Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020
Kỳ 1: Nhiều kết quả tích cực
Thứ sáu: 00:53 ngày 22/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo kết quả tổng điều tra rà soát hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 12.584 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,32%, trong đó, có 6.117 hộ nghèo, tỷ lệ 2,1%; 6.467 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,22%.

Chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Châu Thành (ảnh minh hoạ).

Tây Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn trung ương

Đến cuối năm 2020, Tây Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp thứ 3, chỉ đứng sau tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh là 2.502 hộ/7.249 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,79%; trong đó, số hộ cận nghèo là 2.502 hộ/7.249 nhân khẩu, chiếm 0,79%; hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh là 5.388 hộ/15.168 nhân khẩu, chiếm 1,7%.

Gia đình ông Sâm Khuôn, ngụ ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành) vừa thoát nghèo năm 2020. Ông cho biết, thời gian qua, được Nhà nước hỗ trợ con giống (heo, bò), xây nhà đại đoàn kết (năm 2018), hỗ trợ vay vốn khoảng 30 triệu đồng để phát triển sản xuất, ông và gia đình rất phấn khởi, yên tâm làm ăn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phi- Trưởng ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, các ngành chức năng trong việc triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, cuộc sống người dân- nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có nhiều thay đổi.

Ấp Hiệp Phước có 513 hộ dân, trong đó, có 117 hộ dân tộc Khmer. Đời sống của bà con cải thiện rất nhiều, nhà cửa khang trang hơn. Trước đây, địa bàn ấp có trên 50 hộ nghèo, cận nghèo, đến nay chỉ còn 11 hộ (10 hộ nghèo tỉnh và 1 hộ cận nghèo).

Lãnh đạo UBND xã Hoà Thạnh cho biết, theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2020, xã có 15 hộ cận nghèo, 41 hộ nghèo theo chuẩn tỉnh, không còn hộ nghèo chuẩn Trung ương; so với năm 2019 giảm 11 hộ cận nghèo, 22 hộ nghèo chuẩn tỉnh. Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo thời gian qua đã góp phần ổn định cuộc sống cho người dân.

Bến Cầu là một huyện vùng sâu biên giới ở phía Nam của tỉnh. Huyện có 8 xã và 1 thị trấn, đường biên giới giáp nước bạn Campuchia dài 32km. Tổng số hộ dân trên địa bàn huyện khoảng 19.200 hộ, đa số sống bằng nghề nông và làm thuê, mức thu nhập thấp. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai ở địa phương đã đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm.

Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện là 2,48%, so với năm 2019 giảm 1,8%, vượt kế hoạch (Nghị quyết 1,3%). Cụ thể: số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện là 493 hộ/19.869 hộ, kết quả rà soát năm 2020, huyện không còn hộ nghèo chuẩn Trung ương; có 493 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,48% (thị trấn có 14 hộ, nông thôn 479 hộ). Số hộ có mức sống trung bình là 581 hộ/1.568 nhân khẩu, chiếm 2,92%, trong đó, có 119 hộ/163 nhân khẩu đề nghị tiếp tục hỗ trợ hộ không khả năng thoát nghèo vào năm 2021.

Theo UBND tỉnh, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các chính sách về giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm, tính bền vững trong công tác giảm nghèo được cải thiện.

Chương trình được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra giám sát của các cơ quan Trung ương, địa phương, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự giám sát của HĐND và Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp. Phong trào “Tây Ninh chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các địa phương hưởng ứng và triển khai thi đua rất quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thực hiện Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, Tây Ninh có 16 xã, gồm: Tân Bình, Hoà Hiệp, Phước Vinh, Biên Giới, Thành Long, Ninh Điền, Hoà Hội, Hoà Thạnh, Lợi Thuận, Tiên Thuận, Bình Thạnh, Phước Chỉ.

Đây là các xã được tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm giao thông được thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân sinh sống, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Công trình cơ sở hạ tầng ở các xã Chương trình 135 được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt. Từ nguồn vốn của Chương trình giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho 16 công trình giao thông và 1 công trình kiên cố hoá kênh mương thực hiện của giai đoạn 2011-2015; cải tạo, nâng cấp 2 trường học; 4 nhà văn hoá ấp; 4 công trình kiên cố hoá kênh mương và 832km đường giao thông nông thôn.

Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi là giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, tỉnh thực hiện 102 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 41 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các xã thuộc Chương trình 135 và các xã ngoài chương trình, với tổng kinh phí được giải ngân trên 20 tỷ đồng.

Tổng số hộ được hỗ trợ là 958 hộ nghèo, 1.925 hộ cận nghèo, 79 hộ mới thoát nghèo; trong đó, có 93 hộ nghèo và cận nghèo là dân tộc thiểu số, không có người sau cai nghiện ma tuý, người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương, khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, bán sản phẩm khi chưa thu hoạch ở nông thôn.

Theo đó, giai đoạn 2016-2020, chương trình tín dụng hộ nghèo có dư nợ đạt 116,6 tỷ đồng, chiếm 4,72% tổng dư nợ, với 5.886 hộ dư nợ; chương trình tín dụng hộ cận nghèo có dư nợ đạt 158,22 tỷ đồng, chiếm 6,41% tổng dư nợ, với 6.285 hộ dư nợ, đáp ứng nhu cầu cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn làm kinh tế, cải thiện đời sống, giảm nguy cơ tái nghèo.

Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo có dư nợ đạt 413,97 tỷ đồng, chiếm 16,77% tổng dư nợ, với 14.961 hộ dư nợ. Tuy nhiên, tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các hộ gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ bảo đảm thời gian để các hộ có điều kiện thoát nghèo bền vững. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương chưa cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình thời gian qua còn những khó khăn, hạn chế. Lãnh đạo xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành) cho biết, địa phương phải siết chặt quản lý, đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi tham gia dự án, đến nay, tình trạng này không còn xảy ra.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất và vay vốn cho các đối tượng khuyết tật, người cao tuổi còn hạn chế, chủ yếu hỗ trợ cho hộ nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động.

Qua đánh giá, phần lớn các hộ nghèo không có điều kiện để góp vốn; người nghèo thường thiếu đất, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu lao động và không ít hộ không có ý chí để thoát nghèo... Vì vậy, để các hộ này thoát nghèo, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác.

Trúc Ly - Nhi Trần

Ngày 29.4.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1296 thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,2%/năm; triển khai kịp thời, đầy đủ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo như hỗ trợ về y tế, giáo dục đào tạo, nhà ở, trợ giúp pháp lý để cải thiện điều kiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh.

Mặt khác, bảo đảm 100% hộ cận nghèo; hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Bảo đảm người dân thuộc hộ cận nghèo Trung ương và hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ và đúng quy định; tăng cường cải thiện các dịch vụ xã hội chăm lo về sức khoẻ, giáo dục cho người nghèo.

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục