Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đa dạng hoá các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
Kỳ 1: Nhiều mô hình thiết thực, sát với đời sống người dân
Thứ sáu: 05:21 ngày 22/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác PBGDPL ngày càng được các đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn, tạo sự chuyển biến tích cực, bài bản và nền nếp hơn.

Hội Phụ nữ xã Hoà Hội phối hợp Công an xã tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho thành viên “Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật”.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xác định là khâu đầu tiên của thi hành pháp luật, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Do đó, công tác PBGDPL ngày càng được các đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn, tạo sự chuyển biến tích cực, bài bản và nền nếp hơn.

Sinh động, hiệu quả, thiết thực

Theo Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, công tác PBGDPL được triển khai ngày càng có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Các hình thức chủ yếu được áp dụng như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở), mạng xã hội (Zalo, Facebook, fanpage), xe loa, pa-nô, băng-rôn, áp -phích, tổ chức mít tinh, thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép tuyên truyền thông qua việc tiếp công dân… Công tác tuyên truyền, PBGDPL còn được thực hiện thông qua khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật.

Phòng Tư pháp huyện Tân Châu cho biết, từ tháng 4.2023, mô hình “Pháp luật ngày thứ sáu” được triển khai thực hiện vào thứ sáu hằng tuần. Trưởng Phòng Tư pháp là người trực tiếp tư vấn, trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật; giải đáp các vướng mắc pháp luật, thủ tục hành chính liên quan... cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu; đồng thời, cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật, tài liệu hỏi - đáp pháp luật.

Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng đặc thù trên địa bàn huyện, đặc biệt là bà con dân tộc Khmer, Phòng Tư pháp huyện biên soạn các nội dung tuyên truyền liên quan đến vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, đạo đức lối sống, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 dịch từ tiếng Việt sang tiếng Campuchia để tuyên truyền cho người dân Khmer trên địa bàn.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở, Phòng Tư pháp huyện Gò Dầu chọn hai xã Phước Trạch và Thanh Phước có tỷ lệ hoà giải năm 2022 thấp so với các xã, thị trấn để “làm điểm”. Phòng Tư pháp và Hội Luật gia huyện biên soạn, hỗ trợ tài liệu phục vụ công tác hoà giải ở cơ sở cho các tổ hoà giải; tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho hoà giải viên; cử người tham gia hỗ trợ hoà giải trong hoạt động hoà giải. 6 tháng đầu năm 2023, các tổ hoà giải của 2 xã đã tiếp nhận và hoà giải thành 4 đơn (đạt tỷ lệ 100%).

Để công tác PBGDPL ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh, cần tiếp tục quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về tầm quan trọng của công tác PBGDPL. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, không chỉ riêng ngành Tư pháp; khuyến khích, tạo điều kiện và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia; đề cao trách nhiệm và từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; chú trọng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; tăng cường công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được quy định trong Luật PBGDPL năm 2012, trong đó đặc biệt quan tâm đến người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người bị phạt tù được hưởng án treo…

Trao giải cho các thí sinh đạt giải cuộc thi viết tìm hiểu Luật Thi đua, Khen thưởng số 06/2022/QH15.

Đưa pháp luật đến gần với phụ nữ

Hoà Hội là xã vùng sâu biên giới của huyện Châu Thành, có đường biên giới dài 1,5km giáp với Campuchia, gồm 4 ấp, 817 hộ với 3.178 nhân khẩu, trong đó có 28 hộ dân tộc Khmer, 117 nhân khẩu. Phụ nữ dân tộc từ 18 tuổi trở lên có 50 người, đời sống chủ yếu của chị em phụ nữ là sản xuất, chăn nuôi, làm thuê và đi làm xí nghiệp.

Năm 2022, qua khảo sát nắm nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của hội viên cần có sự quan tâm, hỗ trợ về kiến thức pháp luật, Hội LHPN xã tham mưu Đảng uỷ về việc thành lập mô hình “Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật” cho phụ nữ dân tộc thiểu số với số thành viên ban đầu là 21 người.

Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng, thông qua những buổi họp, hội viên được nghe tuyên truyền nhiều nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp, các nhiệm vụ, phong trào hoạt động của Hội; phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào thi đua “Phụ nữ Châu Thành chung tay xây dựng nông thôn mới” và 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống mua bán người… Việc tổ chức tuyên truyền của câu lạc bộ được thể hiện linh hoạt như: lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, giao lưu… bảo đảm mọi lúc, mọi nơi, gần gũi, thiết thực với hội viên, nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa- Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Hội cho biết, qua 1 năm hoạt động của mô hình, Hội Phụ nữ đã trao 5 suất khởi nghiệp (mỗi suất 5 triệu đồng); vận động mạnh thường quân trao 50 phần quà (mỗi phần 300.000 đồng) cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của mô hình và biểu dương 25 gương điển hình về “5 không, 3 sạch”, “Học tập theo gương Bác”, “Tiết kiệm xanh”...

Tuy nhiên, hoạt động của câu lạc bộ gặp không ít khó khăn do kiến thức, kỹ năng truyền thông của một số thành viên còn hạn chế; một bộ phận phụ nữ làm thuê, thời gian không ổn định; một số chị chưa xem trọng việc nâng cao kiến thức pháp luật nên chưa thường xuyên tham gia sinh hoạt. Dù thu hút được nhiều sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức mạnh thường quân ủng hộ nhưng cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của chị em. Thành viên câu lạc bộ đa số làm nghề nông và nội trợ nên thời gian dành cho việc nghiên cứu, rèn luyện các kỹ năng hạn chế.

Chị Keo Onl- Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho biết, tham gia câu lạc bộ, chị em được nghe tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nhận thức về pháp luật được nâng lên, từ đó có những chuyển biến rõ rệt về hành vi. Bên cạnh đó, thành viên câu lạc bộ còn phối hợp với hoà giải viên của xã, ấp hoà giải 2 cuộc liên quan đến tranh chấp đất, mâu thuẫn gia đình; thông qua các buổi hoà giải, thành viên câu lạc bộ đã tuyên truyền các nội dung liên quan đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho các đối tượng được hoà giải.

Chị Niên Xà Mon, thành viên Câu lạc bộ nói: “Chị em suốt ngày làm nông, quanh quẩn với công việc sản xuất nên không hiểu biết gì về luật pháp, nhất là các kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực gia đình... Từ khi tham gia câu lạc bộ, tôi biết thêm được nhiều điều và sẽ cố gắng để không vi phạm pháp luật”.

Với mục tiêu nâng cao tinh thần, nghĩa cử cao đẹp của phụ nữ tôn giáo về thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngày 15.5.2023, Hội LHPN xã Thái Bình (huyện Châu Thành) ra mắt mô hình Tổ phụ nữ tôn giáo không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội ấp Bình Phong gồm 10 hội viên có khả năng tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham phòng ngừa tố giác tội phạm.

Bà Dương Thị Kim Tho- Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, Hội tổ chức nhiều hoạt động phong phú để thu hút hội viên có đạo tham gia, tạo thành phong trào lan toả đến tận các chi, tổ, hội có hội viên phụ nữ có đạo, trở thành các hoạt động thiết thực, hiệu quả; vận động quà, học bổng hỗ trợ cho gia đình hội viên, phụ nữ khó khăn trên địa bàn; hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình của các hội viên, phụ nữ từ việc khai thác các nguồn vốn vay; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp hội viên phụ nữ tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh- Tổ trưởng Tổ phụ nữ tôn giáo không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội ấp Bình Phong chia sẻ, tổ thường xuyên phối hợp Hội LHPN xã tuyên truyền, vận động hội viên và phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội, thực hiện bình đẳng giới.

Tham gia sinh hoạt tổ, phụ nữ giáo dân có dịp gặp gỡ, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, tình cảm ngày càng khăng khít với nhau hơn. Qua các buổi sinh hoạt, chị em càng hiểu, gắn bó với Hội và tích cực ủng hộ các phong trào do Hội phát động, nhất là làm từ thiện, hỗ trợ hội viên, người nghèo. Nhiều chị em phát huy khả năng trong sản xuất, kinh doanh và tham gia hoạt động xã hội, nhất là hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở địa phương.

Thời gian tới, mô hình tiếp tục phát huy tính hiệu quả và thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, Hội Phụ nữ xã sẽ nhân rộng tại các ấp có đồng bào tôn giáo sinh sống.

Thiên Di - Phương Thảo

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục