó khoảng năm 1985. Gia đình được cấp đất sản xuất, nhờ đó mà ba mẹ tôi nuôi mấy anh chị em chúng tôi”- chị Reo nói.

Chăm lo từ đời sống vật chất đến tinh thần

Trên địa bàn xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên hiện có hơn 230 hộ dân tộc Khmer sinh sống tại ấp Hoà Đông A. Theo ông Dot Dons- người uy tín của phum Chùng Rụt, những năm qua, nhiều hộ dân ở đây được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay nhiều nguồn vốn như nước sạch môi trường, giải quyết việc làm, vay vốn sinh viên… Từ đó, đời sống của đồng bào thay đổi.

Gia đình anh Căn Chanh là một trong những hộ được hỗ trợ vay vốn từ nhiều năm nay. Anh cho biết, gia đình chỉ có vài công đất do cha mẹ cho để trồng mì. Để lo cho cả gia đình, anh chị phải đi làm mướn thêm. Cũng như nhiều nông dân khác, anh Chanh luôn mơ ước có tiền mua bò để làm vốn, phát triển kinh tế. “Nông dân nuôi bò chỉ tốn công thôi. Cỏ sẵn ngoài đồng rồi.

Nhưng không có tiền mua. Làm mỗi ngày đều xài hết rồi. Lúc đó, có Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ khó khăn vay. Mừng quá, tôi vay được 8 triệu đồng mua 1 con bò cái. Nuôi nó đẻ hoài, giờ nhà lúc nào cũng có bò”- anh Chanh nói.

Anh chia sẻ: “Trả tiền cũng dễ. Tháng nào có lúa, có mì thì gửi tiền nhiều; tháng nào chỉ làm mướn gửi ít. Cứ làm vậy, từ từ hết nợ thôi”.

Con anh Căn Chanh là Chanh Ty còn được hỗ trợ học phí từ năm lớp 1 đến lớp 12. Với ước mơ trở thành nhân viên điều dưỡng, chăm lo sức khoẻ cho người bệnh, năm 2020, Chanh Ty nộp đơn vào học tại Trường cao đẳng Dược Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh). Chanh Ty vừa tốt nghiệp, đang làm hồ sơ chuẩn bị đi xin việc.

“Em dự định xin vào làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc Bệnh viện Lê Ngọc Tùng. Em cũng dự định sẽ đi học thêm tiếng Khmer, vừa giữ gìn tiếng của dân tộc mình vừa giúp ích hơn cho công việc, khi có nhiều bệnh nhân ở Campuchia sang điều trị”- Chanh Ty nói.

Vừa qua, tại Quyết định số 948 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I từ năm 2022 đến năm 2025, UBND tỉnh đã xây dựng Dự án 4 về “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”.

Trong đó, tỉnh đầu tư một nhà hoả táng tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Hiện nay, nhà hoả táng đã xây xong, đang bàn giao cho chính quyền địa phương để đưa vào sử dụng.

Vợ chồng anh Hà Công Diễn đã có cuộc sống ổn định trên vùng đất biên giới Tây Ninh.

Ông Huynh Bích- người uy tín tại ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp cho biết, theo phong tục của người Khmer, người chết sẽ được hoả táng. Tuy nhiên, phong tục này bị hạn chế do dân cư đông đúc, ô nhiễm môi trường, bà con chuyển sang địa táng. Người mất sẽ được chôn xuống đất vài năm, sau đó bốc cốt lên thiêu và gửi tro cốt vào chùa.

Từ khi Sơn Trang Tiên Cảnh (thị xã Hoà Thành) hoạt động, bà con Khmer ở Hoà Hiệp đều đưa đến đây để thực hiện nghi thức hoả táng như tục xưa. Tuy nhiên, việc đi lại xa xôi, chi phíkhá cao. “Chính quyền cho xây lò hoả thiêu rất phù hợp với mong muốn của đồng bào dân tộc nơi đây”- ông Huynh Bích nói.

Trước đó, năm 2020, UBND huyện Châu Thành đã xây dựng nhà hoả táng trên địa bàn 2 xã Ninh Điền và Hoà Thạnh, vừa phục vụ cho nhu cầu tâm linh của đồng bào Khmer các xã biên giới vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, ngày 10.5.2023, UBND tỉnh ra Quyết định số 1069 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với nhiều mục tiêu, trong đó, hướng đến tạo điều kiện phát triển toàn diện trong đồng bào dân tộc thiểu số; cải thiện đời sống, nâng cao sinh kế cũng như hỗ trợ các mặt y tế, giáo dục… để nâng cao hơn nữa chất lượng sống và tạo nguồn lực trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngọc Diêu - Hoà Khang

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục